Sách về phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư cần đưa vào giảng dạy lý luận chính trị

Trần Thường 07/03/2023 06:27

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng mong muốn nội dung cuốn sách cần được sớm đưa vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học: Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sáng 6/3.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Cuốn sách có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn. Ảnh: HCMA

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định cuốn sách có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định; là sự phát triển sáng tạo, góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện trong cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của người đứng đầu Đảng.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, toàn bộ những giá trị lý luận và thực tiễn mà cuốn sách mang lại chính là “vũ khí” sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Cuốn sách được xem là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, tài liệu gối đầu giường của cán bộ, đảng viên trong “tự soi, tự sửa”.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn nội dung cuốn sách cần được sớm đưa vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị và yêu cầu toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện cần thấm nhuần nội dung cuốn sách, quán triệt trong từng giáo án, bài giảng và các chương trình nghiên cứu.

Các tham luận tại tọa đàm đã khẳng định cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, tác phẩm đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”; Mục tiêu “là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước”...

Tác phẩm đã chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực…

Đồng thời chỉ rõ, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Cán bộ, đảng viên phải phải luôn tiên phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”.

Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước hết phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Để đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng về mọi mặt, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng.

Mặt khác, phải tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, coi đây là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng. Nhân dân tin ở Đảng, ủng hộ Đảng, theo Đảng làm cách mạng. Đảng làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, phát huy vai trò và khả năng sáng tạo không bao giờ cạn của nhân dân.

Cuốn sách của Tổng Bí thư là cẩm nang về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

02/02/2023

Trần Thường