Người thương binh ngược núi đưa nguồn nước sinh hoạt về bản

Quang An - Xuân Hoàng 09/04/2023 13:54

(Baonghean.vn) - Là thương binh 1/4, đi lại khó khăn, tuy nhiên, ông Lô Văn Huỳnh ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) không ngại khó ngược núi tìm nguồn nước cho đồng bào. Đến nay, dòng nước mát tự chảy đã được đấu nối từ đỉnh đồi về đến từng hộ dân khiến ai cũng phấn khởi.

Ông Lô Văn Huỳnh sinh ra và lớn lên tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ, đây là xóm đồng bào Thái duy nhất trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Trước đây, do địa hình cao, khô cằn, không có các sông, hồ… nên đến mùa nắng nóng, bà con trong xóm lại dắt nhau đi lên núi tìm nguồn nước để sinh hoạt. Chứng kiến đời sống vất vả của người dân quê mình, ông Huỳnh luôn đau đáu một ước mong có thể làm được công trình nước sạch cho người dân.

Một góc xóm Đồng Kho Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: X.H

Sau những năm tháng trên chiến trường bảo vệ Tổ quốc, ông Huỳnh trở về quê hương với 28 vết thương khắp cơ thể, 1 con mắt bị hỏng, mắt còn lại thị lực cũng không còn cao, được chứng nhận là thương binh 1/4. Việc đi lại gặp nhiều khó khăn cũng không cản nổi ý chí của người lính Cụ Hồ trong việc tìm nguồn nước về cho đồng bào quê mình.

Ông Huỳnh nhớ lại: “Những năm tháng ở chiến trường, chiến đấu ở nhiều địa hình đồi núi, sau này phục viên cũng có dịp được đi các huyện bạn như Con Cuông, Tương Dương… tôi đã tìm hiểu một số hệ thống nước tự chảy của một số hộ ở xã bạn. Từ đó tôi có ý tưởng về khảo sát, tìm kiếm nguồn nước cho dân bản. Năm 2015, tôi bắt đầu ngược núi để tìm nguồn nước cho bà con…”.

Thương binh Lô Văn Huỳnh là người tiên phong tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào Thái tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Q.A

Sau gần 1 tháng trèo đèo, lội suối, ông Huỳnh cũng đã tìm được nguồn nước tại khe Nai Mở, cách xóm Đồng Kho Đồng Thờ gần 4 km. Nguồn nước tại đây vừa trong mát, lại dồi dào, chảy quanh năm, phù hợp với các tiêu chí để phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân. Sau khi tìm được nguồn nước, ông Huỳnh tiếp tục mày mò, đánh dấu quãng đường đi để sau này có thể thiết kế được đường ống dẫn nước về cho quê hương. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và dày công.

Ngày trở về xóm để báo tin mừng đã tìm được nguồn nước, những tưởng bà con sẽ vui mừng, phấn khởi nào ngờ vẫn có nhiều ánh mắt hoài nghi, nghĩ việc đưa nước tự chảy từ nguồn về nhà là điều phi thực tế.

Bể chứa nước tự chảy tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ. Ảnh: Q.A

“Hàng chục năm qua, người dân quê tôi đã quá quen với việc gùi thùng, can nhựa lên núi kiếm nước nên khi nghe đến việc ở nhà vẫn có nước nhiều người không tin. Cả xóm có hàng trăm hộ dân nhưng chỉ có ít hộ ủng hộ cách làm này, dù có chút hụt hẫng, tuy nhiên, tôi hiểu rằng, phải làm ra được thành quả mới có thể thay đổi được ý nghĩ của bà con, nên tôi không bỏ cuộc…”, ông Huỳnh chia sẻ.

Thời điểm đó, để có nước về xóm, phải có kinh phí để xây dựng bể chứa ở nguồn, sau đó là mua đường ống trải dài gần 4 km, băng qua các ngọn đồi, về tới bể chứa của xóm. Ông Huỳnh đã kêu gọi và có 57 hộ dân đồng tình với phương án đóng góp với số tiền 1,8 triệu đồng/hộ để xây dựng các bể chứa, mua ống dẫn nước. Ngoài ra, các hộ cũng đóng góp ngày công trong việc phát quang bụi rậm, lắp đặt đường ống…

Sau 14 ngày triển khai, dòng nước mát từ khe Nai Mở đã băng qua hàng cây số, chảy róc rách tại bể chứa của xóm khiến nhiều người dân nơi đây không tin là sự thật.

Các đường ống dẫn nước về từng hộ dân. Ảnh: XH

“Khi nước chảy về ào ào, bà con kéo nhau ra tắm rửa, vui đùa sau hàng chục năm phải tiết kiệm dè xẻn từng giọt nước, hình ảnh đó không bao giờ tôi quên được… Sau khi thấy được hiệu quả, bà con trong xóm đã dần tin tưởng được ý tưởng của tôi, số hộ đăng ký lắp đặt đường ống ngày một tăng lên khiến tôi rất phấn khởi. Từ thời điểm đó trở đi, người dân quê tôi đã vơi đi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là trong mùa nắng nóng”, ông Huỳnh nhớ lại.

Mặc dù vậy, do ý tưởng đưa nước về ban đầu mang tính tự phát, việc xây dựng các bể chứa, công trình còn thô sơ, đường ống đấu nối không có kỹ thuật nên sau 6 năm đưa vào sử dụng, công trình nước tự chảy tại xóm đã xuống cấp, hư hỏng. Năm 2021, ông Huỳnh lại tiếp tục làm đơn gửi cơ quan chức năng, chính quyền có thể chung tay hỗ trợ bà con nơi đây xây dựng các công trình, bể chứa nước đảm bảo kỹ thuật để có thể sử dụng lâu dài cho người dân.

Thấu hiểu những khó khăn đó, năm 2022, dưới sự đồng hành của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" huyện Tân Kỳ, Huyện đoàn Tân Kỳ đã phối hợp với Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An triển khai kêu gọi, ủng hộ xây dựng công trình “Hệ thống nước tự chảy” cho bà con dân bản. Kết thúc thời gian vận động đã kêu gọi được hơn 230 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" cấp tỉnh, cấp huyện và sự đóng góp của người dân thì tổng nguồn quyên góp, vận động để xây dựng công trình đã đạt được 850 triệu đồng.

Cuối năm 2022, công trình nước tự chảy tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ đã được khánh thành theo tiêu chuẩn, bà con nơi đây đã có nguồn nước ổn định cho đến ngày hôm nay.

Sau hàng chục năm, đồng bào Thái tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ đã có nguồn nước về đến tận nhà. Ảnh: Q.A

Sau khi hoàn thành tâm nguyện mang nước về cho dân làng, ông Huỳnh trở về công việc thường nhật, là thầy thuốc nam chữa bệnh cho người dân. Giờ đây, khi đến xóm Đồng Kho Đồng Thờ nhắc đến ông Huỳnh, ai cũng nhớ đến người thương binh hết lòng vì bà con dân bản, vượt lên khó khăn để mang dòng nước mát về cho đồng bào./.

Quang An - Xuân Hoàng