Thông điệp '5 sẵn sàng' của Nghệ An

P.V 14/03/2023 09:49

(Baonghean.vn) - Nghệ An đã chuẩn bị “5 sẵn sàng”: Quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực và hỗ trợ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi vào tỉnh.

Đây là thông điệp khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Nghệ An nhắn gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP HOÀN CHỈNH, ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI

Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022, công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nghệ An có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực trên cả 5 phương diện: Số lượng dự án FDI tăng mạnh, vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra, cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp và địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, là động lực tăng trưởng của tỉnh.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An thuộc KCN VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Hiện Nghệ An thu hút được 113 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD. Một số dự án đi vào hoạt động đã có giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm 30-35% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh, góp phần nâng tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu lên thứ 28 của cả nước.

Các dự án đầu tư giải quyết việc làm cho khoảng hơn 105.000 lao động, trong đó, dự án trong khu kinh tế và các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động, dự án ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp là 75.500 lao động; riêng khu vực FDI sử dụng khoảng 40.000 lao động.

Công nhân làm việc tại nhà máy của một doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đầu tư vào Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Có nhiều yếu tố mang lại kết quả trên, song tiên quyết phải nói đến chính là Nghệ An đã chuẩn bị rất tốt về bất động sản công nghiệp với hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp đồng bộ, có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ.

Nổi bật là tỉnh đã thu hút được các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lớn như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt với diện tích mặt bằng sạch lớn để phục vụ công tác thu hút đầu tư, bao gồm 3 khu công nghiệp trọng điểm: VSIP, WHA Industrial Zone 1, Hoàng Mai I.

Trả lời trên Bangkok Post, bà Jareeporn Jarukornsakul - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WHA - Tập đoàn đã đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 nói rằng, việc đầu tư phát triển khu công nghiệp tại Nghệ An hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc di dời các cơ sở sản xuất.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II cho lãnh đạo Tập đoàn VSIP. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Singapore diễn ra tại Singapore vào ngày 10/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và đại diện hai nước đã chứng kiến trao chấp thuận chủ trương đầu tư cho khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP Nghệ An II). Dự án VSIP Nghệ An II có quy mô sử dụng đất là 500 ha tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú, Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Đây là dự án hiện đại kiểu mẫu hội đủ các yếu tố xanh, thông minh, bền vững và tiết kiệm năng lượng.

Trả lời trên báo chí sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tới Singapore và Brunei Darussalam, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: “Để hình thành được dự án này, ngoài sự quyết tâm của VSIP, chúng tôi luôn đồng hành cùng nhà đầu tư hạ tầng, từ lúc lập quy hoạch, đề xuất dự án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý sớm nhất, chặt chẽ nhất và nhanh nhất với quan điểm luôn hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn chuẩn bị đến lúc hình thành và cả giai đoạn hoạt động”.

Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam được đầu tư đồng bộ. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Sự sẵn sàng về hạ tầng của Nghệ An còn thể hiện mạnh mẽ trong định hướng, lộ trình của tỉnh. Nghệ An tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai II; cũng như sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện phát triển thêm các khu công nghiệp mới như: WHA các giai đoạn 3, 4, Thọ Lộc giai đoạn 2, Nghĩa Đàn.

Mục tiêu là đến năm 2025, tỉnh có quỹ đất sạch khoảng 2.000ha với hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong Khu kinh tế Đông Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư kinh doanh.

Hiện Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có diện tích 20.776 ha - là "tọa độ" ưu tiên thu hút đầu tư của Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Cùng với đó, Nghệ An đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để mở rộng Khu kinh tế Đông Nam từ 20.776 ha lên 105.850 ha, trong đó quỹ đất phát triển khu công nghiệp khoảng 15.000 ha.

Đồng thời, quy hoạch phát triển 10 - 12 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Đông Nam với diện tích khoảng 4.759 ha; hiện thực hóa mục tiêu: Phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trở thành động lực chính về tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

QUYẾT "NHỔ ĐINH DƯỚI THẢM ĐỎ"

Trong chiến lược của tỉnh, có thể thấy, trong mấy năm lại đây, thay vì tổ chức các cuộc gặp mặt các nhà đầu tư vào đầu Xuân như thông lệ hàng năm, Nghệ An chuyển sang hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt để gặp gỡ, kết nối, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp với các đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ được nhắm đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ nguồn.

Giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính có thể nói đã có những biến chuyển thực chất hơn, nhất là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất rất cao phải thực hiện mạnh mẽ hơn công tác cán bộ nhằm tạo chuyển biến trong công tác cải cách hành chính; gắn với yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc rốt ráo, quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh đạo đức công vụ, tạo được bước chuyển thực sự trong nền hành chính công vụ của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trên nhiều diễn đàn đều nhấn mạnh yêu cầu phải tạo được bước đột phá hơn, thực chất hơn trong công tác cải cách hành chính.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo này, bộ máy công vụ được yêu cầu hành động theo với phương châm: “Nhanh - đúng - hiệu quả”, trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”.

Tới đây, các cấp trong tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban; theo đó Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh sẽ do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Động thái này thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị Nghệ An trong việc “nhổ đinh dưới thảm đỏ”. Nghệ An cũng sẽ lần đầu triển khai đánh giá một cách bài bản, chuyên nghiệp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) và công bố rộng rãi; đây sẽ là “hàn thử biểu” để đánh giá năng lực, hiệu quả cải cách của từng cơ quan, đơn vị.

DDCI (Department and District Competitiveness Index) là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và Địa phương - được dùng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương. Đây là bộ chỉ số kép đánh giá hai khối cơ quan trong tỉnh và là một trong các hướng đi mới của bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Ảnh tư liệu

Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An sẽ tổ chức đối thoại với lãnh đạo cấp phòng và chuyên viên khối các cơ quan cấp tỉnh với chủ đề: “Khát vọng - Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm thống nhất nhận thức và hành động, trọng tâm là công tác cải cách hành chính, ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Nói đi đôi với làm, “5 sẵn sàng” của Nghệ An đưa đến cho các nhà đầu tư thông điệp quan trọng và ý nghĩa, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển tại tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Duy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Vinh, làm cơ sở để UBND tỉnh Nghệ An trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.896 tỷ đồng. Như vậy, hai “nút thắt” hạ tầng chiến lược của tỉnh đang dần được tháo gỡ, càng minh chứng mạnh mẽ cho cam kết được truyền tải trong thông điệp “5 sẵn sàng” của lãnh đạo tỉnh.

P.V