Cách phân biệt đột quỵ và đột tử

PV 08/03/2023 14:40

Nguyên nhân gây đột tử thường do tắc nghẽn mạch vành hoặc bệnh lý rối loạn nhịp tim.

Thưa bác sĩ, đột quỵ có thể gây ra đột tử hay không? Nhiều trường hợp, bệnh nhân đột quỵ vẫn được cứu sống sau vài giờ chuyển viện. Vậy đột quỵ và đột tử giống hay khác nhau? (Lê Vĩnh Thanh, quận 10, TP.HCM)

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, tư vấn:

Đột tử có thể xuất phát từ thuật ngữ “Sudden cardiac death” hoặc “Sudden cardiac arrest”. Biểu hiện thường gặp là một bệnh nhân có vẻ đang bình thường đột nhiên gục xuống do tim ngừng đập một cách đột ngột. Bệnh nhân có thể tử vong trong ít phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân của đột tử thường là tắc nghẽn mạch máu nuôi tim (mạch vành) hoặc bệnh lý rối loạn nhịp tim.

Đột quỵ xuất phát từ thuật ngữ “Stroke”, hoặc trước đây hay dùng cho tình trạng tai biến mạch máu não. Thực tế, đột quỵ bao hàm đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não. Tuy nhiên, các tài liệu nước ngoài sử dụng từ "stroke" với ý nghĩa đột quỵ thiếu máu não.

Một bệnh nhân đột quỵ được chuyển vào đất liền cấp cứu bằng trực thăng. Ảnh: Bệnh viện Quân y 175.

Đột quỵ gây ra do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột. Hậu quả là các tế bào vùng não được nuôi dưỡng bởi mạch máu tắc nghẽn bị chết dần, dẫn đến mất chức năng thần kinh. Khi đó, người bệnh sẽ biểu hiện với các triệu chứng như liệt tay và chân một bên, nói đớ, méo miệng…

Khi tắc nghẽn mạch máu lớn, theo thời gian, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề, ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê.

Nghiêm trọng hơn và mất thêm thời gian là hiện tượng chèn ép, gây thoát vị não, ảnh hưởng đến vùng thân não. Nơi đây được xem là “tổng chỉ huy” của hệ tuần hoàn và hô hấp. Đến lúc đó, đột quỵ mới có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

Như vậy, có hai điểm khác biệt quan trọng giữa đột quỵ và đột tử.

Thứ nhất, hơn 90% trường hợp đột quỵ bắt đầu bằng triệu chứng “FAST”: yếu liệt nửa người, méo miệng và nói đớ.

Thứ hai, đột tử có thể gây tử vong trong ít phút còn đột quỵ không gây tử vong trong những giờ đầu tiên, mà thường sau vài ngày.

Phát hiện sớm đột quỵ qua quy tắc FAST

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu theo quy tắc FAST.

F - Face (liệt mặt): Người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung bị lệch, thể hiện rõ nhất khi há miệng hoặc cười.

A - Arm (liệt cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể. Khi yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được.

S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.

T - Time (thời gian): Tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, có thể ghi nhớ: "Méo cười, ngọng nói, xuôi tay - Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ".

PV