Thành phố Vinh loay hoay xử lý vấn nạn người ăn xin

Tiến Hùng 09/03/2023 13:02

(Baonghean.vn) - Từng vào Đà Nẵng để học tập, rồi xây dựng đề án riêng nhằm giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin nhưng sau 12 năm, người ăn xin vẫn bủa vây đường phố Vinh. 

Chính quyền phường, xã thờ ơ

Chỉ mới tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 3, tại ngã tư trước chợ Vinh, chúng tôi đã thấy bóng dáng của 3 người ăn xin xuất hiện. Ngay khi có mặt, họ nhanh chóng chia nhau ra mỗi người một góc. Một người ngồi dưới chân đèn tín hiệu giao thông hướng từ đường Phan Đình Phùng tới ngã tư, người thì ngồi bệt dưới lòng đường, lưng ung dung dựa vào dải phân cách ở góc đường Quang Trung. Người thì ngồi ở phía đối diện. Đó là chưa kể, một người nữa chuyên ngồi trước khu vực đình chính ở chợ Vinh cách đó chừng 200m. Có vẻ như, ở đây các vị trí đều được phân chia “lãnh địa” rõ ràng, không người nào dám giành vị trí của nhau, dù đến sớm hơn.

“Họ hoạt động từ sớm lắm. Không phải bây giờ mới đến đâu. Đấy là vừa xin tiền trong chợ đầu mối Vinh ra thôi”, một người phụ nữ khá lớn tuổi hành nghề khâu giày bên đường nói. “Họ xin được nhiều tiền lắm. Chúng tôi bỏ sức lao động vất vả cả ngày nhưng cũng không bằng số lẻ của họ đâu”, người phụ nữ này nói thêm.

Ăn xin tại cuối đường Lê Hồng Phong. Ảnh: Tiến Hùng

Cùng thời điểm này, chúng tôi tới vòng xuyến giao nhau giữa các đường Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Lê Nin, Trường Thi, Võ Nguyên Hiến. Tại đây, cũng đang có đến 4 người ăn xin hoạt động. Trong đó, 2 người “chiếm vị trí đắc địa” ở dưới chân đèn đỏ, đoạn từ đường Nguyễn Phong Sắc tới. 2 người còn lại chia nhau vị trí ở khu vực đèn đỏ hướng từ đường Lê Hồng Phong tới. Chỉ chực chờ đèn đỏ xuất hiện, những người này nhanh chóng len lỏi giữa đám phương tiện đông đúc đang dừng giữa đường ngả mũ xin tiền. Khi đã quá giờ cao điểm, lượt phương tiện vắng dần, họ bắt đầu đưa tiền ra đếm. Có người thì lại ung dung mang điện thoại thông minh ra giải trí. Trong suốt buổi sáng hoạt động tại đây, nhiều lần họ còn đi vệ sinh ngay tại chỗ, khiến nhiều người đi đường cũng cảm thấy xấu hổ.

“Cũng thi thoảng lực lượng chức năng có đến kiểm tra rồi đẩy đuổi. Nhưng đuổi chỗ này, họ đến chỗ khác. Rồi ngày mai lại thấy họ xuất hiện trở lại tiếp tục xin tiền, có lần chúng tôi thấy kiểm tra xong ngày mai còn đông hơn ngày trước”, người đàn ông hành nghề lái taxi thường xuyên đỗ ở đây nói.

Người ăn xin đứng trên đường Trần Phú, thuộc địa phận phường Hồng Sơn vào chiều 6/3. Tuy nhiên, lãnh đạo phường này lại khẳng định "không có". Ảnh: Tiến Hùng

Tương tự, tình trạng người ăn xin cũng xuất hiện nhiều ở các khu vực như ngã tư Tam giác; ngã tư giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Cừ và đường Nguyễn Sỹ Sách, Lê Hồng Phong; ngã tư Phạm Đình Toái giao nhau với đại lộ Lê Nin. Trước tình trạng đó, ngày 24/2, Báo Nghệ An đã có bài phản ánh về việc người ăn xin bủa vây các tuyến đường phố Vinh. Ông Thái Thanh Hà - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Vinh thừa nhận tình trạng người ăn xin gia tăng thời gian gần đây, đồng thời cho biết đơn vị sẽ thành lập tổ công tác để xử lý vấn nạn này.

Đến ngày 27/2, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Vinh còn phát văn bản về việc tăng cường chỉ đạo giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn gửi Chủ tịch UBND các phường, xã và Trưởng Ban quản lý chợ Vinh. Văn bản này cho hay, để giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn, thời gian qua thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, qua theo dõi, một số phường, xã chỉ đạo thực hiện chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra chưa thường xuyên. Chủ yếu chỉ dùng biện pháp đẩy đuổi khỏi địa bàn. Việc tiếp cận, xác minh hoàn cảnh, thân nhân, phân loại đối tượng để phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xử lý dứt điểm còn rất ít. Ngoài ra, nhiều phường, xã không thực hiện việc báo cáo định kỳ kết quả thực hiện.

“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Vinh, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các phường, xã, Trưởng ban quản lý chợ Vinh thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của thành phố, tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn. Báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội trước ngày 25 hàng tháng, để tổng hợp báo cáo UBND thành phố”, văn bản này nêu.

Đối với những địa bàn hiện nay thường xuyên có người lang thang xin ăn, xin tiền, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các phường tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, rà soát phát hiện, tiếp cận đối tượng, lập hồ sơ, tổ chức xác minh hoàn cảnh, tìm kiếm thân nhân, nơi thường trú, xác định quê quán của đối tượng để có phương án xử lý dứt điểm theo hướng dẫn tại văn bản của UBND TP. Vinh ban hành từ tháng 7/2022. Chủ trì phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để tổ chức, đưa và bàn giao đối tượng lang thang xin ăn không rõ địa chỉ vào các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh.

2 người ăn xin cùng ngồi chung một địa điểm trên đường Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: Tiến Hùng

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Mặc dù thành phố Vinh đã lập tổ công tác, phát văn bản đôn đốc lãnh đạo các phường, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng người ăn xin trên các đường phố Vinh những ngày qua vẫn không giảm. “Chúng tôi đã rất nỗ lực, tuy nhiên phải thừa nhận là những giải pháp được thực hiện thời gian qua chỉ như ‘bắt cóc bỏ đĩa’. Hiệu quả mang lại không cao”, ông Nguyễn Ngọc Dương - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nói. Ông Dương vừa được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ xử lý tình trạng người ăn xin trên địa bàn.

Ông Dương cho hay, theo quy trình, tổ công tác sau khi nhận được tin phản ánh có người ăn xin sẽ đến hiện trường kiểm tra. Nếu khu vực đó thuộc địa phận phường nào thì sẽ gọi cho lực lượng chức năng phường đó đến. Sau đó bắt đầu xác minh nhân thân từng người. Trong trường hợp xác định được nơi cư trú, người thân của người ăn xin thì phường có trách nhiệm điều xe chở về tận nhà bàn giao cho gia đình, chính quyền địa phương quản lý. Đồng thời yêu cầu gia đình, người thân, người giám hộ ký cam kết không để họ tiếp tục đi lang thang, cơ nhỡ có xác nhận của chính quyền địa phương.

Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc xác định được nơi cư trú nhưng không còn người có nghĩa vụ chăm sóc thì phải phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội lập hồ sơ đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết.

“Trên thực tế, nhiều người có gia đình hẳn hoi, chúng tôi nhiều lần dùng xe chở về tận nhà bàn giao, yêu cầu cam kết nhưng ngày sau lại tiếp tục thấy trên đường phố Vinh. Hầu hết người ăn xin ở thành phố Vinh đều đến từ các địa phương khác, vì thế mà chúng tôi cũng không thể chỉ đạo được chính quyền sở tại giám sát, không để họ tiếp tục lang thang”, ông Nguyễn Ngọc Dương nói.

Người phụ nữ có thâm niên nhiều năm ăn xin trên đường phố Vinh. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng theo ông Dương, còn đối với trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc không còn người có nghĩa vụ chăm sóc, lực lượng chức năng sẽ lập hồ sơ đưa vào các trung tâm trợ giúp xã hội. “Chúng tôi cũng đưa khá nhiều người vào đó rồi. Nhưng các trung tâm đó cũng không có trách nhiệm phải nuôi họ cả đời, chỉ là tiếp nhận tạm thời. Một thời gian ngắn lại trả về địa phương, rồi họ lại quay lại thành phố Vinh ăn xin. Số khác thì đưa vào được ít ngày lại bỏ trốn, ra ngoài tiếp tục đi xin”, ông Dương nói.

Chiều 6/3, chúng tôi cũng đã làm việc với ông Từ Trọng Hải - Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn - phường có số lượng người ăn xin đến hành nghề đông nhất, đặc biệt là ở chợ Vinh và các nút giao nhau. Tuy nhiên, ông Hải lại khẳng định trên địa bàn phường từ lâu không còn tình trạng người ăn xin. “Có là chúng tôi xuống xử lý ngay”, ông Hải nói. Trong khi, cùng thời điểm đó, chúng tôi ghi nhận tại ngã tư trước cổng chợ Vinh có tới 3 người cùng ăn xin. Trong đó có 2 người đứng bên góc đường Trần Phú, thuộc địa phận phường Hồng Sơn. Người còn lại hành nghề bên góc đường Quang Trung, thuộc địa phận phường Quang Trung.

Từ hơn 10 năm trước, thành phố Vinh đã phải cử đoàn công tác vào Đà Nẵng để học tập mô hình xử lý tình trạng người ăn xin. Năm 2011, TP. Vinh đã ban hành Đề án “Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn thành phố”, trong đó đã xây dựng một “ngôi nhà cộng đồng” để đưa người ăn xin vào đó với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng lại nằm trong khuôn viên của trung tâm cai nghiện. Thậm chí, cả 2 đều phải đi chung cánh cổng. Cuối năm 2012, công trình này được hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành không lâu, nhà ở cộng đồng phải đóng cửa vì không đưa được đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ nào vào đây. Đề án giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn của thành phố Vinh vì thế cũng "chết yểu".

Tiến Hùng