Tổng thống Putin: Nga không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế khi triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus
Khi thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ.
Tên lửa Trident II D5 được phóng từ tàu ngầm USS Mariland ngoài khơi Florida, Mỹ, ngày 31/8/2016. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Việc Nga mới đây bất ngờ thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Belarus vấp phải phản ứng mạnh từ các nước phương Tây. Ukraine cũng kêu gọi tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc này.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, không có gì bất thường khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. Mỹ đã làm như vậy trong nhiều thập kỷ bằng cách giữ vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các đồng minh. Chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thống Putin tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Nga cho hay, bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được chuyển đến Belarus sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Vì sao Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới châu Âu?
Kể từ giữa những năm 1950, vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được triển khai tại nhiều địa điểm quân sự ở châu Âu. Tổng thống Mỹ, khi đó là Dwight D.Eisenhower, đã cho phép lưu trữ các loại vũ khí này tại châu Âu trong bối cảnh có những cáo buộc về mối đe dọa bắt nguồn từ Liên Xô.
Hiện nay, cần phải lưu ý rằng bản thân liên minh an ninh gồm 30 quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu không “sở hữu” bất kỳ vũ khí hạt nhân nào. Theo cái gọi là nguyên tắc chia sẻ hạt nhân của NATO, các đầu đạn hạt nhân được lưu trữ trên khắp châu Âu tại các căn cứ không quân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington.
Theo đó, bom hạt nhân cũng như tên lửa trang bị hạt nhân đã được Washington triển khai tới các quốc gia đồng minh ở châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh (từ năm 1954) và Hy Lạp. Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí cho biết, kể từ năm 2008, Vương quốc Anh đã không lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ. Athens cũng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hy Lạp như một phần của thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO.
Các căn cứ của Mỹ ở Hy Lạp cất giữ một số vũ khí hạt nhân dưới dạng đạn pháo, một số khác ở dạng bom và một số trên tên lửa Lance. Tuy nhiên, sau khi Hy Lạp tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận, Mỹ đã đưa vũ khí hạt nhân cuối cùng khỏi đây vào năm 2001.
Có bao nhiêu vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu?
Mỹ và các đồng minh NATO rất kín tiếng về số lượng chính xác vũ khí hạt nhân được lưu trữ trong các kho của châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, ước tính có khoảng 100 vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ của NATO trên lãnh thổ của 5 quốc gia thành viên - Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, “bí mật mà ai cũng biết” về sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ trên lục địa châu Âu đã vô tình bị rò rỉ vào năm 2019. Các chi tiết xuất hiện trong một tài liệu tham khảo được đưa vào tài liệu đánh giá chính sách răn đe hạt nhân. Với tiêu đề “Kỷ nguyên mới cho răn đe hạt nhân? Hiện đại hóa, kiểm soát vũ khí và các lực lượng hạt nhân đồng minh”, tài liệu này được một thượng nghị sĩ Canada thực hiện cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Nghị viện NATO. Mặc dù sau đó đã bị xóa, nhưng tài liệu tham khảo này vẫn nhanh chóng đến tay các phương tiện truyền thông châu Âu. Một loạt bài báo sau đó tiết lộ rằng châu Âu đang lưu trữ khoảng 150 vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Vũ khí hạt nhân của Mỹ cất giữ ở châu Âu chủ yếu bao gồm bom trọng lực B61-3 và B61-4. Máy bay có khả năng kép có thể được sử dụng để mang vũ khí hạt nhân như vậy. Hơn nữa, là một phần trong Kế hoạch kéo dài tuổi thọ của bom B61-12 của Cơ quan quản lý an ninh hạt nhân quốc gia, các đầu đạn nâng cấp dự kiến triển khai tới các quốc gia tiếp nhận vào năm 2024.
Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu được cất giữ trong các hầm ngầm của Hệ thống An ninh và Lưu trữ Vũ khí (WS3). Chỉ Mỹ mới có thể sử dụng mã bảo mật Liên kết cho phép hoạt động vũ khí hạt nhân (PAL), sau đó chúng sẽ được triển khai trên máy bay được chỉ định của NATO.
Vũ khí hạt nhân của Mỹ được lưu trữ ở những căn cứ nào?
Theo báo cáo năm 2019 của cơ quan trực thuộc NATO, vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ ở châu Âu: căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi - Torre ở Italy, Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bản báo cáo không đề cập cụ thể loại máy bay nào “có thể mang vũ khí hạt nhân”.
“Các đồng minh châu Âu vận hành những máy bay như vậy là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ” tài liệu cho hay.
WikiLeaks từng trích dẫn một bức điện tín ngoại giao của Đại sứ Mỹ tại Đức lúc bấy giờ là Philip Murphy vào tháng 11/2009, dường như xác nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất Hà Lan.
Bức điện có đoạn: “Việc rút vũ khí hạt nhân khỏi Đức, có thể cả Bỉ và Hà Lan sẽ gây khó khăn về mặt chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc duy trì kho lưu trữ tại nước này”.
Đức, quốc gia chưa ký hay phê chuẩn Hiệp ước cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW), là một trong 5 thành viên NATO lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của mình theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của khối.
Theo dữ liệu từ Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN), ước tính có khoảng 10-15 quả bom hạt nhân B61 được cho là cất giữ tại Căn cứ Không quân Buchel của Không quân Đức.
Tương tự, Italy là một bên tham gia thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO. Khoảng 40 quả bom hạt nhân B61 được giao cho Lực lượng Không quân Italy, triển khai tại Căn cứ Aviano và Ghedi./.