Tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp với thực tiễn ở huyện Kỳ Sơn
(Baonghean.vn) - Dù đã có những nỗ lực nhưng tiến độ triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn chậm, đòi hỏi sự quyết liệt, sâu sát hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tiến độ còn chậm
Ngày 16/3, đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh do đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn về kiểm tra tình hình triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và các Sở: Lao động- Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, năm 2022, ngân sách Trung ương bố trí cho huyện Kỳ Sơn thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia là 300,041 tỷ đồng, trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 173,571 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển 91,259 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 82,312 tỷ đồng); Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 82.977,24 triệu đồng.
Đồng chí Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn báo cáo về việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Minh Quân |
Thời gian qua, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo tích cực, các phòng, ban, đơn vị chủ động phối hợp hướng dẫn để triển khai các chương trình. Bên cạnh đó, đã cơ bản phê duyệt các nội dung của các chương trình làm cơ sở thực hiện giải ngân trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dù đến nay tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các dự án thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện đạt trung bình hơn 40%, nhưng nhìn chung tiến độ triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện còn chậm. Một số dự án đến nay chưa có hướng dẫn thực hiện như hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, dự án hỗ trợ phát triển nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn thực hiện một số tiểu dự án chưa phân bổ hết do có nhiều nội dung khó thực hiện.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình trồng đào ở xã Tây Sơn. Ảnh: Minh Quân |
Tại cuộc làm việc, đại diện các phòng, ban của huyện Kỳ Sơn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc tiến độ triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện còn chậm là do hệ thống văn bản quy định hoàn toàn mới, việc tiếp cận áp dụng văn bản còn lúng túng, đặc biệt, đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, một số dự án chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Một số sở, ngành cấp tỉnh chậm thống nhất với nội dung huyện đề xuất, dẫn đến tình trạng huyện chủ động sớm song kết quả thực hiện chậm.
Quang cảnh trung tâm xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Duy Khánh |
Đại diện lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, huyện Kỳ Sơn đã xác định cây dược liệu thành thế mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của huyện. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá vùng dược liệu quý và đối chiếu với quy định về xây dựng vùng dược liệu quý được quy định tại Thông tư 10/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế, để thực hiện vùng dược liệu 210 ha, huyện cần nguồn vốn lớn, song nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 bố trí hơn 6 tỷ đồng không đủ để triển khai. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như định mức hỗ trợ xây dựng nhà ở thấp; định mức hỗ trợ đất sản xuất; việc thẩm định giá có nhiều vướng mắc.
Rà soát hiệu quả các mô hình để điều chỉnh kịp thời
Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đề nghị huyện Kỳ Sơn đẩy mạnh công tác truyền thông, cập nhật thường xuyên về các mô hình, các điển hình, các sáng kiến và kinh nghiệm hay trong triển khai các chương trình; tham mưu bố trí kinh phí thực hiện tốt việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo thông qua các hoạt động của thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc triển khai các chương trình nhằm đạt hiệu quả tối đa chính sách đầu tư...
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Minh Quân |
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long chia sẻ với những khó khăn của huyện Kỳ Sơn; ghi nhận sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện.
Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ rõ, dù đã có những nỗ lực nhưng tỷ lệ giải ngân các dự án thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia của huyện Kỳ Sơn vẫn đạt thấp so với tỷ lệ dự án đã duyệt giao vốn.
Do đó, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia của huyện cần phải quyết liệt hơn nữa trong phân công, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ cho từng thành viên.
“Các thành viên Ban Chỉ đạo cần sâu sát với cơ sở, rà soát chi tiết từng dự án, cần rạch ròi kế hoạch từng năm, từng giai đoạn, chọn những dự án khả thi để tập trung thực hiện. Đối với từng dự án, cần rà soát hiệu quả các mô hình để có sự điều chỉnh kịp thời; lựa chọn mô hình phù hợp với thực tiễn để tập trung đầu tư, chú trọng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho đồng bào”, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.