Thi tốt nghiệp THPT 2025: Chung đề, chung đợt, các tỉnh được tự quyết đến đâu?
Theo các chuyên gia, dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương là hoàn toàn đúng đắn.
Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương sẽ chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ.
Trong khi đó, 8 năm qua, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng đã có những chuyển biển theo hướng phân cấp dần về địa phương. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, thực hiện theo lộ trình chuyển hướng phân cấp dần về địa phương từ 2 cụm thi các năm 2015, 2016 sang 1 cụm thi từ năm 2017 tại mỗi tỉnh, do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức.
Từ năm 2020 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện, các cơ sở giáo dục đại học tham gia chủ yếu ở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Sự phân cấp này tỏ ra hiệu quả, phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng tính chủ động của các địa phương.
Địa phương có cần thiết phải tự quyết làm riêng?
Trong nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần xin tự quyết tốt nghiệp. Cách đây 7 năm (2016), trong cuộc làm việc với Bộ trưởng GD-ĐT, khi đó là ông Phùng Xuân Nhạ, Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị những cơ chế đặc thù, trong đó đề nghị giao quyền cho các tỉnh, thành trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Đồng thời, các trường THPT được chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường, cả trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…
Học sinh TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
Đến năm 2018, tại một hội nghị trực tuyến, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất vấn đề này. Năm 2021, trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh một lần nữa kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù. Sở này tiếp tục bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền cho các tỉnh, thành thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
Gần đây nhất, đề xuất tự chủ lại được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong dự thảo Báo cáo công tác phát triển giáo dục đào tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giao UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương.
Đề thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Từng bước phân quyền nhiều hơn cho địa phương là phù hợp
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, kỳ thi đang ổn không nên cho địa phương tự quyết. Dự thảo phương án thi tốt nghiệp sau 2025 như vậy là rõ ràng vì học gì thi nấy và vẫn 6 môn.
Nhưng để học sinh học toàn diện tốt nhất quy định 3 môn cứng Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ còn 3 môn còn lại sẽ quy định giữa học kỳ 2 hàng năm. Về việc phân cấp, phân quyền tổ chức kỳ thi thì vẫn như cũ tức là đề của Bộ, địa phương tổ chức.
Đối với đề xuất của TP. Hồ Chí Minh để địa phương tự quyết trong việc tổ chức thi xét công nhận tốt nghiệp, ông Tùng nói: "Có lẽ chưa cần thiết, bởi việc tổ chức thi thế này đang ổn và không cần đổi nhiều”.
Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà |
Đối với vấn đề thi trên máy tính, theo ông Tùng cần chuẩn bị rất kỹ vì liên quan đến số đông. Địa phương, khu vực nào thấy tốt, cho thí điểm trước. Về việc chương trình mới theo định hướng đánh giá năng lực cho học sinh nhưng thi theo môn học tách biệt chỉ cần điều chỉnh câu hỏi thi cho phù hợp.
Mục tiêu thi tốt nghiệp còn là để “làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục" (quy chế thi tốt nghiệp), cho nên dùng chung một đề thi của bộ là cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, cho rằng đối với đề xuất của TP.Hồ Chí Minh nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, ở thời điểm này TP.Hồ Chí Minh có đủ điều kiện, năng lực và kinh nghiệm để tự chủ trong việc xét và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 đang học tại TP.Hồ Chí Minh (bao gồm học sinh phổ thông và học viên hệ bổ túc văn hóa).
Tuy nhiên, ông Ngai cho rằng hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh không nên làm việc này, vì có thể tạo ra tình huống bất lợi cho học sinh học tại TP. Hồ Chí Minh. Lý do thứ nhất, theo ông Ngai, còn có nhiều trường đại học vẫn dùng phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức để xét tuyển học sinh vào trường mình.
Các thí sinh nghe Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh tư liệu Mỹ Hà |
Lý do thứ hai là khi học sinh đi du học nước ngoài, bằng tốt nghiệp dựa trên kết quả tổ chức thi của một địa phương chưa chắc đã được coi trọng hoặc tương đương bằng có được do trung ương (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức thi chung cho cả nước.
Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh thay vì xin tự chủ việc xét và công nhận tốt nghiệp THPT nên đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phân cấp việc xét và công nhận tốt nghiệp THPT cho mỗi tỉnh/thành tổ chức dưới sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ. Tỉnh/thành nào có khó khăn, báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo, giúp đỡ cụ thể.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT chung cả nước như trong thời gian qua và hiện nay để Bộ nắm được quá trình, chất lượng giáo dục, quản lý, kết quả học tập của học sinh cả nước và từng tỉnh/thành để có sự chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp theo chủ trương, định hướng chung của trung ương.
Bộ nên tăng cường và tổ chức tốt công tác thanh, kiểm tra thường xuyên hơn trong suốt quá trình tổ chức, thực hiện việc giảng dạy của thầy, học tập của học sinh ở từng địa phương để kịp thời động viên, khen thưởng nơi làm tốt; uốn nắn, giúp đỡ, xử lý nơi còn hạn chế hoặc có sai phạm.
Ông Ngai khẳng định về cơ bản hoàn toàn đồng ý với dự thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Đặc biệt dự thảo đã có định hướng sẽ dần phân cấp nhiều hơn đối với các tỉnh/thành trong việc tổ chức thi tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ là hoàn toàn phù hợp.
Hiện nay, Bộ đã phân cấp khá mạnh và rõ cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh/thành chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn.
Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện công tác ban hành quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Những kỳ thi gần đây, đặc biệt các năm 2020, 2021, 2022, mô hình này ghi nhận nhiều ưu điểm, sự phân cấp ngày một cụ thể và rõ trách nhiệm.
Như chúng ta đã biết, hiện đang có sự khác nhau giữa các tỉnh thành, từ năng lực ra đề thi đến việc tổ chức đánh giá, xây dựng đề, trong khi bảo đảm được tính đồng đều về chất lượng, phổ quát và tương đồng giữa các địa phương là việc cần làm thận trọng và có lộ trình.
Để đáp ứng được tính đồng bộ, Bộ vẫn chịu trách nhiệm ban hành quy chế thi, ra đề thi, thanh tra, kiểm tra; các công việc khác, địa phương hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm. Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quy định, quy chế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở cả cấp Bộ và cấp địa phương để kết quả kỳ thi được an toàn, khách quan, minh bạch nhất.