Nghệ An: Đầu năm, 'đỏ mắt' tìm thợ xây

Văn Trường 19/02/2023 07:46

(Baonghean.vn) - Đầu năm, nhiều chủ thầu ở Nghệ An đang gặp khó khăn khi khan hiếm nguồn thợ xây dựng công trình. Tại một số công trình, tỷ lệ lao động đạt thấp, các chủ thầu đang chạy đôn chạy đáo tìm thợ xây để đáp ứng tiến độ thi công.

Công trình xây dựng nhà đầu năm ở huyện Yên Thành khó khăn do thiếu thợ xây. Ảnh: Văn Trường

Trong Tết, anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành đã triển khai xây dựng căn nhà mới 2 tầng. Hiện mới xong phần móng nhà, theo kế hoạch sau ngày mồng 10 tháng Giêng chủ thầu sẽ gọi lao động trở lại xây dựng. Tuy nhiên, phải đến ngày 17-18 tháng Giêng, tốp thợ mới trở lại nhưng chỉ được ít người.

Ngày nào anh Hồng cũng giục chủ thầu, nhưng chủ thầu trả lời là ra Tết đang thiếu thợ xây, mong chủ nhà thông cảm. Anh Hồng chia sẻ: Công trình thi công chậm, chủ nhà thêm vất vả, vật liệu để ngổn ngang, phải thuê người trông coi…

Một chủ thầu ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành cho biết thêm: Hiện đơn vị đang triển khai xây dựng 3-4 công trình vừa và nhỏ tại các xã trên địa bàn huyện, tuy nhiên ra Tết, nhiều lao động xin nghỉ việc để đi làm ở địa bàn khác, có một số người chuyển đổi nghề nghiệp. Hiện nay, tại các công trình chỉ gọi được số lượng lao động đạt tỷ lệ 30-50% so với yêu cầu.

"Thời gian này, chúng tôi đang phải nỗ lực tìm thợ qua nhiều "kênh", nhưng xem ra rất khó khăn. Nếu không đạt đúng tiến độ, nguy cơ các công trình bàn giao sẽ không đúng với cam kết của hợp đồng." - chủ thầu cho biết.

Một công trình nhà 2 tầng ở huyện Diễn Châu bình thường có 7-9 thợ xây, thợ phụ hồ, nhưng nay chỉ có 3-4 thợ xây dựng. Ảnh: Văn Trường

Một số chủ thầu khác ở huyện Diễn Châu cho biết thêm: Thiếu nhân công xây dựng chủ yếu do thợ “nhảy việc”, khi mà lao động hiện tại đều được tuyển theo hình thức “thời vụ”, không có ràng buộc, nên nếu có nơi trả ngày công cao hơn thì thợ xây sẽ nghỉ việc và chuyển qua nơi khác làm. Sự cạnh tranh này đẩy giá nhân công lên làm cho không ít người thợ "đứng núi này trông núi nọ". Bên cạnh đó, cũng có một số chủ thầu chuyên xây dựng cho các công trình vốn đầu tư công, do cuối năm 2022 chưa được giải ngân nên đã nợ tiền lương, thợ xây dựng vì vậy cũng bỏ làm.

Qua tìm hiểu được biết, mức tiền công của một thợ xây chính ở vùng nông thôn từ khoảng 330.000-350.000 đồng/ngày, còn với thợ phụ hồ là 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Mức lương vậy là cao nhưng hiện nay ngày càng có ít người theo nghề. Anh Trần Văn Quý - một thợ xây ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu chia sẻ: Làm thợ xây, việc chủ yếu ngoài trời, công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm, hầu hết không có chế độ bảo hiểm.

Anh Quý chia sẻ thêm: Làm ở các công trình xa thường dựng lều, nhà container... để nghỉ, ăn uống tại công trường, trong khi phần lớn công trường xa dân cư, điều kiện thiếu thốn, khó khăn, vất vả.

Thời điểm này các chủ thầu "đỏ mắt" tìm thợ xây dựng ở Diễn Châu. Ảnh: Văn Trường

Ở các công trường lớn, đầu năm lao động xây dựng cũng thiếu khá nhiều. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp xây dựng lớn trong tỉnh đều có chính sách đãi ngộ để giữ chân thợ như cho ứng lương, trang bị bảo hộ lao động và ký hợp đồng đầy đủ. Trong khi đó, ở các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ, các chủ thầu tự phát thì công việc không ổn định, nợ lương, dẫn đến tình trạng thiếu lao động.

Thợ làm sắt ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Văn Trường

Do khó khăn trong việc thu hút lao động, một số đội thầu xây dựng đã phải liên kết, hỗ trợ lẫn nhau như cho “mượn” thợ để hoàn thành các công trình đang cần gấp tiến độ. Bất cập là việc ký hợp đồng giữa chủ lao động và người lao động chưa hoặc ít thực hiện, nên việc bỏ việc đầu năm vẫn khá phổ biến vì sự ràng buộc về trách nhiệm còn lỏng lẻo.

Thái Lan tuyển lao động Việt Nam làm nghề đánh cá, xây dựng

06/11/2018

Kĩ sư xây dựng bỏ nghề vào rừng nuôi cá lạ

11/07/2021

Văn Trường