Thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường lao động

Thanh Nga 20/03/2023 18:24

(Baonghean.vn) - Để làm tốt công tác giải quyết việc làm cần khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chiều 20/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi nước ngoài theo hợp đồng năm 2023.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí: Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Nga

Tạo việc làm mới cho 45.000 người

Năm 2022, công tác giải quyết việc làm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc tổ chức thực hiện linh hoạt, bám sát thực tiễn, toàn diện và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Công tác truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ được tăng cường. Hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm, vốn vay được quan tâm; các sàn giao dịch việc làm đi vào nề nếp, khẳng định phương pháp và hướng đi phù hợp.

Do đó, giải quyết việc làm năm 2022 đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao; nhất là hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có kết quả vượt xa kế hoạch đề ra.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may chủ động đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động. Ảnh: tư liệu: Thu Huyền

Năm 2022, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 45.000 người; trong đó: tạo việc làm trong tỉnh cho 14.000 người; đưa lao động đi làm việc ở ngoại tỉnh là 6.500 người.

Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản từ 46,33% năm 2021 xuống còn 42,5% năm 2022; tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng từ 26,50% năm 2021 lên 28,55% năm 2022; tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ từ 27,17% năm 2021 lên 28,95% năm 2022.

Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 80,1% năm 2021 lên 85,8% năm 2022, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong năm 2022, toàn tỉnh đưa 24.560 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 181,25% kế hoạch năm, tăng 115,8% so với năm 2021); trong đó, 11 huyện miền núi đưa được 7.643 người (đạt 31,11%), tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu.

Ngoài các thị trường chính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc tiếp tục được củng cố và tăng cường, thì năm 2022, một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt, đối với thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi... Lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề tăng lên, chiếm khoảng trên 60%.

Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động, việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa gắn kết chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề của người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn.

Trong năm, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, dịch vụ... dẫn đến nhiều lao động phải chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 90% tổng số doanh nghiệp), sức cạnh tranh yếu, hoạt động thiếu hiệu quả nên khả năng thu hút giải quyết việc làm cho lao động không cao.

Thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Để công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đạt kết quả cao, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến các chính sách pháp luật về giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương với các doanh nghiệp; giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để ký kết thỏa thuận thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, sử dụng. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo, như: liên kết đào tạo kèm cặp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trang trại, truyền nghề.

Thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng ngành, từng địa phương, gắn với vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và thị trường lao động trong, ngoài nước.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mở rộng khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu lao động theo hướng duy trì các thị trường truyền thống có việc làm và thu nhập ổn định, khai thác một số thị trường mới có nhiều tiềm năng, có việc làm ổn định, thu nhập cao và đưa được nhiều người lao động đi hơn so với hiện nay.

Trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong công tác giải quyết việc làm và XKLĐ trong năm 2022. Ảnh: Thanh Nga

Dịp này, có 45 tập thể được tôn vinh. Ảnh: Thanh Nga

Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho 45 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thanh Nga