Những cán bộ cấp cao bị gục ngã bởi 'viên đạn bọc đường'
Những cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật vừa qua dù có điều kiện sống tốt; lại được đào tạo, bồi dưỡng qua rất nhiều trường lớp, nhưng vẫn bị đánh gục bởi những "viên đạn bọc đường".
Từ những vụ án tham nhũng, tiêu cực mà các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gần đây đã nói lên những điều khác xa so với nhận thức của nhiều người về tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, lĩnh vực nào càng chuyên sâu, hoạt động khép kín càng dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực: Đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, tài chính, trái phiếu doanh nghiệp…
Tham nhũng, tiêu cực xảy ra cả ở những lĩnh vực liên quan đến đạo đức xã hội, uy tín quốc gia, được người dân vốn rất coi trọng như: Y tế, giáo dục, ngoại giao, lực lượng vũ trang; diễn ra trong bối cảnh đất nước và nhân dân đang hết sức khó khăn.
Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã khởi tố hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao |
Những vụ việc này có tính tổ chức, hệ thống, có sự móc nối, liên kết ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, câu kết chặt chẽ giữa một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn nhưng thoái hóa biến chất trong cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Không chỉ gây thiệt hại, thất thoát tiền, tài sản đặc biệt lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế đất nước.
Đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, thậm chí cấp cao, và những công chức và nhiều người trong số đó là những người giàu.
Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã khởi tố hàng trăm cán bộ. Vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố trên 400 người…
Điều băn khoăn của nhiều người đó là tại sao thời gian qua chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như vậy nhưng vẫn xảy ra những vụ đại án với quy mô, tính chất, mức độ, phạm vi ngày càng nghiêm trọng hơn; hành vi tham nhũng, tiêu cực không chỉ diễn ra trong thời gian dài trước đây, mà cả những vụ mới xảy ra.
Phải chăng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên không biết sợ? Hay vì lợi ích đạt được từ tham nhũng, tiêu cực quá lớn để họ sẵn sàng chấp nhận “hy sinh đời bố để củng cố đời con”? Hay do cơ chế, chính sách còn lỏng lẻo, sơ hở? Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chưa nghiêm?...
Hàng loạt câu hỏi đặt ra và lý do nào đưa ra cũng đều có cái lý của nó. Nhưng nguyên nhân sâu xa của tham nhũng, tiêu cực như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ năm 1969 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, đó là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, do lòng tham của cán bộ, đảng viên.
Những ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh… bị xử lý, kỷ luật trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực vừa qua rõ ràng không phải là những người có điều kiện sống khó khăn; lại được đào tạo, bồi dưỡng qua rất nhiều trường lớp, nhưng vẫn bị đánh gục bởi những “viên đạn bọc đường”.
Vấn đề đặt ra là phải từ công tác cán bộ - “công việc gốc của Đảng”; phải lựa chọn đúng người biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Đồng thời phải thường xuyên thực hiện các biện pháp để “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, làm cho cán bộ, đảng viên, công chức biết giữ giới hạn, không phạm phải những điều cấm của pháp luật.
Cán bộ, đảng viên, công chức cũng là con người, là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, chịu sự chi phối, tác động của hoàn cảnh sống, cơ chế, luật pháp, môi trường công tác, sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát của tổ chức…
Vì vậy, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực quả thật là một cuộc chiến hết sức quyết liệt, đầy khó khăn, phức tạp, phải thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, tiến hành đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện được mục tiêu “không dám”, “không thể”, “không cần”, “không muốn” tham nhũng, tiêu cực.
Tòa án khó thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng sau xử án tham nhũng
21/03/2023