Người cô đơn nhất

Phước Anh 23/03/2023 08:49

(Baonghean.vn) - Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra, người cô đơn nhất trên thế giới này chắc có lẽ là mẹ mình.

Tôi không chắc mẹ bắt đầu cô đơn từ bao giờ? Từ khi 4 đứa con lần lượt đi học xa nhà, lần lượt tìm nơi định cư mới và bận mải với muôn vàn niềm vui và nỗi lo của cuộc sống đời thường? Hay từ khi chúng tôi lấy vợ, lấy chồng mà không đứa nào có duyên được ở gần bố mẹ? Hoặc có thể là từ khi mỗi dịp Tết đến, 8 đứa con cả dâu cả rể cùng 5 đứa cháu ào về thăm nom, chúc tụng, rồi vài ngày sau lại ào đi như một cơn gió, ngôi nhà rộng thênh thang chỉ còn một người già ở lại, gió Xuân dịu nhẹ vậy mà cũng đủ thổi trống lạnh cả không gian?

Ngôi nhà rộng thênh thang chỉ còn một người già ở lại... Ảnh minh hoạ: Internet

Sau mấy năm cực nhọc nuôi 4 đứa con khôn lớn trưởng thành, đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn, mẹ tôi mới thở phào nhẹ nhõm, tạm ngơi lao động để hưởng an nhàn. Nhà cũ xuống cấp dột tứ phía, 4 anh chị em bàn nhau góp tiền dựng cho mẹ căn nhà mới, 1 trệt 1 lầu. Con cái không ai ở gần, xóm làng đều là dân góp ngụ cư, thế nên trong nhà ngoài ngõ, chúng tôi gọi thợ đến lắp đủ 10 “mắt” camera để quan sát tình hình sinh hoạt, sức khoẻ và sự an toàn của mẹ. Camera được kết nối trực tiếp tới 4 chiếc điện thoại từ xa. Trong ngày, hễ rảnh lúc nào là chúng tôi lại mở ứng dụng quản lý camera để xem tình hình ở nhà.

Một ngày của mẹ đơn giản đến nhói lòng: sáng dậy từ 4 giờ rưỡi, ngồi bần thần trên giường chốc lát rồi xuống bếp nấu nước, om chè xanh, ủ nồi cháo đậu để ăn sáng, rồi loanh quanh vườn tược cuốc đất nhặt sâu; trưa đội nón túc tắc ra chợ tầm 15 phút, rửa dọn sắp xếp nấu nướng ăn uống độ nửa tiếng là xong; buổi chiều, mẹ ngồi thẫn thờ ở bộ bàn ghế kê ngoài sân ngắm nắng, thi thoảng vào phòng khách bật tivi lên cho có tiếng người…

Mẹ sợ làm phiền con cháu đang bận làm bận học nên chẳng bao giờ liên lạc vào buổi ngày, chỉ khi tối đến khuya về, phần lớn là chờ điện thoại của con, hi hữu lắm, nhớ con lắm mới chủ động bấm số gọi đi. Hơn 70 tuổi rồi, cả đời quen với bóng nắng bóng nước, nên dẫu chúng tôi đã cố sức hướng dẫn, mẹ vẫn không thạo dùng chức năng gọi video. Có lần chưa gọi điện cho mẹ mà mở camera lên xem trước, tôi thắt lòng khi thấy cảnh mẹ cứ nhìn mãi vào “mắt” camera, như thể thấy được khuôn mặt mấy đứa con ở đó. Mẹ biết cái “con mắt” ấy giúp chúng tôi thấy được mẹ, nhưng mẹ không làm sao để thấy được chúng tôi. Tôi không biết mẹ đã nghĩ gì vào những giờ phút ấy - những giờ phút nhớ con nhớ cháu quay quắt, nỗi nhớ nén chặt vào đáy mắt đáy lòng mà không biết thế nào cho thoả…

Con cái lập nghiệp tứ phương, chỉ còn mẹ cô đơn với những bữa ăn lặng lẽ... Ảnh minh hoạ: Internet

Tôi vỡ oà nhận ra, chúng tôi thực là những đứa con bất hiếu. Lúc mẹ ngồi lặng lẽ cô đơn trong ngôi nhà của mình, chúng tôi đang làm gì? Anh cả hò dô cùng bạn bè nâng ly ăn mừng dự án thành công. Chị hai cùng gia đình bên nội đi du lịch. Chị ba chắc giờ đó đang ngồi nhà dạy 2 đứa bé học bài. Còn tôi, sau buổi tăng ca mệt nhoài, nhìn mẹ qua camera và khóc… Tôi - một người trẻ nhỏ bé và bơ vơ giữa thành phố lớn, mỗi ngày cố sức tiến về phía trước, chạy đua với deadline, giữ mình khỏi văng ra guồng quay công việc đầy áp lực. Tôi muốn có nhà, có xe, có thu nhập top đầu. Tôi không muốn mình thua kém ai. Tôi chỉ muốn tiến xa hơn nữa. Có thể trong mắt nhiều người, ở tuổi 25, tôi đã được xem là người trẻ thành công. Nhưng tối hôm đó, khi nhìn vào mắt mẹ, tôi nhận ra mình đã thất bại rồi…

Mẹ và nỗi cô đơn của mẹ xoáy nhức vào lòng tôi. Tôi nhớ về những cuộc gọi đến của mẹ mà tôi - vì đang dở việc, vì đang mải buôn chuyện với bạn bè, vì vô số cái cớ có tên và không tên - đã cúp máy. Tôi hình dung ra cái tiếng tút nhanh hốt hoảng ấy đã đập vào lòng mẹ nỗi thất vọng đến thế nào. Nhưng mẹ chưa bao giờ nói. Mẹ luôn cười và động viên chúng tôi, luôn bảo rằng mẹ ổn. Mẹ ổn trong nỗi đợi chờ đằng đẵng, trong nỗi cô đơn đằng đẵng…, mà chúng tôi, vì quá đỗi vô tâm, đã chẳng kịp nhận ra.

Trong một cuốn sách nào đó, tôi đã đọc được những dòng này, như viết cho chính mình: "Người cô đơn nhất trên đời này thực ra chính là bố mẹ bạn, vòng tròn giao tiếp của họ ngày một thu nhỏ, suy nghĩ của họ ngày một ít dần, họ muốn hiểu bạn nhưng lại không theo kịp bước tiến thời đại. Dù vậy, họ vẫn cố gắng học dùng điện thoại di động để gọi cho bạn, học dùng máy vi tính để đọc tin tức về bạn. Bạn không biết họ đã học vất vả nhường nào. Vì thế, xin bạn nhất định phải sống cho tốt, cho thật tốt; xin bạn nhất định phải chăm sóc mình cho tốt, cho thật tốt. Tốt đến độ không khiến người nhà phải bận lòng, bởi vì bạn chính là cảm giác an toàn của họ.”

Phước Anh