Chợ tiền tỷ đìu hiu, tiểu thương tràn ra đường kinh doanh

Q.A 27/02/2023 14:37

(Baonghean.vn) - Nhiều chợ được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng tiểu thương không vào kinh doanh mà lại tràn ra lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán. Đó là tình trạng đang xảy ra phổ biến tại một số huyện vùng cao của Nghệ An.

Chợ vắng, đường đông

Đi dọc tuyến Quốc lộ 48, qua các huyện Quỳ Châu, Quế Phong dễ nhận ra tình trạng người dân vô tư bày biện hàng hoá ra vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, xe đạp, xe máy dựng ngổn ngang, mất an toàn giao thông, đặc biệt là tại khu vực thị trấn của 2 địa phương này.

Tiểu thương kinh doanh dọc Quốc lộ 48, đoạn qua địa bàn thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Q.A

Tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng người dân buôn bán dưới lòng đường rất phổ biến, đặc biệt là trước cổng chợ Tân Lạc vào mỗi buổi chiều. Do có lượng xe cộ lưu thông đông đúc, đặc biệt là trong giờ tan tầm nên việc người và phương tiện dừng đỗ lộn xộn để mua bán giữa Quốc lộ rất dễ xảy ra tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự.

Điều đáng nói, cạnh khu vực đông đúc này là chợ Tân Lạc được đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại nhất trên địa bàn huyện Quỳ Châu lại vắng bóng tiểu thương cũng như khách mua hàng.

Theo tìm hiểu, chợ Tân Lạc được xây dựng trên khuôn viên gần 10.000m2, với mức đầu tư 18 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoạt động đạt như kỳ vọng là trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn huyện.

Tại chợ Tân Lạc vẫn còn nhiều ki ốt không có người thuê. Ảnh: Q.A

Ông Hoàng Văn Cường - đại diện Ban quản lý chợ Tân Lạc cho biết: “Khu chợ này chỉ nhộn nhịp vào mỗi ngày lễ, Tết thôi, còn cả năm đều trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ. Hiện toàn chợ có trên 150 ki ốt, bao gồm đình chợ và các ki ốt ngoài trời nhưng mới được 50% vị trí có tiểu thương buôn bán, số còn lại vẫn trống. Người ít, không có nguồn thu nên ngay cả ban quản lý cũng đã phải cắt giảm số người, từ 5 người ban đầu nay chỉ còn mình tôi trực chợ nữa”.

Theo đại diện phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Châu, toàn huyện hiện có 6 khu chợ, trong đó chợ Tân Lạc có quy mô lớn nhất, tuy nhiên, thực tế tình hình kinh doanh, buôn bán tại chợ vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Tình trạng người dân buôn bán dưới lòng đường diễn ra phổ biến tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Q.A

Trên địa bàn huyện Quế Phong cũng trong tình trạng tương tự. Tại các tuyến đường ở thị trấn Kim Sơn, hình ảnh bà con mang thúng, mẹt tập trung buôn bán nhộn nhịp dưới lòng đường, vỉa hè không phải là điều hiếm gặp. Đặc biệt là khu vực giáp với công viên văn hóa huyện, tiểu thương ngồi thành hàng dài, bày bán đủ loại hàng hóa từ rau, củ, quả đến gia cầm, thủy sản trông rất nhếch nhác. Vào giờ cao điểm, tuyến đường này thường xuyên bị ùn tắc do người dân dừng xe vô tội vạ để mua bán. Đặc biệt, con đường này cũng là lối vào của Trường Mầm non thị trấn Kim Sơn (điểm trường Nam Sơn), nên vào giờ tan tầm, người và phương tiện phải nhích từng bước một, ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy trò.

Ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong cho biết: Tình trạng người dân tự ý lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán đã diễn ra nhiều năm nay. Địa phương cũng đã nhiều lần ra quân giải toả hành lang an toàn giao thông, xoá bỏ chợ tự phát, tuy nhiên, khi không có lực lượng chức năng, đâu lại vào đấy...

Nhiều ki ốt tại chợ Kim Sơn, huyện Quế Phong vẫn vắng bóng người thuê. Ảnh: Q.A

Điều đáng nói, trên địa bàn thị trấn Kim Sơn có chợ Kim Sơn được đầu tư, xây dựng với tổng mức trên 100 tỷ đồng, là khu chợ quy mô, hiện đại, xứng tầm bậc nhất của miền Tây xứ Nghệ. Tuy nhiên đến nay, số lượng tiểu thương vào đăng ký kinh doanh tại khu chợ này vẫn chưa thể phủ kín. Toàn chợ có gần 400 điểm kinh doanh từ tầng 1 đến tầng 3, tuy nhiên hiện nay mới có khoảng 50% các điểm kinh doanh có tiểu thương đăng ký, số còn lại vẫn là những gian hàng trống, chưa thể phát huy hết được tầm vóc, quy mô của khu chợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến tiểu thương không vào chợ kinh doanh là do khi vào chợ sẽ phải đóng các loại thuế, phí theo quy định của nhà nước. Trong khi buôn bán ở ngoài đường vừa không mất phí, lại vừa dễ tiếp cận được khách hàng do người qua lại đông đúc. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng cũng dần thay đổi, khi việc mua hàng online trở nên phổ biến, lượng người trực tiếp đi chợ mua sắm giảm nhiều so với trước đây, do đó, tiểu thương cũng chưa mặn mà vào chợ vì lo ngại không có khách.

Khuyến khích tiểu thương vào chợ kinh doanh

Trước tình trạng tiểu thương không vào chợ kinh doanh, trong khi lại tập trung buôn bán tại các điểm trái quy định, không đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, chính quyền các địa phương đang phối hợp với BQL các chợ thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tiểu thương vào chợ để kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Võ Thái Tịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: Việc kinh doanh, buôn bán tại chợ Tân Lạc kém sầm uất cũng là điều địa phương rất trăn trở, vì đây là khu chợ quy mô nhất trên địa bàn. Trước mắt, thị trấn sẽ làm song song 2 việc để có thể cải thiện tình trạng này. Đầu tiên là lực lượng chức năng của thị trấn sẽ tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng người dân tập trung lấn chiếm lòng, lề đường Quốc lộ 48 để kinh doanh. “Song song với đó, để khuyến khích người dân vào chợ, huyện Quỳ Châu cũng đã có các chính sách ưu tiên cho tiểu thương như cam kết giảm thuế, phí mặt bằng, phí chợ cho các tiểu thương. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ dọc đường, thị trấn cũng cho phép vào chợ để buôn bán tại các vị trí trống. Ngoài ra, cả tiểu thương lẫn khách vào mua hàng đều không phải mất phí gửi xe như trước đây. Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp như vậy hy vọng việc kinh doanh, buôn bán tại chợ sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới" - ông Tịnh nhấn mạnh.

Chợ Kim Sơn được đầu tư khang trang trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: Q.A

Huyện Quế Phong cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND thị trấn Kim Sơn và các lực lượng chức năng tăng cường xử lý tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường trên các tuyến đường nội thị, lắp đặt các biển cấm để người dân tuân thủ thực hiện, đồng thời phối hợp với Ban quản lý chợ Kim Sơn tạo các điều kiện để các tiểu thương tự nguyện đăng ký kinh doanh tại chợ, không buôn bán mất trật tự nơi công cộng.

Đại diện Ban quản lý chợ Kim Sơn cho biết: Hiện nay, chợ Kim Sơn đã đi vào hoạt động được gần 2 năm, mặc dù vậy, số lượng tiểu thương vào kinh doanh tại chợ mới chỉ tập trung tại tầng 1, khu vực tầng 2 và tầng 3 vẫn còn trống. Do đó, trong thời gian tới, để phủ kín được số lượng ki ốt này, đơn vị đã có văn bản khuyến khích, kêu gọi người dân vào chợ kinh doanh, hỗ trợ không thu phí mặt bằng trong vòng 6 tháng đầu, đồng thời miễn phí các chi phí khác như vệ sinh môi trường, giữ xe. Các hộ đăng ký kinh doanh sớm sẽ được chọn lựa các vị trí đẹp để buôn bán….

Q.A