Ngoại trưởng Nga: Vương quốc Anh cung cấp đạn urani nghèo cho Kiev là bước leo thang

Lan Hạ (Theo Reuters, AFP, Sputnik) 23/03/2023 08:58

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, quyết định của Vương quốc Anh nhằm cung cấp đạn urani nghèo cho Ukraine là một bước làm leo thang đáng kể tình hình và sẽ ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp của quốc gia Đông Âu này.

​Urani. Ảnh: AP

Trả lời họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Eritrea, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Việc sử dụng đạn urani nghèo sẽ làm giảm đáng kể, hoặc thậm chí không bảo toàn được khả năng sản xuất thực phẩm chất lượng cao không bị nhiễm độc của Ukraine".

Về phần mình, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo quyết định của Vương quốc Anh nhằm cung cấp đạn dược urani nghèo cho Kiev nằm trong xu hướng nguy hiểm biến cuộc xung đột Ukraine thành mối đe dọa cho toàn châu Âu.

Đăng trên mạng xã hội, ông Volodin nêu rõ: "Cuộc chiến đến người Ukraine cuối cùng có thể trở thành cuộc chiến đến người châu Âu cuối cùng". Vị chính trị gia này lập luận việc Kiev mua lại đạn dược urani nghèo, có thể nhiễm độc chiến trường và gây ra rủi ro sức khỏe cho các thế hệ mai sau, có thể trở thành bước đệm cho những vũ khí nguy hiểm hơn. Theo ông Volodin, bước tiếp theo “có thể là việc chính quyền Kiev sử dụng bom bẩn hoặc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Còn theo ý kiến của ông Domenico Leggiero - Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Urani nghèo của Italy, kế hoạch của Anh - chuyển giao cho Ukraine thứ đạn dược với lõi urani nghèo - có nguy cơ biến khu vực xung đột thành vùng chết chóc con người không thể ở được do những hậu quả tàn khốc đối với cư dân và lãnh thổ. "Cho đến giây phút cuối cùng, tôi vẫn hy vọng rằng đây chỉ là tin giả. Đây là tin tức quá tàn khốc vì hai nguyên nhân: thứ nhất, không hề có logic dưới góc độ chiến thuật sử dụng. Loại đạn này trong điều kiện như vậy không nghĩa lý gì. Nếu như Vương quốc Anh muốn giúp đỡ Ukraine, lẽ ra họ có thể cung cấp vũ khí phòng thủ, còn thứ đạn urani này xét theo mọi nghĩa đều là vũ khí tấn công có tính chất lâu dài và gây hậu quả ghê gớm cho lãnh thổ và cư dân". "Thứ hai, tôi phải nói rằng trong tất cả các cuộc xung đột, loại đạn này chỉ do một bên sử dụng và tôi không muốn vạch mặt chỉ tên ra, bởi tôi sống ở Italy. Và Nga chưa bao giờ cho phép mình làm điều này. Vì không thuộc loại vũ khí thông thường nên loại đạn như vậy có thể dẫn đến việc phía Nga sử dụng vũ khí mới, trong trường hợp đó đáp trả như vậy là hợp pháp" - chuyên gia Leggiero nhận xét.

Theo lời ông, ý đồ của Anh có thể gắn với đặc điểm Vương quốc này tọa lạc trên đảo và "cảm thấy bình tĩnh" về những hậu quả trong tương lai. Tại Italy, ông nói thêm, do tham gia vào các chiến dịch ở Balkan và Iraq, có 500 người đã trở thành nạn nhân của việc sử dụng urani nghèo và 8.000 người khác bị thương. "Đó là quyết định sai lầm, phi lý và ngu xuẩn. Ô nhiễm urani khiến địa bàn đó biến thành đất chết không thể sinh sống được trong thời gian dài. Việc sử dụng những quả đạn pháo như vậy, theo logic của người Anh, có thể ngăn cản cư dân trở lại vùng đất này, gián tiếp biến nó thành lãnh thổ trung lập. Đằng sau điều đó là tội phạm chứ không phải là kế hoạch chiến lược" - chuyên gia Leggiero tác giả cuốn sách "Uranus: A History of Impoverished Italy" (tạm dịch: Urani: Lịch sử nước Italy nghèo khó") kết luận./.

Lan Hạ (Theo Reuters, AFP, Sputnik)