Phụ nữ xã biên giới của Nghệ An hỗ trợ nhau làm du lịch cộng đồng
(Baonghean.vn) - Ở xã biên giới Hạnh Dịch của huyện nghèo Quế Phong, nhờ thực hiện cách làm kinh tế “3 trong 1” của chị em, các gia đình có thêm nhiều nguồn thu nhập, phát huy được sức người cũng như tiềm năng sẵn có ở địa phương.
Cách làm kinh tế "3 trong 1" của các chị em phụ nữ ở Hạnh Dịch được thực hiện hơn 1 năm nay. Vừa thành lập tổ đổi công giúp nhau sản xuất nông nghiệp; vừa phân công chăn nuôi, dệt vải cung cấp nguyên vật liệu, đồ lưu niệm cho các homestay, các chị em còn đảm nhận luôn vai trò hướng dẫn viên kiêm diễn viên biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ đậm bản sắc dân tộc phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Chung tay làm du lịch cộng đồng
Suối Huồi Đán chảy qua xã Hạnh Dịch có nhiều thác đẹp. Ảnh: CSCC |
Những ngày đầu chớm bước sang mùa hè, được xem là thời gian "vàng" cho mùa du lịch của những bản làng bên quần thể thác nước ở xã biên giới Hạnh Dịch. Nơi đây nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, không gian xanh mát tươi tốt của núi rừng luôn có một nét lôi cuốn khó cưỡng với những ai yêu sự trong lành của thiên nhiên hoang sơ, yêu mến bản sắc văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Nằm nép mình dọc theo suối Huồi Đán với nhiều thác ghềnh đẹp hút mắt, các bản làng của xã biên giới Hạnh Dịch yên bình sống hiền hòa cùng thiên nhiên núi rừng. Với 199 hộ dân, nằm dọc theo khe suối và thác nước 7 tầng, bản Thái cổ Long Thắng của xã Hạnh Dịch có nhiều thuận lợi hút khách du lịch đến tham quan, thưởng thức các sản vật, trải nghiệm các phong tục, bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Thái.
Từ bao đời, những người phụ nữ hầu như chỉ gắn với ruộng nương và khung cửi dệt vải. Song hai năm lại nay, đã có những đổi thay đến với người dân, đặc biệt là với chị em phụ nữ. Ấy là sự năng động trong cách nghĩ, cách làm, các hộ gia đình nơi đây đã cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước mạnh dạn đầu tư xây dựng 6 cơ sở homestay hoạt động theo tổ nhóm.
Hội Phụ nữ bản Long Thắng quảng bá sản phẩm du lịch và cung cấp các dịch vụ du lịch cho các đoàn du khách. Ảnh: CSCC |
Đã thành thạo "làm du lịch", trước mỗi lần đón du khách, các chị em lại về "trụ sở chính" để họp bàn và phân công nhiệm vụ. Cuối buổi sáng 24/2, vừa từ cánh đồng lúa trở về, các chị em hẹn gặp nhau để phân công chuẩn bị rượu cần, nuôi gà, lợn bản và chăm sóc vườn rau sạch để phục vụ đoàn khách du lịch gần 40 người sẽ đến bản Long Thắng trải nghiệm dịch vụ homestay vào ngày 25-26/3.
Chị Lô Thị Tiền giải thích thêm, "trụ sở chính" mà chị em mặc định tại homestay Lâm Khang, cũng là homestay đầu tiên được hình thành ở Hạnh Dịch. Sau đó, gia đình chị Tiền cũng xây dựng homestay Hà Văn Thuỷ vào cuối năm 2022. Homestay của gia đình chị là 1 trong 6 điểm dịch vụ du lịch ở ngay chân thác 7 tầng, tạo thành “công ty” dịch vụ homestay ở bản Long Thắng. Cách thức hoạt động là cả 6 hộ đều cùng nhau làm từ cung cấp thực phẩm đến biểu diễn văn nghệ và kiêm hướng dẫn viên giúp du khách tham quan thác nước, thăm bản làng.
“Có đoàn khách đến thì chị em sẽ tập trung phục vụ du khách ăn uống, nghỉ ngơi tại địa điểm chính của “công ty” là homestay Lâm Khang. Nếu khách đông, nhu cầu ngủ nghỉ của cơ sở Lâm Khang không đủ thì sẽ phân bổ về các homestay ở gần” - chị Lô Thị Mai cho biết thêm.
Các tổ đổi công của Chi hội Phụ nữ Hạnh Dịch thường xuyên họp và phân công nhiệm vụ trước khi đón các đoàn khách. Ảnh: Hoài Thu |
“Mỗi chị em tham gia phục vụ sẽ được nhận tiền công từ 200 - 300 ngàn đồng tuỳ quy mô đoàn khách. Ngoài ra, nhà nào được phân công cung cấp rau, thịt gà, thịt lợn hoặc rượu cần thì “công ty” sẽ trả tiền theo sản phẩm” - chị Lô Thị Tiền, một thành viên của nhóm chị em giúp nhau nói thêm.
Lãnh đạo UBND xã Hạnh Dịch cho biết, năm 2022, số lượng khách tham quan du lịch đến với Hạnh Dịch đạt khoảng 6.000 lượt, riêng trong các ngày lễ 30/4-1/5 đạt hơn 3.000 lượt. Với cách giúp nhau cùng làm kinh tế, chị em của bản Long Thắng cũng như các bản khác ở Hạnh Dịch ngày càng đoàn kết hơn trong lao động, sản xuất.
Tổ nhóm đổi công tự giác
Bước sang tháng Ba, những ruộng lúa nước ở Hạnh Dịch đã xanh mơn mởn. Từ những niềm vui khởi sắc về dịch vụ du lịch cộng đồng, ruộng vườn của bà con cũng đã trở thành một yếu tố đóng góp cho "nghề mới" về du lịch của người dân bên dòng Huồi Đán.
Phụ nữ bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch giúp nhau làm cỏ lúa vụ xuân hè 2023. Ảnh: Hoài Thu |
Nơi đây, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với "cú hích" về phát triển du lịch cộng đồng, hiện nay nơi đây đã có nhiều đổi thay rõ nét. Ấy là sự năng động, tự giác trong việc giúp nhau làm kinh tế, sản xuất chăn nuôi trồng trọt của các hội, đoàn thể.
Theo chân các chị em “3 trong 1" của bản Long Thắng xuống ruộng giúp nhau làm cỏ lạc, cỏ lúa vụ xuân hè, chị Lô Thị Hương cho biết, lâu nay chị em thường giúp nhau làm kinh tế theo cách tập trung “cuốn chiếu”, mỗi nhà sẽ cử 1 người tham gia giúp từng hộ làm xong công việc của mình, sau đó sẽ chuyển sang giúp nhà tiếp theo. “Hôm nay, mấy chị em tập trung giúp các nhà ở bản Long Thắng làm cỏ lúa, cỏ lạc. Làm ruộng nào là dứt điểm ruộng đó. Tập trung cùng làm sẽ nhanh hơn và vui hơn” - chị Hương cho hay.
Không chỉ chị em thực hiện cách đổi công giúp nhau trong sản xuất, mà đây đã trở thành cách làm hiệu quả của người dân xã biên giới này, giúp hoàn thành hiệu quả nhiều mô hình sản xuất. Ví như mô hình trồng dưa nại ở bản Vinh Tiến cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/ha; mô hình trồng khoai sọ, trồng lạc sen ở bản Long Thắng cho thu nhập ổn định 2 năm lại nay.
Nhờ cách làm “cuốn chiếu”, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hạnh Dịch vượt chỉ tiêu đề ra về năng suất và sản lượng. Ảnh: Hoài Thu |
Người dân Hạnh Dịch gieo trồng 2 vụ lúa/năm với hơn 280ha, cho thu hoạch bình quân 55 tạ/ha, tăng 5,25% so với năm 2021. Sản lượng lạc sen cũng vượt 5,9% so với kế hoạch, đạt 22,5 tấn, năng suất 25 tạ/ha.
Các chị em phụ nữ vừa trực tiếp trồng trọt, chăn nuôi, lại vừa tham gia làm dịch vụ du lịch và đảm nhận luôn các hoạt động biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ, tết và phục vụ du khách. Nhờ cách làm năng động này, các hộ gia đình ở bản Long Thắng đang dần tự tin vươn lên trong làm kinh tế và tạo được sự vui tươi, phấn khởi trong đời sống tinh thần, góp phần xây dựng bản làng vùng biên ngày càng bình yên, giàu đẹp.