'Gánh nặng' mang tên xã hội hóa

Mỹ Hà 20/02/2023 19:39

(Baonghean.vn) - Xã hội hóa giáo dục là một trong những khoản được phép thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vậy nhưng, “đến hẹn lại lên”, câu chuyện xã hội hóa giáo dục tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều nỗi niềm

Có con học lớp 10 tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, chị N.L.H khá bất ngờ khi mới đây, tại cuộc họp phụ huynh chị nghe giáo viên và đại diện hội phụ huynh thông báo tiền xã hội hóa năm nay của con sẽ hơn 1 triệu đồng/cháu. Số tiền này theo chị là nhiều gấp 3 so với những năm các cháu đang học tiểu học hoặc THCS.

Trong khi đó, chị và nhiều phụ huynh khác chưa nắm rõ được khoản tiền trên sẽ được chi cho khoản gì, ai là người giám sát. Đây cũng là một số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình nếu điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều con cùng đi học.

Giờ học của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Mỹ Hà

Trên mạng xã hội, trong những ngày này cũng chia sẻ về thông tin Trường THPT Hà Huy Tập đang vận động thu xã hội hóa từ phụ huynh với số tiền cũng trên 1 triệu đồng/học sinh. Mặc dù biết rằng, xã hội hóa là một chủ trương của ngành Giáo dục, các nhà trường được phép thu nhưng nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn, thậm chí hoài nghi về việc thu xã hội hóa của nhà trường.

Phụ huynh Đ.L.Q còn cho biết: Theo tôi không nên thu xã hội hóa mà cứ thu tiền xây dựng như trước đây, quy định bao nhiêu, đóng bấy nhiều. Việc gọi xã hội hóa “vô thưởng vô phạt” thấy nặng nề mà năm nào cũng xôn xao. Một phụ huynh khác thì cho rằng, “Trường nào cũng vậy cả thôi. Riêng tiền quỹ cũng có 4 - 5 loại quỹ rồi, quỹ nhà trường, quỹ phụ huynh, quỹ lớp”...

Không chỉ các phụ huynh, bản thân các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm đều thấy áp lực khi phải triển khai các khoản thu đầu năm. Đó cũng là lý do vì sao, những năm gần đây thay vì giáo viên chủ nhiệm thông báo các khoản thu, chi thì nhiều giáo viên đã nhờ hội phụ huynh “gánh vác” việc triển khai và thay giáo viên chủ nhiệm thực hiện công việc nhọc nhằn này.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vận động xã hội hóa để cải tạo toàn bộ dãy phòng học cũ với kinh phí dự kiến vận động là hơn 2,5 tỷ đồng. Ảnh: Mỹ Hà

Một giáo viên chủ nhiệm ở thành phố Vinh chia sẻ: “Các khoản thu xã hội hóa là một khoản thu bắt buộc và được nhà trường giao chỉ tiêu cho từng lớp, căn cứ trên sĩ số lớp. Nhưng rõ ràng, trong một lớp, không phải học sinh nào cũng có điều kiện giống nhau, có em khá giả, nhưng cũng có em khó khăn. Vì vậy, khi triển khai, bản thân chúng tôi cũng phải cân nhắc, tính toán. Nếu cào bằng thì sai chủ trương. Nhưng nếu không thu thì giáo viên sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”.

Không được cào bằng

Trao đổi với Báo Nghệ An, thầy giáo Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Cho đến thời điểm này, nhà trường mới thông qua chủ trương vận động xã hội hóa cho phụ huynh tại buổi họp phụ huynh đầu học kỳ II. Tuy nhiên, việc thu bao nhiêu, thu như thế nào nhà trường chưa thực hiện. Nếu trường hợp nào, giáo viên chủ nhiệm đã thu của phụ huynh là sai quy định.

Sở dĩ đến thời điểm này, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chưa thực hiện thu xã hội hóa, bởi hiện phương án thu xã hội hóa của nhà trường cho năm học 2022 - 2023 chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Mặc dù vậy, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch thu với dự kiến tổng thu xã hội hóa cho năm học này là 2,5 tỷ đồng.

Hầu hết các nhà trường đang huy động xã hội hóa để cải tạo, sửa chữa trường lớp. Ảnh: Mỹ Hà

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mức vận động năm nay không cao hơn các năm trước và sẽ được dùng để sửa chữa, cải tạo nhà học và sơ sở vật chất trong Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (dãy nhà cũ đã sử dụng 20 năm với nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng) (hơn 2,6 tỷ đồng).

Ngoài ra, sử dụng để cải tạo hệ thống điện nhà trường (300 triệu đồng), đóng trần, làm điện phòng họp lãnh đạo, phòng hiệu trưởng (100 triệu đồng). Nhà trường cũng sẽ dùng hơn 500 triệu đồng để trả nợ công trình cải tạo, nâng cấp và xây mới Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (công trình cũ đã hoàn thành). Trong số tổng chi dự kiến hơn 3,6 tỷ đồng của trường, có hơn 1,1 tỷ đồng là số tiền xã hội hóa thu từ năm học trước chuyển sang và có 2,5 tỷ đồng dự kiến là tiền thu mới.


Đặt câu hỏi về mức thu này, nếu “cào bằng” tối thiểu cho hơn 2.300 học sinh toàn trường thì mỗi học sinh ít nhất phải nộp tiền xã hội hóa hơn 1 triệu đồng/em, thầy giáo Phan Xuân Phàn nói thêm: Trước khi thực hiện thu xã hội hóa, nhà trường đã thực hiện nhiều bước từ rà soát cơ sở vật chất, có sự thẩm định của UBND thành phố, lập dự toán và trình phương án xin thu xã hội hóa với Sở Giáo dục và Đào tạo. Toàn bộ số tiền xã hội hóa thu về sẽ được nộp lên kho bạc và thực hiện thu - chi theo đúng quy định. Hiện nhà trường đang dự kiến thu nhưng phải có sự bàn bạc, thống nhất và ủng hộ của phụ huynh. Không thực hiện hình thức cào bằng và có chính sách miễn, giảm đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo.

Qua nắm bắt ở nhiều trường học, không chỉ riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mà hầu hết các trường THPT và nhiều trường mầm non, tiểu học và THCS, việc thu tiền xã hội hóa chủ yếu chỉ được sử dụng để mua sắm thiết bị dạy học, nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới các trường học. Về lý do vì sao mức xã hội hóa giữa các trường đang có sự chênh lệch, một phần là do quy mô các công trình xây dựng. Trong trường hợp, trường kêu gọi được đầu tư công nhiều thì khoản đóng góp của phụ huynh sẽ phần nào ít hơn.

Tại Trường THPT Kim Liên, theo phương án thu xã hội hóa mà Sở vừa phê duyệt cho nhà trường, năm nay, dự kiến nhà trường sẽ thu khoảng 700 triệu đồng. Trong đó, số tiền để mua sắm bổ sung máy tính dự kiến khoảng 200 triệu đồng và phần còn lại được dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, xây lại dãy hàng rào đã xuống cấp. Thầy giáo Dương Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: Mỗi một năm nguồn chi thường xuyên của nhà trường không nhiều và nếu chỉ dựa vào nguồn chi này để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất là không thể. Vì vậy, buộc các nhà trường phải vận động các nguồn xã hội hóa. Trường chúng tôi, năm nay, dự kiến sửa chữa cơ sở vật chất hết khoảng 2 tỷ đồng, nhưng trong đó có 1,5 tỷ đồng được huyện cấp ngân sách để bớt được phần nào tiền vận động.

Dãy phòng học mới đang trong quá trình xây dựng của Trường THPT Hà Huy Tập. Một phần kinh phí xây dựng sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Mỹ Hà

Năm nay, Trường THPT Hà Huy Tập cũng đang dự kiến huy động tài trợ trong năm học 2022 - 2023 là 2,5 tỷ đồng và dùng để đầu tư vào cơ sở vật chất. Trong đó, chi 200 triệu đồng để trả nợ dự án cải tạo, nâng cấp nhà học 3 tầng, 800 triệu đồng trả nợ dự án cải tạo, nâng cấp hàng rào, sân thể dục, thể thao theo quyết định của UBND thành phố từ năm 2019 và 1,5 tỷ đồng để triển khai dự án xây mới nhà học 3 tầng và các hạng mục phụ trợ.

Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Nếu thực hiện chi trả tất cả các khoản nợ xây dựng và xây dựng mới, năm nay Trường THPT Hà Huy Tập cần huy động hơn 13 tỷ đồng và để đủ số tiền này chúng tôi đang còn phải vận động trong nhiều năm. Nhà trường cũng sử dụng các nguồn khác như ngân sách tiết kiệm, nguồn học phí, nguồn dạy thêm, học thêm... nhưng mỗi năm cũng chỉ huy động được khoảng 700 triệu đồng. Khó khăn hiện nay, đó là các công trình xây dựng mới, dù có Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng phần còn lại các nhà trường phải thực hiện vốn đối ứng. Nếu không huy động xã hội hóa thì nhà trường cũng không biết nhìn vào đâu để sửa chữa, xây dựng trường lớp...

Cần hài hòa, cân nhắc kỹ lưỡng

Về vấn đề xã hội hóa, thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục phê duyệt phương án vận động xã hội hóa của các trường THPT công lập trên toàn tỉnh. Bà Võ Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Những năm gần đây, các văn bản quy định về thu chi trong trường học được ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc nên phần lớn các trường trước khi thực hiện các khoản thu, trong đó có khoản thu xã hội hóa đều làm đúng theo quy định và đây là khoản thu được cho phép.

Về phía ngành Giáo dục, để hạn chế việc thu, Sở cũng đã đưa ra quan điểm trong phê duyệt xã hội hóa, đó là chỉ phê duyệt các công trình như sửa chữa các phòng học, nhà vệ sinh, mua sắm thêm một số thiết bị dạy học và không được sử dụng nguồn xã hội hóa để mua sắm các thiết bị dạy học tối thiểu. Quá trình triển khai, các trường tuyệt đối không được thu theo cào bằng, không được thu tối đa, tối thiểu mà phải có sự bàn bạc giữa phụ huynh và nhà trường, tùy thuộc vào điều kiện của phụ huynh, học sinh, tùy thuộc vào điều kiện địa phương.

Theo các văn bản hướng dẫn, việc thu xã hội hóa phải được thực hiện theo 5 bước và có sự giám sát, công khai các khoản đã thu và các khoản dự định thu để phụ huynh cùng biết, bàn bạc.

Giờ học của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: Mỹ Hà

Vấn đề hiện nay, ở các nhà trường đó là cần cân nhắc phải thu thế nào cho hài hòa, công trình nào cần ưu tiên đầu tư, sửa chữa, công trình nào là cấp thiết. Nếu ồ ạt đầu tư, sửa chữa sẽ khiến việc xã hội hóa năm nào cũng trở thành gánh nặng cho nhà trường, cũng như gánh nặng cho phụ huynh, học sinh. Từ đây cũng nảy sinh những bất cập trong việc triển khai, tuyên truyền, vận động và dẫn đến những bất hợp lý hoặc không tránh khỏi tình trạng lợi dụng, lạm thu trong xã hội hóa...

Mỹ Hà