Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Trân Châu-Văn Trường 12/04/2023 06:42

(Baonghean.vn) -  Năm 2023, với những biến động do suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị thế giới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Nghệ An gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Vướng mắc của doanh nghiệp

Được khởi công từ tháng 6/2012, dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy Xi măng Tân Thắng (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) đến nay vẫn thi công chưa xong. Hiện tại, đoạn đường vào gần khu vực Nhà máy đang hoàn thiện hệ thống mương thoát nước, mặt đường chưa được thảm nhựa, một số vị trí sạt lở núi đất đá vùi lấp cả lòng đường. Tuyến đường này hiện nay xe tải trọng lớn chưa đi lại được.

Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy Xi măng Tân Thắng (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) thi công dang dở hơn 10 năm qua. Ảnh: Văn Trường

Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy Xi măng Tân Thắng được phê duyệt tại Quyết định số 3865/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 và Quyết định điều chỉnh số 2437/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, có tổng mức đầu tư trên 378 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.

Tính đến thời điểm này, tuyến đường đã thi công hoàn thành hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường theo chiều dài tuyến 7.038 m/7.338 m (khối lượng thảm bê tông nhựa đang còn lại 300 m).

Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng được Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là gần 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Hiện tại, Nhà máy Xi măng Tân Thắng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với công suất khoảng 1,6 triệu tấn/năm, nhưng khó khăn trong quá trình vận chuyển, hàng hoá, thiết bị đến nơi tiêu thụ.

Ở Khu công nghiệp WHA 1, theo bà Bích Liên - Giám đốc Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An cho biết: Dự án WHA 1 tại Nghệ An là dự án đầu tiên của Tập đoàn WHA tại Việt Nam hiện đã thu hút được 22 nhà đầu tư tại giai đoạn 1; trong đó có Công ty Goertex, là doanh nghiệp lớn nhất về FDI tại Nghệ An. Giai đoạn 2 của WHA 1 có tổng diện tích 350 ha tại các xã Nghi Hưng, Nghi Đồng (Nghi Lộc), hiện đã giải phóng mặt bằng được 300 ha.

Về kiến nghị, doanh nghiệp mong muốn đường cao tốc Bắc-Nam sớm hoàn thành bởi đường đi gần khu công nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn hạ tầng viễn thông, nước, điện, cao tốc, trường học, khách sạn cao cấp, dịch vụ Logistics ngày một đồng bộ, thuận lợi phục vụ các nhà đầu tư.

3 tháng đầu năm 2023, trong khi các sản phẩm như sữa chế biến các loại, dầu ăn, nước mắm của Nghệ An vẫn khai thác tốt thị trường nội địa nên giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, thì các sản phẩm xuất khẩu gặp khó do ảnh hưởng thị trường. Trước hết là các doanh nghiệp dệt may nhiều đơn vị thiếu đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu gặp khó do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Ảnh: Trân Châu

Các sản phẩm như ván gỗ MDF, ván ghép thanh giảm mạnh, do Mỹ và các quốc gia châu Âu điều tra việc tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam, nên hoạt động sản xuất của các nhà máy trên địa bàn tỉnh khó khăn.

Một số doanh nghiệp chế biến gỗ như Tân Việt Trung, Thế Giới Gỗ phải ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mặt hàng bột đá trắng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp Malaysia; khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục thông quan hàng hóa, do cơ quan hải quan xây dựng giá tham chiếu rủi ro đối với các mặt hàng bột đá vôi trắng siêu mịn cao hơn nhiều so với thực tế, làm kéo dài thời gian xuất hàng của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp xây dựng cao tốc Bắc - Nam cũng gặp khó khăn khi giá sắt thép, xăng dầu tăng cao. Ảnh: Trân Châu

Sản phẩm cá hộp Royal Food sản xuất gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào (cá nục, cá trích ở trong nước không đủ để phục vụ sản xuất, không có nguồn ổn định; nguồn cá ở Nghệ An thực chất không đáp ứng được vì các tàu cá của Nghệ An cũng phải đánh vùng biển khác). Công ty TNHH Royal Food phải nhập khẩu nguyên liệu từ các tàu đánh bắt của Nga, nhưng do chiến sự giữa Nga và Ukraina kéo dài nên thiếu nguyên liệu.

Đối với sản phẩm đường kính là sản phẩm công nghiệp quan trọng của Nghệ An, được sản xuất do 3 nhà máy trên địa bàn, sản lượng giảm 4,17% so với cùng kỳ do diện tích nguyên liệu mía tiếp tục giảm sút, tiêu thụ gặp khó khăn do tình trạng đường nhập lậu qua biên giới tăng. Ông Ngô Vân Tú - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An cho biết, Công ty sản xuất được 69.000 tấn đường, hiện đang tồn kho khoảng 50.000 tấn.

Một sản phẩm nữa cũng gặp khó là linh kiện điện tử. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên sản xuất của các nhà máy giảm so với cùng kỳ, nhiều đơn hàng cũ bị cắt giảm do thay đổi công nghệ sản phẩm. Các sản phẩm như tai nghe điện thoại, loa điện thoại giảm 32,82%...

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho Nhà máy Xi măng Tân Thắng, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có Công văn số 1016/UBND-CN về việc khẩn trương hoàn thành công trình đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy Xi măng Tân Thắng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh có ý kiến: Việc thực hiện dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai II đi Nhà máy Xi măng Tân Thắng đến nay chưa hoàn thành là quá chậm so với yêu cầu và cam kết của chủ đầu tư.

UBND tỉnh giao Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm về việc chưa hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh theo tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 8667/UBND-CN ngày 03/11/2022 của UBND tỉnh; khẩn trương thực hiện hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng trong quý 1/2023.

Đối với đường cao tốc Bắc - Nam, UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp, ban hành văn bản đôn đốc Sở Giao thông vận tải, các địa phương phối hợp với Ban 6 Bộ Giao thông vận tải để giải quyết triệt để các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo lưu thông khi cao tốc cắt ngang một số tuyến đường và khu công nghiệp.

Hiện nay, ở bình diện thế giới, Trung Quốc bắt đầu mở cửa thông thương trở lại, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan…

Ở trong nước, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước góp phần phục hồi các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến bất lợi, khó lường, thị trường bất động sản vẫn đang suy thoái, trong khi đây là kênh tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp xây dựng như vật liệu xây dựng, gỗ, kính, thép, tôn, và sử dụng nhiều lao động…

Các doanh nghiệp các nhà đầu tư mong được tháo gỡ khó khăn kịp thời, tránh vấn đề nêu đi nêu lại nhiều lần trong các cuộc họp. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… ; tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và các thiết bị chính xác Goetek giai đoạn 1; Dự án Everwin Precision giai đoạn 1; Dự án sản xuất và gia công giày dép xuất khẩu Huali; Nhà máy may Matsuoka Thanh Chương,…

Chế biến dược liệu tại Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Trân Châu

Để tạo thuận lợi “khung” cho các doanh nghiệp nắm bắt tìm kiếm cơ hội đầu tư, Nghệ An đang hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình HĐND tỉnh thông qua; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai các thủ tục chuẩn bị khởi công dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án KCN Hoàng Mai II.

UBND tỉnh giao các ngành chức năng rà soát tổng thể nguồn cung cấp đất san lấp để đảm bảo phục vụ các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn như: Khu công nghiệp VSIP, Dự án Khu công nghiệp WHA, đường cao tốc Bắc - Nam,… Tiếp tục rà soát, kiểm tra hiện trạng, tình hình khai thác, thực hiện các nghĩa vụ liên quan của các khu vực mỏ trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với tinh thần chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực. Các Tổ công tác được UBND tỉnh thành lập thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, tập trung giải ngân đầu tư công, đẩy tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An: Bức tranh toàn cảnh với khó khăn 'khó gỡ'?

28/02/2023

Chủ tịch UBND tỉnh: Thấy khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết chứ không phải để giải trình

06/10/2022

Trân Châu-Văn Trường