Được 'triệu hồi' vào U22, tiền vệ Sông Lam Nghệ An kể về cách huấn luyện của thầy Troussier
(Baonghean.vn) -Tiền vệ Đặng Quang Tú – Sông Lam Nghệ An từng là học trò của huấn luyện viên Troussier ở U19 Việt Nam. Mới đây cầu thủ này được ông thầy người Pháp triệu tập vào U22 Việt Nam. Điều này khiến Tú nhớ lại những câu chuyện khi còn là học trò của ông Troussier.
Quang Tú là học trò của huấn luyện viên Troussier ở U19 Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Tiền vệ Sông Lam Nghệ An bất ngờ khi huấn luyện viên Troussier gọi
Mới đây, tân huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam – ông Philippe Troussier công bố danh sách 41 cầu thủ tập trung để chuẩn bị cho SEA Games 32. Trong danh sách này, Sông Lam Nghệ An đóng góp 5 cầu thủ, gồm Trần Mạnh Quỳnh, Đặng Quang Tú, Hồ Khắc Lương, Lê Văn Thành, Ngô Văn Lương. Đây đều là những học trò đã từng được ông thầy người Pháp lựa chọn vào Đội tuyển U19 Việt Nam cách đây 2 năm. Trong 5 cái tên của đội bóng xứ Nghệ được triệu tập, tiền vệ Đặng Quang Tú được cho là cầu thủ ít tiếng tăm nhất.
“Tôi khá bất ngờ khi được thầy Troussier gọi vào Đội tuyển U23 Việt Nam” – Đặng Quang Tú nói khi hay tin mình lọt vào danh sách tập trung lần này. Sở dĩ Tú được triệu tập, không phải vì trong quãng thời gian gần đây cầu thủ này tạo được ấn tượng mạnh trong giới mộ điệu. Mà cũng bởi đây là cậu học trò có cách chơi phù hợp với triết lý cầm quân của ông thầy người Pháp.
Năm 2012, Đặng Quang Tú trúng tuyển vào Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An. Mới đây cầu thủ gốc Đô Lương được bố trí chơi ở vị trí tiền vệ cánh phải. Tuy nhiên, khi lên đến đội U15 Sông Lam Nghệ An, huấn luyện viên Lê Kỳ Phương đã chuyển cầu thủ này vào chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Theo thầy Phương: “Tú có kỹ thuật cơ bản tương đối tốt, nhưng do hạn chế về tốc độ nên tôi quyết định chuyển cậu ấy vào đá giữa. Điều này sẽ phát huy được những điểm mạnh của cậu ấy”.
Quang Tú cùng đồng đội giành Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc. Ảnh: NVCC |
Sự chuyển dịch đó giúp Tú dần khẳng định được khả năng của bản thân và chiếm được niềm tin của ban huấn luyện. Năm 2017, Tú cùng U17 Sông Lam Nghệ An giành Huy chương Bạc U17 Quốc gia. Năm 2019 giành Huy chương Đồng U19 Quốc gia.
Ngoài ra, năm 2018, Tú được gọi vào Đội tuyển U19 Việt Nam và giành chức vô địch U19 quốc tế 2019 tại Nha Trang.
Dấu ấn lớn nhất mà Quang Tú để lại trong hơn 1 năm trở lại đây là chiếc Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc. Ở giải đó, Quang Tú được huấn luyện viên Nguyễn Văn Tiến bố trí chơi ở trung tâm hàng tiền vệ. Anh thi đấu khá tốt và tạo được bộ khung vững chắc ở tuyến giữa của U21 Sông Lam Nghệ An.
Nói về cậu học trò của mình, huấn luyện viên Nguyễn Văn Tiến đánh giá: “Tú là cầu thủ được tôi chọn thi đấu ở trung tâm hàng tiền vệ. Thế mạnh của cậu ấy là khả năng thu hồi, giữ bóng và phối hợp nhỏ. Ngoài ra, cậu ấy còn có thể thực hiện những cú sút bóng sống khá tốt”.
Ông Tiến nói thêm: “Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, theo tôi, Tú cần cải thiện thêm về tốc độ, cần mạnh dạn thực hiện các pha đột phá ở giữa sân để tạo đột biến. Bên cạnh đó, Tú cũng nên tránh những pha xử lý bóng rườm rà, làm mất đi cơ hội phản công nhanh của đội nhà”.
Quang Tú trong màu áo của CLB Hòa Bình. Ảnh: NVCC |
Cũng trong mùa giải 2022, Quang Tú được Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An cho Hòa Bình mượn thi đấu ở giải hạng nhì. Tiền vệ sinh năm 2001 đã chơi với phong độ khá cao, giúp Hòa Bình lên chơi ở giải hạng Nhất.
Chuyện huấn luyện của thầy Troussier
Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở để huấn luyện viên Troussier chọn Quang Tú. Quay lại 4 năm trước, ông Troussier lúc đó dẫn dắt Đội U19 Việt Nam, Quang Tú là một trong những cầu thủ được huấn luyện viên người Pháp giữ lại ở danh sách cuối cùng để tham dự U20 châu Á.
“Thầy Troussier thích những cầu thủ chăm chỉ, có kỹ thuật, tư duy chơi bóng hiện đại và luôn phải tuân thủ đấu pháp, vì lý do đó nên thầy đã chọn tôi vào danh sách tập trung cho đợt này”. – Quang Tú chia sẻ.
Quang Tú trong màu áo U19 Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Điểm nổi bật trong triết lý cầm quân của Troussier là các tuyến đội hình cần thi đấu gần nhau, về cả chiều dài lẫn chiều ngang. Chẳng hạn, cự ly giữa tiền đạo chơi cao nhất và hậu vệ đá thấp nhất trong đội chỉ là 30m. Toàn đội sẽ di chuyển cùng nhau theo một khối ở mọi khu vực trên sân. Để thực hiện được cách chơi này đòi hỏi các cầu thủ phải được tập luyện nhiều. Từng mắt xích phải vận hành theo một thể thống nhất, các cầu thủ phải hạn chế những sai sót không đáng có.
“Trong tập luyện thầy rất nghiêm khắc với chúng tôi. Kỷ niệm mà tôi vẫn mãi nhớ, khi trong một buổi tập, tôi xử lý bằng lòng trong không đúng với kỹ thuật. Thầy yêu cầu tôi ra tập ở khu vực riêng, suốt buổi chỉ tập đúng một động tác đó, khi nào thành thục mới tiếp tục các bài tập khác”. – Quang Tú chia sẻ.
Để rèn giũa và giúp các cầu thủ trẻ hoàn thiện kỹ, chiến thuật, huấn luyện viên Troussier thường sắp xếp lịch tập có cường độ rất cao, tần suất tập luyện mỗi ngày thường kéo dài hơn dự kiến. Quang Tú chia sẻ: “Khi thầy còn dẫn dắt U19 Việt Nam, lịch tập của đội thường từ 9h – 12h, nhưng huấn luyện viên Troussier thường kéo dài buổi tập sang tận 1h chiều. Ông thường xuống sân để thị phạm các động tác cho học trò. Hướng dẫn các cầu thủ di chuyển khi không bóng, cách chuyền cho đồng đội... Thầy Troussier luôn nghiêm khắc, yêu cầu các cầu thủ phải tuân thủ tính kỷ luật, nhưng khi kết thúc buổi tập lại hết sức tình cảm, thân thiện với học trò. Điều đó giúp chúng tôi bớt áp lực và tự tin hơn trong những buổi tập sau”.
Trong quá trình ở Đội U20 Việt Nam, Quang Tú luôn là cầu thủ đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn của huấn luyện viên Troussier. Chính vì lẽ đó mà Quang Tú đã được giữ lại ở U20 Việt Nam để tham dự U20 châu Á 2020.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại sự cạnh tranh giữa các vị trí trong Đội U22 Việt Nam rất lớn. Để trụ được môi trường này, đòi hỏi Quang Tú phải cải thiện nhiều hơn về mặt chuyên môn. Hy vọng Quang Tú sẽ nỗ lực tập luyện để phù hợp với cách chơi bóng do ông Troussier xây dựng.