Nghệ An xem xét hỗ trợ kinh phí các hãng tàu biển, doanh nghiệp vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò

Thành Duy 09/03/2023 12:03

(Baonghean.vn) - Chính sách này hướng tới hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò.

Theo đó, nếu được ban hành, các hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cửa Lò. Ảnh: Thành Duy

Còn đối với các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò với tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng được đề xuất hỗ trợ 600.000 đồng/container đối với container 20 feet và 1 triệu đồng/container đối với container 40 feet trở lên.

Các hãng tàu, doanh nghiệp đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách được quyền lựa chọn phương thức nhận kinh phí hỗ trợ theo tháng hoặc một lần.

Hiện nay, dự thảo chính sách này đang được UBND tỉnh Nghệ An lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 7/3/2023 đến 7/4/2023; tiến tới hoàn thiện trình HĐND tỉnh khóa XVIII, dự kiến vào kỳ họp tháng 7/2023 xem xét ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2023 - 2026.

Việc ban hành chính sách nhằm khai thác hiệu quả lợi thế vị trí tự nhiên, cảng biển, phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và khu công công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thu hút các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container cũng được kỳ vọng sẽ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cảng Cửa Lò trong bối cảnh tổng lượng hàng hóa qua cảng này 2 năm gần đây có xu hướng giảm.

Năm 2021 là 12,06 triệu tấn (hàng tổng hợp là 4,65 triệu tấn; xi măng là 7,1 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,31 triệu tấn). Năm 2022 là 11,96 triệu tấn (hàng tổng hợp là 5,6 triệu tấn; xi măng là 6,33 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,03 triệu tấn). Trong khi đó, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là có mức tăng trưởng khá lớn những năm qua.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương, Cục Hải quan Nghệ An, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh qua cảng Cửa Lò trên tổng kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Năm 2020 là 487,5 triệu USD/hơn 1,93 tỷ USD, năm 2022 là 469,1 triệu USD/hơn 3,107 tỷ USD và năm 2022 là 494,4/hơn 3,370 tỷ USD.

Như chúng ta biết, Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có quy định: “Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương”.

Như vậy, chính sách này nếu được ban hành có thể giúp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò, qua đó góp phần tăng thu thuế xuất nhập khẩu, đóng góp vào ngân sách tỉnh, từ đó gián tiếp giúp Nghệ An có thêm nguồn lực từ việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội ban hành để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương; đồng thời tác động gián tiếp tăng các khoản thu dịch vụ tại cảng, giải quyết việc làm…

Cảng Cửa Lò là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) thuộc nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ, được quy hoạch bao gồm khu bến Nam Cửa Lò (9 bến) và khu bến Bắc Cửa Lò (25 bến), phục vụ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, tiếp nhận một phần hàng hóa quá cảnh cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Đông Bắc Vương quốc Thái Lan; có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí, bến cảng khách, du thuyền gắn với du lịch Cửa Lò.

Được xây dựng từ năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với quy mô ban đầu 4 bến cho tàu 10.000 đến 25.000 tấn, cùng với tiến trình phát triển của khu kinh tế Đông Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An nghiên cứu xây dựng tại Bắc và Nam Cửa Lò bến cho tàu 30.000 đến 50.000 tấn, phục vụ thu hút các nhà đầu tư kinh doanh cảng biển.

Giai đoạn 2010-2020, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi thành công một số nhà đầu tư kinh doanh cảng biển, đến nay Cảng Cửa Lò đã có 12 bến đưa vào khai thác (5 bến tổng hợp; 5 bến xi măng; 2 bến xăng dầu) bước đầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận.

Được biết, hiện nay, Cảng Cửa Lò hiện có 2 hãng tàu khai thác hàng container tuyến nội địa và trung chuyển quốc tế qua các cảng Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Cửa Lò - Hồ Chí Minh với tần suất 2 -3 chuyến/tuần.

Từ tháng 5/2022, có 1 hãng tàu khai thác hàng container đi trực tiếp quốc tế tuyến từ Cửa Lò - Kolkatar (Ấn Độ) - Chitagong (Bangladesh) với tần suất hạn chế 1 chuyến/tuần. Tuy nhiên, cả năm 2022 chỉ khai thác được 7 chuyến.

Qua khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp vận tải biển, các hãng tàu container khai thác tuyến thường xuyên qua cảng Cửa Lò bị lỗ do doanh thu không bù đắp được các chi phí hoạt động.

Do đó, muốn duy trì được tuyến container cố định qua Cảng Cửa Lò, đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải có chính sách hỗ trợ ban đầu khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng.

Nghệ An đang tiến hành các bước cần thiết để tiến hành khởi công cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc trong năm nay với quy mô gồm 1 bến tàu cho tàu 30.000 tấn và 1 bến tàu cho tàu 50.000 tấn và các hạng mục công trình hạ tầng hàng hải khác gồm: Tuyến đê chắn sóng dài 1.470m, luồng tàu và các thiết bị báo hiệu an toàn hàng hải, cũng xây dựng đồng bộ khu hậu phương cảng 20ha do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển vận tải Quốc tế làm chủ đầu tư với tổng mức lên tới 3.896 tỷ đồng.

Thành Duy