Ông chủ ChatGPT và 'cảm hứng' bỏ học để khởi nghiệp
(Baonghean.vn) - Bill Gates, Mark Zuckerberg, Sam Altman… đủ giỏi và đủ vững về tài chính để có thể không cần theo đuổi 4 năm đại học mới dựng xây cơ nghiệp của riêng mình.
Cùng với ChatGPT, thì cái tên Sam Altman - nhà đồng sáng lập của OpenAI (với Elon Musk) đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, các từ khoá “thất nghiệp” - do mối đe doạ từ sự hữu dụng, tiện ích của ChatGPT - và “bỏ học” - từ câu chuyện cuộc đời của Sam Altman - một thanh niên bỏ ngang Đại học Stanford danh tiếng để khởi nghiệp trở nên phổ biến. Lướt Facebook, không khó thấy các video ngắn trích dẫn các diễn ngôn của những người nổi tiếng, đại loại như: Dù không có bằng đại học, tôi vẫn lãnh đạo hàng ngàn nhân viên; Thành tỷ phú nhờ bỏ đại học; Hãy lao ra đời sớm nhất có thể; Bí quyết khởi nghiệp thành công của người không bằng cấp…
Sam Altman - nhà đồng sáng lập của OpenAI. |
Thực ra, các nội dung truyền thông giật gân như vậy không phải là mới. Nhớ lại thời hoàng kim của Microsoft, câu chuyện cuộc đời của Bill Gates thường xuyên được báo chí khai thác đậm nét ở chi tiết ông đã 2 lần bỏ học Đại học Harvard. Tương tự, ông chủ của Facebook - Mark Zuckerberg với khối tài sản hàng chục tỷ đô, cũng từng là thanh niên bỏ ngang việc học đại học, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Giờ lại đến Sam Altman và ChatGPT.
Không ít tài khoản người dùng mạng xã hội bày tỏ rằng họ như được truyền cảm hứng mãnh liệt, rằng có một điều gì đó thôi thúc họ đứng lên và lao ra đời hiện thực hoá ước mơ, thay vì ngồi yên nhàm chán trên ghế giảng đường. Thậm chí, có những bạn trẻ đã đặt vấn đề nghiêm túc đến mức tạo khảo sát trên vòng bạn bè mạng xã hội rằng có nên bỏ ngang đại học để khởi nghiệp hay không. Có ước mơ là tốt, có khao khát khởi nghiệp là rất tốt, song hãy đọc và hiểu về Bill Gates, Mark Zuckerberg, Sam Altman nhiều hơn trước khi quyết định mình sẽ làm như họ.
Mark Zuckerberg và Bill Gates. |
Ít người biết rằng Bill Gates xuất thân trong một gia đình vô cùng danh giá ở Seattle. Cụ cố nội ông là người sáng lập Ngân hàng Quốc gia thành phố Seattle. Mẹ ông - bà Mary Gates là Chủ tịch Ủy ban điều hành United Way toàn quốc, quản trị viên một trường đại học, giám đốc Ngân hàng West Coast. Bố Bill, ông William H. Gates là chủ tịch một hãng luật nổi tiếng. Năm Bill Gates 13 tuổi, cái thời mà máy tính còn chưa phổ cập rộng rãi thì nhờ mối quan hệ của mẹ, ông đã có riêng một bộ máy để nghiên cứu, học tập.
Mark Zuckerberg cũng sinh ra trong một gia đình trí thức. Anh được tiếp xúc với máy tính lần đầu khi lên 6 tuổi. Cha anh thậm chí còn đầu tư thuê kỹ sư phần mềm nổi tiếng nhất đương thời làm gia sư cho con trai. Mark bắt đầu lập trình máy tính từ năm 12 tuổi. Anh học phổ thông tại một trong những ngôi trường nội trú danh giá bậc nhất ở Mỹ và thi đậu vào Harvard - ngôi trường đại học với tiêu chí tuyển đầu vào cực kỳ khắt khe.
Còn Sam Altman được sinh ra trong một gia đình thượng lưu của Hoa Kỳ vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi anh 8 tuổi, lúc mà giá trị máy tính cá nhân còn được xem là xa xỉ phẩm, gia đình Sam đã mua cho anh 1 chiếc chỉ để anh mày mò học code và tự do tháo máy tìm hiểu về phần cứng. Sam thoải mái tận hưởng giáo dục tư nhân chất lượng cao của nước Mỹ suốt thời niên thiếu. Sau đó, anh được nhận vào Stanford và nhập hội với một nhóm bạn cùng vai phải lứa thuộc giới siêu giàu.
Bill Gates, Mark Zuckerberg, Sam Altman… đủ giỏi và đủ vững về tài chính để có thể không cần theo đuổi 4 năm đại học mới dựng xây cơ nghiệp của riêng mình.
Đến đây thì bạn biết tôi muốn nói điều gì rồi chứ? Tôi cho rằng phần lớn thanh thiếu niên Việt Nam khó có thể lớn lên trong những môi trường gia đình ưu việt như vậy, không có được sự đầu tư bài bản, nguồn lực hậu thuẫn, tầm nhìn dài hạn và sự bảo bọc vô hình từ những gia đình thượng lưu như vậy. Có một sự thực cần nhìn thẳng, 12 năm học phổ thông, chúng ta chỉ có vài năm được học Công nghệ thông tin với chương trình thiết kế được đánh giá là nhàm chán và lạc hậu; nhiều người đến tận khi học đại học mới được sắm chiếc máy tính đầu tiên; phần lớn học sinh Việt Nam không biết trên đời có một thứ ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ lập trình; và thậm chí, việc con cái ngồi máy tính quá 2 tiếng/ ngày bị nhiều phụ huynh cho là chơi bời vớ vẩn… Thanh thiếu niên Việt Nam còn bị đánh giá là thụ động, thiếu kỹ năng sống khi văn hoá truyền thống phần nào chi phối sự sáng tạo và bứt phá nội lực.
Với xuất phát điểm như vậy, nếu bạn bỏ học giữa chừng, thì bạn định khởi nghiệp cái gì để ghi danh thế giới như những nhân vật nổi tiếng kia? Đẩy một xe bánh mì vỉa hè? Chung vốn với bạn bè mở tiệm cà phê cóc? Hay bán cơm hộp, trà chanh, sữa hạt…? Khởi nghiệp bằng những việc ấy cũng có thể tựu thành kết quả nào đó, ví như một số tiền lớn so với độ tuổi, hoặc mang lại hưng phấn nhất thời của người làm chủ cuộc đời mình… Nhưng tin tôi đi, đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận thấy rõ sự thiếu khuyết của bản thân. Con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng, mỗi khi khó khăn vấp ngã, bạn sẽ nhớ lại cảm giác thảnh thơi của những tháng ngày đi học có bố mẹ chu cấp; mỗi khi bế tắc trong chiến lược kinh doanh, bạn sẽ phát hiện ra mình không đủ kiến thức. Có học mới có hành, bạn chưa học đủ sao đã vội hành? Dù ở xã hội nào cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc bồi dưỡng tri thức.
Trước khi lựa chọn bỏ học để khởi nghiệp, bạn hãy cân nhắc liệu có đảm bảo được các yếu tố về tài chính, ý tưởng sáng tạo, đam mê, nghị lực không sợ thất bại và sự hậu thuẫn từ phía gia đình hay không? Nếu không, thì bạn biết câu trả lời rồi đấy!