Tổng thống Putin thông qua Học thuyết chính sách đối ngoại

PV 01/04/2023 07:55

Tổng thống Putin đã ra chỉ thị về việc thông qua Học thuyết về chính sách đối ngoại.

Bộ Ngoại giao Nga được giao trọng trách tiến hành các bước cụ thể hóa học thuyết vào thực tiễn địa chính trị.

"Một tài liệu được cân nhắc kỹ lưỡng và sẽ tạo cơ sở cho các hành động thực tế của chúng ta trong trung hạn và dài hạn" - ông Putin nói trong cuộc họp với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Liên bang Nga qua hội nghị truyền hình.

Cuộc họp của Tổng thống Putin với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Liên bang Nga qua hội nghị truyền hình.

"Trong kế hoạch hành động dài hạn của chúng ta, điều quan trọng là phải tính đến đầy đủ các yếu tố và xu hướng phát triển quan hệ quốc tế, phải nỗ lực củng cố chủ quyền của Nga, nâng cao vai trò của đất nước chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề thế giới và định hình trật tự thế giới đa cực công bằng hơn" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định: "Một ý tưởng rõ ràng là chúng ta không tự cô lập mình khỏi các quốc gia Anglo-Saxon và lục địa châu Âu, chúng ta không có ý định thù địch ban đầu với họ. Tuy nhiên, họ phải nhận thức được rằng, việc tương tác thực tế với Nga chỉ có thể nếu họ nhận ra sự vô ích của chính sách đối đầu và với điều kiện phải từ bỏ chính sách này bằng các hành động thực tế. Chúng ta sẽ ra quyết định tương ứng với việc phương Tây sẽ sẵn sàng tuân theo những khuyến nghị này như thế nào".

Học thuyến mới về chính sách đối ngoại giả định rằng, các bước đi không thân thiện đối với Nga sẽ bị ngăn chặn một cách cứng rắn nếu cần thiết.

"Người khởi xướng và dẫn dắt chính của đường lối chống Nga được nêu trực tiếp là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và nói chung, chính sách của phương Tây nhằm làm suy yếu toàn diện nước Nga được xác định như là một cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới" - Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Về Học thuyết mới

- Nga luôn tìm cách đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên cơ sở nguyên tắc có qua có lại.

- Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây và không tự cô lập mình khỏi phương Tây, không có ý định thù địch với phương Tây, xuất phát từ Học thuyết mới về chính sách đối ngoại của Nga.

- Dự án chính của Liên bang Nga là biến lục địa Á-Âu thành một không gian thống nhất của thế giới.

- Nga coi đường lối của Mỹ là nguồn gốc cơ bản của chính sách chống Nga và của các rủi ro đối với an ninh, hòa bình quốc tế, của sự phát triển cân bằng và công bằng của nhân loại.

- Nga có thể sử dụng lực lượng vũ trang để đẩy lùi và ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào chính mình và các đồng minh.

- Điều đặc biệt quan trọng đối với Nga là tăng cường toàn diện các mối quan hệ và phối hợp với Trung Quốc và Ấn Độ.

- Liên bang Nga quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng chiến lược, cùng tồn tại hòa bình với Hoa Kỳ và thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa Nga và Hoa Kỳ, có tính đến vị thế của 2 nước là những cường quốc hạt nhân lớn nhất, mang trách nhiệm đặc biệt đối với sự ổn định chiến lược và tình trạng an ninh quốc tế nói chung.

- Triển vọng cho các mối quan hệ Nga-Mỹ như vậy phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Hoa Kỳ từ bỏ chính sách thống trị bằng vũ lực và sửa đổi đường lối chống Nga để ủng hộ tương tác với Nga dựa trên các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, cùng có lợi và tôn trọng quyền lợi của nhau.

PV