Đi đăng kiểm mới biết bị phạt nguội, phải xử lý thế nào?
Đến nay, vẫn có rất nhiều trường hợp chủ xe ôtô đi đăng kiểm mới biết bị ghi hình phạt nguội. Nguyên nhân có thể do chủ xe không chủ động tra cứu vi phạm trên hệ thống của Cảnh sát giao thông (CSGT), song cũng không loại trừ việc thông báo vi phạm của CSGT gửi chậm hoặc chưa đúng địa chỉ.
Bị phạt nguội nhưng không nhận được thông báo
Thời gian qua, rất nhiều người phản ánh việc đi đăng kiểm xe ôtô mới biết bị phạt nguội vi phạm giao thông. Nhiều chủ xe bị bất ngờ vì trước đó không nhận được thông báo vi phạm.
Anh Tuấn (chủ xe Hyundai Accent ở Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, ngày 10/2, anh được trung tâm đăng kiểm thông báo vi phạm giao thông và bị phạt nguội, nên chỉ được đăng kiểm 15 ngày.
"Phía trung tâm đăng kiểm hướng dẫn tôi liên hệ với Phòng CSGT Hà Nội để giải quyết vi phạm. Tuy nhiên, trước đó, tôi không được gửi bất cứ thông báo vi phạm nào, mặc dù tôi có địa chỉ cư trú rõ ràng, đăng ký xe chính chủ ngay từ đầu" - anh Tuấn nói.
Theo các trung tâm đăng kiểm, từ năm 2020, xe ôtô bị cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm chủ yếu do chưa nộp phạt nguội, được lựa chọn kiểm định với thời hạn 15 ngày (hoặc kiểm định sau; còn trước đó phải giải quyết xong vi phạm mới được gỡ cảnh báo) giúp tạo điều kiện để chủ xe có thời gian đi giải quyết vi phạm.
Các cảnh báo thường chỉ có số điện thoại, đơn vị CSGT đề nghị cảnh báo, nhưng không ít trường hợp chỉ có tên đơn vị CSGT, còn không có địa chỉ, số điện thoại. Điều này khiến chủ xe bức xúc vì mất nhiều thời gian để tra cứu hoặc đến tận nơi để hỏi về vi phạm.
Nhiều ôtô đi đăng kiểm mới biết bị phạt nguội. Ảnh: Vũ Tiến |
Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03S cho hay, mỗi tháng, đơn vị thực hiện đăng kiểm cho khoảng 3.000 phương tiện, trong đó có từ 50-60 phương tiện bị từ chối đăng kiểm do chưa thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.
Theo ông Hải, khi xe có vi phạm, đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định thì các trung tâm đăng kiểm sẽ thông báo để chủ phương tiện thực hiện quyết định xử phạt trước khi kiểm định.
"Việc phạt nguội phương tiện giao thông vi phạm cũng là một hình thức nữa để răn đe đối với chủ xe, lái xe để làm sao nâng cao tinh thần chấp hành Luật Giao thông" - ông Hải nói.
Thiếu tá Lý Thị Thu Trang - Đội phó Đội Đèn và Trung tâm chỉ huy giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay, theo quy định hiện hành, khi camera ghi lại hình ảnh vi phạm của phương tiện trên đường, trong vòng 5 ngày, CSGT sẽ gửi thông báo đến chủ xe có tên trong đăng ký, mời lên làm việc để xác nhận người điều khiển.
Thông báo vi phạm được gửi theo hình thức bảo đảm, ngay cả việc chủ xe không nhận được hay lý do gì bưu điện đều báo lại.
Tiếp đó, sau 15 ngày, CSGT tiếp tục gửi thông báo lần 2 đến công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú của chủ xe.
Ngoài ra, CSGT còn đăng tải thông tin lên trang thông tin của Cục CSGT (Bộ Công an) hoặc cơ quan báo chí của Hà Nội. Chủ xe muốn biết có vi phạm hay không chỉ cần vào trang của Cục CSGT là có thể biết.
Theo Thiếu tá Trang, thực tế quá trình gửi thông báo vi phạm cho thấy, nhiều khi chủ phương tiện có nhà nhưng lại cho thuê, người thuê nhà nhận thông báo nhưng lại không gửi cho chủ phương tiện. Hay với chủ xe là doanh nghiệp, nhiều khi đã chuyển văn phòng nên địa chỉ không đúng như trong đăng ký xe.
Về việc nhiều chủ phương tiện đi đăng kiểm mới biết là vi phạm qua hình ảnh trước đó, Thiếu tá Trang cho biết: Tất cả chủ phương tiện có cảnh báo đều phải quay lại đơn vị CSGT nơi phát hiện vi phạm ban đầu để giải quyết. Khi chấp hành nộp phạt xong, CSGT sẽ chuyển trạng thái trên hệ thống từ “chưa xử phạt” sang “đã xử lý”. Như vậy, chủ phương tiện có thể tiến hành đăng kiểm xe bình thường.