Nghệ An: Người dân e ngại tái đàn lợn sau Tết

Thanh Phúc 18/02/2023 07:46

(Baonghean.vn)- Giá lợn hơi đang ở mức thấp trong khi giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi thua lỗ. Do đó, sau khi xuất bán lợn thịt, đến nay đã hết tháng Giêng song nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa vào đàn lứa khác. Vậy nên, lợn giống cũng khó tiêu thụ dù giá giảm mạnh...

Giá lợn hơi đang "lao dốc" khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

Xuất bán 20 con lợn thịt vào dịp Tết Nguyên đán nhưng sau 1 tháng, trang trại của anh Lê Thanh Hùng ở xóm Liên Khai, xã Thanh Liên (Thanh Chương) vẫn để trống chuồng, chưa tái đàn. Anh Hùng cho biết: “Nếu như mọi năm, bán lứa này là xử lý chuồng trại, nuôi gối lứa khác liền chứ không bao giờ để trống chuồng. Nhưng nay, giá lợn xuống thấp quá, còn 42.000 đồng/kg, thức ăn chăn nuôi tăng cao, thuốc thú y cũng tăng, càng nuôi càng lỗ nên đành “treo chuồng” một thời gian, xem tình hình thế nào rồi mới nuôi tiếp”.

Giá lợn thịt xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại vẫn đang e ngại chưa dám vào đàn lứa khác. Người dân chưa tái đàn nên lợn giống vì thế cũng ế ẩm, khó tiêu thụ.

Nhiều hộ chăn nuôi, các trang trại, gia trại chưa dám tái đàn, hiện vẫn để trống chuồng sau Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Để giảm bớt gánh nặng trong thời điểm chăn nuôi khó khăn, cũng ở xóm Liên Khai, xã Thanh Liên, gia đình chị Nguyễn Thị Huệ đã giảm từ 3 con lợn nái xuống còn 1 con. Ra Tết, lợn nái đẻ 10 lợn con, nếu như mọi năm thì trước khi lợn đẻ, người dân đã dặn, đặt cọc trước, chỉ chờ đủ ngày đủ tháng là bắt về nuôi. Vậy mà, thời điểm này, chị mới chỉ bán được 4 con, còn 6 con không ai hỏi mua đành để nuôi lợn thịt.

Chị Huệ cho biết: “Các năm trước, 3 con lợn nái đẻ 30 con thì dân trong làng giành mua, đặt cọc trước khi lợn đẻ. Vậy mà năm nay, vẫn còn ế 6 con lợn giống dù giá chỉ còn 700.000 đồng/con 10kg”.

Chi phí một con lợn giống từ khi phối tinh đến khi xuất chuồng lên đến 1 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Kinh doanh lợn giống và cung ứng tinh lợn với quy mô lớn nhưng chưa bao giờ anh Nguyễn Văn Nhật ở xóm Hợp Khánh, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) lại thấy ế ẩm như năm nay. Từ quy mô 100 con lợn nái vào năm 2021, nay, anh đã chủ động giảm xuống còn một nửa. Trung bình mỗi năm, cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 con lợn giống, riêng thời điểm này, trại của anh đang còn 300 con lợn giống đến kỳ xuất bán.

Tuy nhiên, do nhu cầu tái đàn của người dân giảm nên việc tiêu thụ lợn giống rất khó khăn. “Chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 triệu đồng, với mức giá lợn giống như hiện nay thì lỗ, với lại tiêu thụ rất chậm. Do đó, tôi đang tính toán chuyển sang nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, vào đàn lợn thịt trong thời điểm này cũng rất khó khăn”, anh Nhật chia sẻ.

Nhiều trang trại lợn nái gặp khó khăn khi lợn giống khó tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc

Với 30 con lợn nái, trung bình mỗi năm cho ra đời 200 con lợn giống, chủ yếu để cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong xã. Khi lợn giống có giá thì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Đặng Văn Dũng (Nghĩa Bình, Tân Kỳ) song vào thời điểm này, giá lợn giống xuống thấp, lại khó tiêu thụ nên lợn nái lại trở thành gánh nặng chi phí cho trang trại khi khó tiêu thụ, giá thấp mà chuyển sang nuôi lợn thịt thì thua lỗ.

Giá xuống thấp, khó tiêu thụ nên hiện nay, các trang trại, gia trại đang có xu hướng giảm mạnh đàn lợn nái.

Người dân cần tính toán để bảo vệ đàn lợn nái, đảm bảo cung cấp đủ khi nhu cầu tái đàn tăng cao. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi, người dân nên tính toán phù hợp để khi thị trường lợn hơi “ấm lên”, người dân quay lại tái đàn thì vẫn đảm bảo cung ứng đủ con giống; tránh tình trạng khan hiếm con giống và sốt giá như đã từng xảy ra vào năm 2020./.

Thanh Phúc