Nghệ An: Nhiều mặt hàng thuốc chữa bệnh không thể mua sắm

Thành Chung 07/03/2023 09:57

(Baonghean.vn) - Vừa qua, việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc lần đầu tiên được triển khai tại các đơn vị y tế ở Nghệ An. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế là không đạt được như ý. Đặc biệt là các mặt hàng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền và dịch truyền.

Không mua được dược liệu y học cổ truyền

Trong đợt tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc vừa qua, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, công tác tổ chức đấu thầu diễn ra hết sức bài bản, nhờ đơn vị có đội ngũ cán bộ giỏi, nhiều kinh nghiệm trong đấu thầu, nhiều năm tham gia tổ chuyên gia đấu thầu của ngành Y tế. Thế nhưng, vấn đề là không có nhiều nhà cung ứng dược liệu tham gia.

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An cho biết: Trong năm 2022, việc mua sắm dược liệu đã hết sức khó khăn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các cửa khẩu với Trung Quốc đóng cửa, giá cả thị trường tăng vọt khiến các nhà cung ứng dược liệu cho Bệnh viện theo kiểu “nhỏ giọt”. Trong năm này, Bệnh viện đã tổ chức mời thầu nhưng không có nhà thầu nào tham dự.

Cuối năm 2022 và tháng đầu năm 2023, dịch Covid-19 đã ổn định, Bệnh viện làm hồ sơ mời thầu với 5 gói thầu. Gói 1, 2, 3 là các loại thuốc tân dược, được sản xuất từ các loại dược liệu. Gói 4 và 5 là gói dược liệu, dùng để sản xuất thuốc tại bệnh viện.

Bệnh viện đã mua sắm được một số loại thuốc tân dược thuộc gói 1, 2 và 3; tuy nhiên cũng không đầy đủ các vị thuốc. Ví dụ, với gói 1 gồm 131 mặt hàng thì chỉ có trúng thầu 81 mặt hàng, 50 mặt hàng còn lại thì nhà thầu không tham gia. Riêng gói 4 và 5 - gói dược liệu thì rất nan giải, chỉ mua sắm được 1/3 số vị thuốc.

Câu chuyện không thể mua sắm được đầy đủ dược liệu, thuốc điều trị y học cổ truyền để phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An chính là thực trạng chung của các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Với các đơn vị y tế tuyến huyện, trong lần đầu tiên thực hiện công tác đấu thầu, việc mua sắm dược liệu, thuốc y học cổ truyền còn khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, có đơn vị đã không thể mua được một mặt hàng dược liệu, thuốc y học cổ truyền nào, dẫu đã mời thầu và gia hạn thêm nhưng không có doanh nghiệp tham gia.

Theo các cơ sở y tế, các nguyên nhân khiến doanh nghiệp không tham gia mặt hàng dược liệu, thuốc điều trị y học cổ truyền gồm: Do dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, doanh nghiệp không có để sản xuất, cung ứng. Nhiều văn bản đã quy định giá không thể cao hơn trước trong khi thị trường có nhiều biến đổi, giá cả leo thang. Nhu cầu sử dụng của cơ sở y tế ít, nên doanh nghiệp không hào hứng tham gia.

Rất ít doanh nghiệp tham gia dự thầu gói dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Ảnh: Internet

Nhiều văn bản, thông tư mới quy định về dược liệu (như phải có tiêu chuẩn dược liệu theo dược điển Việt Nam như màu sắc, tính vị, tinh bột, vi lượng; phải công bố sản lượng lên trang web của Bộ Y tế; phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ) mà doanh nghiệp cung ứng chưa kịp đáp ứng quy định nên không đủ điều kiện tham gia...

Thực ra, những khó khăn trong mua sắm thuốc men đã được các cơ sở y tế dự đoán. Để ứng phó với khó khăn này, các cơ sở y tế đã tích trữ hàng từ trước. Tuy nhiên, lượng dự trữ cũng chỉ đảm bảo đến cuối tháng 3/2023.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An cho hay: Do không thể mua đủ dược liệu, bệnh viện đã có chỉ đạo tăng cường nhập các mặt hàng tân dược có sẵn để điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng chỉ đạo các khoa, phòng bám sát các văn bản pháp luật để đẩy nhanh việc tổ chức đấu thầu lại mua sắm các dược liệu, vị thuốc còn thiếu. Trong tháng 3/2023 việc đấu thầu lại tiếp tục được thực hiện.

“Cháy” dịch truyền

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, trong đợt đấu thầu mua sắm thuốc vừa qua, dịch truyền chính là mặt hàng có tỷ lệ trượt thầu cao, chỉ xếp sau dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền... Tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh, nếu như thuốc điều trị y học cổ truyền được sử dụng không quá nhiều, không quá cấp thiết (ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh), thì dịch truyền lại là mặt hàng không thể thay thế được, bắt buộc phải có.

Dịch truyền là những dung dịch thuốc vô khuẩn dùng để tiêm truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch với khối lượng lớn. Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần hoạt chất ở những nồng độ khác nhau, có thể ở dạng ưu trương hoặc đẳng trương với các chất tương ứng có trong máu.

Một số dạng dịch truyền có khá đầy đủ các vi chất và được dùng thay thế huyết tương hoặc bổ sung vitamin, acid amin trong một số trường hợp cần thiết cung cấp chất dinh dưỡng cho bệnh nhân không thể ăn hoặc hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hoá. Khi hàm lượng glucose hoặc các chất điện giải trong máu thấp hơn mức cho phép, thầy thuốc sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để quyết định có truyền dịch hay không.

Trong một số trường hợp phải truyền dịch ngay cho bệnh nhân như khi người bệnh bị mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật... Truyền dịch khi cần thiết còn có tác dụng giải các chất độc trong cơ thể khi bị ngộ độc do thuốc, ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn cấp tính, giúp tăng bài tiết nước tiểu.

Một số dạng dung dịch tiêm truyền còn dùng làm dung môi hòa tan một số thuốc tiêm, nhất là thuốc kháng sinh. Tùy theo tình trạng cơ thể bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ cho truyền loại dịch nào.

Trong đợt mua sắm thuốc chữa bệnh thông qua đấu thầu tại các đơn vị y tế, dịch truyền là mặt hàng có tỷ lệ trượt thầu cao. Ảnh: Internet

Bác sĩ Đặng Tân Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu chia sẻ: Rất nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã đấu thầu không trúng mặt hàng dịch truyền. Nguyên nhân trượt là do doanh nghiệp đưa giá dự thầu vượt giá thầu quy định. Trước nguy cơ thiếu dịch truyền, các đơn vị đã báo cáo Sở Y tế để xin chủ trương của tỉnh thực hiện đấu thầu lại, thực hiện chỉ định thầu…

Theo một chuyên gia y tế: Thực tế cho thấy, không có nhiều đơn vị kinh doanh dịch truyền bởi lẽ đây là mặt hàng đem lại lợi nhuận rất nhỏ. Giá trị một chai dịch truyền thì không cao, nhưng có thể tích và trọng lượng lớn. Vậy nên chi phí để doanh nghiệp vận chuyển, lưu kho bãi mặt hàng này là rất cao. Đã có những doanh nghiệp cung ứng chấp nhận việc “bán lỗ” mặt hàng dịch truyền cho cơ sở y tế để “kiếm lời” từ mặt hàng khác. Đợt đấu thầu vừa qua, giá dự thầu dịch truyền của các doanh nghiệp cung ứng đưa ra cao bởi doanh nghiệp đã tính toán cả chi phí vận chuyển, lưu kho bãi đối với mặt hàng này.

Trước tình trạng dịch truyền có nguy cơ thiếu, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị y tế không mua sắm được mặt hàng này nói riêng và các loại thuốc men nói chung lập tức tổ chức đấu thầu lại, không để ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho người dân. Về mặt các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sẽ tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các đơn vị thực hiện tốt công tác đấu thầu mua sắm thuốc, sinh phẩm, hoá chất và vật tư y tế tiêu hao./.

Nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ngày 4/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nghị quyết số 30 của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, hoàn thành trong quý III/2023.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; Xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng.

Nghị quyết 30 yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn kịp thời, cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành Y tế.

Bộ Tài chính có trách nhiệm khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.

Thành Chung