Cuộc vật lộn với 'cái chết trắng' ở bản vùng biên Kẻo Nam

Tiến Hùng 01/04/2023 07:11

(Baonghean.vn) - Sau 10 năm kể từ ngày chuyển đến nơi ở mới, Kẻo Nam từ một bản kiểu mẫu ở vùng biên đã trở thành bản nghèo nhất tỉnh Nghệ An. Nguyên nhân phần lớn đến từ ma túy. Trong bản chỉ có 57 hộ, nhưng có hơn 50 người nghiện, thậm chí có gia đình vị cán bộ bản, cả 2 vợ chồng đều nghiện.

Điểm trung chuyển ma túy

Ngày cuối tháng 3, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Viết Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) tới bản Kẻo Nam - bản khó khăn nhất của xã biên giới này. “Trên đó nghèo lắm. Tôi đi rất nhiều nơi rồi, nhưng vẫn chưa thấy nơi nào nghèo như vậy. Lần đầu tiên đặt chân lên bản, tôi bật khóc khi chứng kiến cảnh nghèo đói như thế. Bản Kẻo Nam không chỉ nghèo nhất Nghệ An, mà có lẽ là nghèo nhất nước”, ông Dũng nói trước khi bắt đầu hành trình bằng xe máy.

Ông Dũng là Đại úy Biên phòng, được tăng cường về xã Bắc Lý hơn 5 năm trước. Thời điểm đó, toàn bộ những ngôi nhà ở bản Kẻo Nam vẫn là mái tranh, vách nứa rách tả tơi. Vào những đêm mưa, cả bản gần như thức trắng, bởi trong nhà chỗ nào cũng bị dột. Trước tình cảnh đó, 3 năm trước xã Bắc Lý đã hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng để lợp mái tôn. Hiện nay, trừ những hộ mới ra ở riêng vẫn còn mái tranh thì hầu hết đã không còn phải sống trong cảnh dột nát. Tuy vậy, cái đói, cái nghèo thì vẫn bủa vây lấy họ.

Trung tâm bản Kẻo Nam. Ảnh: Tiến Hùng

Bản Kẻo Nam cách trung tâm xã hơn 20 km, nhưng để lên được đó phải băng qua những dốc đá dựng đứng mất gần 2 tiếng chạy xe máy. Nhưng đó là với những người địa phương thạo đường, còn với những cô giáo ngày đầu lên cắm bản, có khi phải mất nửa ngày. Vào những hôm mưa, con đường trở nên lầy lội, chỉ có thể “ai ở đâu, ở yên đó”, nếu không muốn cuốc bộ.

57 hộ dân người Khơ mú với 306 nhân khẩu sống trên một đỉnh núi cao chót vót. Khu vực này nằm sát với bản Huồi Xui của xã Keng Đu và cách không xa biên giới với Lào. Từ trung tâm TP. Vinh để lên tới đây, tính ra phải vượt khoảng 320 km. Tuy nhiên, đối với những người dân ở trên này, họ không quen với khái niệm km. Quãng đường đi lại đối với họ được tính bằng thời gian chạy xe máy, hay mấy ngày đi bộ.

Chúng tôi đặt chân lên tới bản Kẻo Nam khi đã gần trưa, dù vậy sương mù vẫn còn bao vây khắp những căn nhà nằm san sát nhau. Đây là cảnh thường gặp đối với những bản làng sống ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển như bản Kẻo Nam. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp đó là những người phụ nữ ngồi trên nhà sàn đầy vẻ suy tư, miệng phì phèo thuốc lá, hướng ánh mắt nhìn xa xăm. “Ở đây ít rẫy, không biết làm gì, cứ ở nhà rứa thôi”, chị Lương Mẹ Sơ (45 tuổi), nói.

Ngôi nhà của chị Sơ nằm ở giữa bản, vẫn còn là mái tranh, vách nứa. Dù vậy, trên tay người phụ nữ này cầm chiếc điện thoại khá đắt tiền, cạnh đó là chiếc xe máy còn chưa có biển số. Khi chúng tôi lên bản Kẻo Nam, chị Sơ vẫn không ngừng than nghèo, kể khổ. Vậy mà 2 ngày sau, khi vừa xuống núi, chúng tôi nhận được tin từ Công an xã Bắc Lý, Lương Mẹ Sơ đã bị bắt.

Sơ cùng người chồng Xeo Bún Thi bị bắt về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy", với tang vật là 6 gói heroin và 35 viên ma túy tổng hợp. Chồng Sơ nghiện ma túy nặng, hộ khẩu ở bản khác nhưng lên sinh sống với Sơ từ mấy năm nay. Những vụ bắt bớ như thế này, xảy ra “như cơm bữa” ở bản Kẻo Nam. Sơ là người thứ 7 trong vòng hơn 1 tháng qua bị bắt về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Khi chúng tôi lên bản Kẻo Nam, vẫn còn nói chuyện, chụp ảnh Lương Mẹ Sơ nhưng 2 ngày sau, vợ chồng người này đã bị bắt. Ảnh: Tiến Hùng

“7 người là chỉ mới tính dân Kẻo Nam thôi anh ạ. Còn người ở bản khác lên Kẻo Nam mua hoặc bán ma túy thì bị bắt suốt. Chúng tôi không thống kê”, anh Cụt Văn Định - Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam nói. Nhiều năm trở lại đây, do số lượng người nghiện nhiều, vị trí địa lý giáp với Lào, bản Kẻo Nam là nơi lý tưởng để làm điểm trung chuyển ma túy. Những kẻ trong đường dây xách “hàng” qua biên giới, rồi giao lại cho nhiều người dân bản Kẻo Nam bán lẻ cho các con nghiện trong vùng.

Quá khứ sung túc

Người dân bản Kẻo Nam trước đây sinh sống ở phía bên kia ngọn núi, cách vị trí hiện tại chừng 30 phút chạy xe máy. Dù sống khá biệt lập, nhưng cuộc sống của người dân thuở ấy rất ấm no. Hộ nào cũng trâu, bò đầy chuồng, thóc đầy nhà. Xe máy chạy đầy đường. Đặc biệt, khi còn ở vị trí cũ, người dân bản Kẻo Nam ai nấy đều có những căn nhà sàn bằng gỗ quý bề thế, chạm trổ rất đẹp mắt. Vì thế, bản Kẻo Nam hơn 10 năm về trước được đánh giá là sung túc, đẹp nhất nơi rẻo cao vùng biên này.

Năm 2012, để kéo người dân bản Kẻo Nam về gần trung tâm xã hơn, huyện Kỳ Sơn tổ chức di dời bà con đến vị trí hiện tại, nhằm thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, cơn lốc ma túy ập đến, cuốn phăng tất cả những gì người dân bản Kẻo Nam đang có. Thời điểm đó, những trai tráng ở bản Kẻo Nam cũng bắt đầu kéo nhau vào Quảng Nam làm phu vàng. Điều đáng buồn, sau chuỗi ngày làm việc trong các bãi vàng, thứ họ mang về quê không phải là tiền bạc mà là những cơn nghiện. Những ngôi nhà gỗ lần lượt được tháo mang bán sau những cơn thèm thuốc. Trong thoáng chốc, cả bản chỉ còn lại những ngôi nhà rách nát, mái tranh, vách nứa.

“Hồi đó nhà sàn của người Kẻo Nam đẹp lắm. Nhưng mà cứ mỗi lần lên cơn nghiện lại tháo một tấm mang đi bán, đổi lấy ma túy, chẳng mấy chốc mà mất nhà”, một cán bộ xã từng có nhiều năm công tác ở bản Kẻo Nam kể. Ở bản này hiện vẫn chưa có điện, vài năm trước, xã Bắc Lý đã phải hỗ trợ mỗi hộ dân 1 tấm pin năng lượng mặt trời để có điện thắp sáng. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, hầu hết những tấm pin này cũng bị tháo ra bán, để đổi lấy ma túy. Khi nhà đã không còn gì có thể mang đi bán, họ đành phải kéo sang những bản người Mông gần đó để làm rẫy thuê. Làm ngày nào, nhận tiền công ngày đó, hầu hết đều được dùng để mua ma túy.

Sau khi đi cai nghiện vào năm 2022, cựu Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam dắt díu vợ con đi làm ăn xa, ngôi nhà ở bản để hoang. Ảnh: Tiến Hùng

Theo anh Cụt Văn Định, cả bản Kẻo Nam hiện có vỏn vẹn 57 hộ dân, nhưng thời điểm đông nhất, tính sơ qua cũng đã có hơn 50 người nghiện ma túy. “Tính trung bình thì nhà nào cũng có người nghiện. Có nhà hiếm hoi không có ai nghiện nhưng cũng có nhà cả vợ chồng hoặc cả bố con cùng nghiện”, anh Định nói.

Gọi là tính sơ qua, bởi trên thực tế số người nghiện ở đây có thể cao hơn nhiều. Bởi chẳng mấy ai lại dám công khai thừa nhận mình nghiện.

Anh Định vốn là Phó trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Bắc Lý, được tăng cường lên làm Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam gần 2 năm trước. Sau khi lãnh đạo xã phát hiện người tiền nhiệm của anh bị nghiện ma túy nặng, bỏ bê công việc, và vợ của người đó cũng nghiện. Ở bản Kẻo Nam không tìm ra người để làm Bí thư chi bộ, lãnh đạo xã đành phải điều anh Định lên kiêm nhiệm. Đều đặn mỗi tuần, anh phải vượt quãng đường xa để lên bản nắm tình hình.

Một ngôi nhà ở bản Kẻo Nam. Ảnh: Tiến Hùng

Bản có 57 hộ dân nhưng khi chúng tôi có mặt tại đây, chỉ còn 31 hộ sinh sống. Số còn lại nhà để hoang, cả gia đình đã dắt díu nhau đi làm ăn xa. Anh Cụt Văn Định cho biết, hầu hết họ rời đi khoảng 1 tháng trước, sau khi cơ quan công an bắt nhiều người vì tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". “Một số người ở nhà đói quá phải đi làm thuê, nhưng cũng có nhiều người vì sợ bị bắt. Vì thế mà ở bản bây giờ có lẽ cũng không còn nhiều người nghiện đâu”, anh Định nói.

Ở bản Kẻo Nam hiện đã có điểm trường mầm non được xây dựng khá khang trang, còn điểm trường tiểu học thì chỉ mới có lớp 1, 2. Dù trường ngay cạnh nhà, nhưng để các em đến lớp đều đặn cũng là một vấn đề đối với các giáo viên. "Sáng nào tôi cũng đi một vòng quanh bản để đưa các em đến trường. Nếu không thì các em ở nhà chơi luôn", một giáo viên cắm bản ở đây nói.

Theo anh Moong Văn Keng - Trưởng bản Kẻo Nam, toàn bản hiện chỉ có hơn 30 em học sinh từ mầm non đến THCS, trong đó, có đến 8 em mồ côi. Đó là chưa kể một số em có bố mẹ đi tù, đi cai nghiện. "Từ xưa đến nay ở bản Kẻo Nam chưa ai học hết cấp 3 cả. Người học cao nhất cũng chỉ lên tới lớp 10 được ít ngày rồi nghỉ. Hầu hết trong bản là hộ nghèo, chỉ còn vài hộ là cận nghèo. Xưa đến nay, chưa thấy ai thoát được nghèo", anh Keng nói.

Một vị cán bộ Công an xã Bắc Lý cho biết, trong những năm qua, xã Bắc Lý là địa bàn phức tạp nhất toàn huyện về ma túy. Trong đó bản Kẻo Nam lại là bản phức tạp nhất của xã. Hầu hết ma túy do những người bên Lào tuồn sang, gửi cho người dân bản Kẻo Nam bán kiếm lợi nhuận và sử dụng. “Trong vài năm qua, chúng tôi đưa đi cai nghiện rất nhiều người. Số còn lại thì bỏ đi làm công ty. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng người bản Kẻo Nam đi làm công ty thi thoảng về thăm quê với mục đích mua ma túy để mang tới công ty bán cho những người đồng hương khác”, vị này nói.

Tiến Hùng