Chánh án TAND tối cao: Tất cả vi phạm trong ngành Tòa án đều được xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che
(Baonghean.vn) - Từ năm 2021 đến nay, có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó, có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.
Sáng 20/3, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp thứ 21 về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự phiên chất vấn.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Thành Duy |
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội cư trú trên địa bàn tỉnh, cùng lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, trong những năm qua, mặc dù ngành Tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành, tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2021 đến nay, có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó, có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.
Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực?
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời ý kiến đại biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định quan điểm là tất cả các vi phạm đều được xử lý nghiêm và không có vùng cấm, không bao che.
Đề cập đến giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, ngành có rất nhiều giải pháp. Trước hết là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; đồng thời, tăng cường đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức thẩm phán và đã được giảng dạy trong trường đại học của hệ thống Tòa án.
“Những trường hợp vi phạm chúng tôi phát hiện được, thậm chí chủ động chuyển cho cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có bao che”, đồng chí Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 (Quyết định số 120) về ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân với nội dung rất nghiêm, thậm chí vượt quá yêu cầu của Quốc hội.
Ví dụ, Nghị quyết của Quốc hội cho phép hệ thống Tòa án được hủy sửa là 1,5% số vụ án, nhưng Quyết định số 120 chỉ cho phép 1,16%. Nếu như "anh" nào vượt quá 1,16% án hủy sửa, mặc dù thấp hơn mức cho phép của Quốc hội cũng không được tái bổ nhiệm.
Liên quan đến phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án, trong báo cáo gửi đến các vị ĐBQH, Tòa án nhân dân tối cao cho biết, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; phòng ngừa và xử lý tham nhũng tiêu cực, trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, nghiêm túc theo quy định của pháp luật; việc xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, nhất là những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng trong khi thi hành nhiệm vụ.
Cùng với đó, đổi mới, đa dạng hình thức và nội dung thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: việc chấp hành pháp luật về tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm; việc công khai, minh bạch tài chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân;...
Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới; đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng tham nhũng tại đơn vị.
Thời gian qua vẫn còn một số trường hợp cán bộ, thẩm phán vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2021, có 43 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó, có 3 trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Năm 2022, có 35 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó, có 4 trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Từ tháng 10 năm 2022 đến nay, có 28 trường hợp bị xử lý kỷ luật.