Nghệ An: Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ mới được tỉnh hỗ trợ kinh phí

Xuân Hoàng 26/03/2023 10:49

(Baonghean.vn) - Nhiều hộ nuôi tôm áp dụng công nghệ mới trên địa bàn Nghệ An đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh. Hiện có 16 cơ sở nuôi tôm áp dụng công nghệ mới đã nộp hồ sơ để được xem xét hỗ trợ theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản cho biết: Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND tỉnh đã thực sự mang lại lợi ích cho người nuôi tôm. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 16 hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ về mô hình nuôi tôm công nghệ cao để hưởng chính sách hỗ trợ theo nghị quyết này.

Ông Lê Văn Hướng - Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho hay: Mặc dù Nghị quyết số 18/NQ-HĐND tỉnh không giới hạn số mô hình được hỗ trợ trong năm, nhưng để được hưởng thụ chính sách hỗ trợ thì phải đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, diện tích và một số điều kiện khác. Do vậy, tới đây Chi cục Thủy sản sẽ kiểm tra thực tế tại các mô hình theo hồ sơ đã nộp, những mô hình đạt các quy định sẽ được hoàn tất hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Được biết, trong năm 2022, Chi cục Thủy sản đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành lựa chọn, hướng dẫn và đã hỗ trợ cho 8 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ mới đủ điều kiện được hưởng thụ theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa 230 triệu đồng/mô hình.

Mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn ở xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ chính sách hỗ trợ đó, diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ mới trên địa bàn Nghệ An ngày càng nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 70 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 121 ha làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Để thuận tiện trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất nhiều cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn đã lắp camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính…

Ông Lê Văn Hướng - Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho rằng: Đầu tư nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, không phụ thuộc vào thời tiết, nên mỗi năm có thể nuôi từ 5 - 6 lứa, năng suất đạt từ 15 - 20 tấn/ha. Do vậy, việc áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm là vấn đề tất yếu, nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm.

Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND tỉnh: Mô hình hỗ trợ có quy mô diện tích từ 01 ha trở lên; nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm; có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng với quy trình công nghệ nuôi mới được cơ quan có thẩm quyền công nhận; các loại chế phẩm sinh học được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Mức hỗ trợ: 30% chi phí mua sắm trang thiết bị, chế phẩm sinh học cho các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ mới, nhưng không quá 200.000.000 đồng/mô hình; Hỗ trợ thuê chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật: 30.000.000 đồng/mô hình.

Xuân Hoàng