Nghệ An phấn đấu gieo trồng hơn 111 nghìn ha cây trồng vụ hè thu - mùa 2023

Phú Hương 17/04/2023 12:20

(Baonghean.vn) - Sản xuất vụ hè thu - mùa năm nay khả năng sẽ gặp khó khăn rất lớn về nguồn nước tưới, khi mực nước trên hệ thống hồ, đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp. Để đạt mục tiêu sản lượng 424.410 tấn lương thực có hạt thì "An toàn và hiệu quả" là ưu tiên hàng đầu.

Sáng 17/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Sản xuất trồng trọt vụ hè thu - mùa năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị diễn ra sáng 17/4 tại thành phố Vinh. Ảnh: Phú Hương

Nguy cơ hạn hán trên diện rộng

Thực hiện chỉ tiêu sản xuất lương thực năm 2023 là 1,2 triệu tấn, căn cứ vào tình hình sản xuất vụ đông năm 2022 và vụ xuân năm 2023, thì vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An phải phấn đấu đạt 424.410 tấn lương thực có hạt. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 111.150 ha cây trồng các loại, trong đó 81.000 ha lúa (58.000 ha lúa hè thu và 23.500 ha lúa mùa); 12.200 ha ngô; ngoài ra 750 ha lạc, 2.600 đậu đỗ, 2.800 ha cây vừng và 11.800 ha rau các loại.

Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5ºC; tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10%; đặc biệt, ngay từ đầu vụ xuân đã phải điều tiết nước để phục vụ sản xuất, chống hạn vùng Thanh Chương và Đô Lương.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình cung ứng giống lúa hè thu - mùa. Ảnh: Phú Hương

Trong khi đó, các hồ, đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp, do đó, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là rất cao, có thể xảy ra sớm và trên diện rộng; công trình cao tốc Bắc - Nam đang thi công, sẽ ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất ở một số huyện như Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghi Lộc. Theo dự báo, toàn tỉnh có trên 6.500 ha có nguy cơ hạn hán, thiếu nước.

Cùng với đó, nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh mạnh; giá cả vật tư vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng đầu tư của nông dân.

Đồng chí Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương lo ngại về khả năng hạn hán trong vụ hè thu - mùa năm nay. Ảnh: Phú Hương

Sản xuất "An toàn và hiệu quả” là ưu tiên hàng đầu

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tìm các giải pháp nhằm chủ động khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của các yếu tố bất lợi đến sản xuất. Trong đó, tập trung bố trí cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ hợp lý, phù hợp với điều kiện từng vùng; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để vừa đảm bảo sản xuất an toàn, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phú Hương

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương xây dựng đề án sát với tình hình thực tế, chỉ đạo sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh tập trung ruộng đất, liên kết giữa nông dân và các tổ chức như hợp tác xã, doanh nghiệp, nhằm ổn định sản xuất và tiêu thụ, nâng cao hiệu quả.

Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng, điều chỉnh chính sách, cơ chế phù hợp để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được, để chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất có thể đi vào cuộc sống; ngoài chính sách của tỉnh, các huyện cũng cần chủ động cơ chế của mình.

Công tác cung ứng giống cho sản xuất vụ hè thu - mùa năm nay đã được chuẩn bị một cách chủ động. Ảnh: Phú Hương

“Ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương phải tập trung chỉ đạo, thực hiện thời vụ gieo cấy với phương châm càng sớm càng tốt, đặt mục tiêu an toàn và hiệu quả lên trên hết; chú ý chuẩn bị tốt nguồn giống, phân bón đảm bảo chất lượng cho sản xuất.

Đặc biệt, phải chủ động xây dựng phương án chống hạn, làm sao để bảo đảm tưới đủ cho toàn bộ diện tích gieo cấy theo kế hoạch đề ra và chống hạn cho cây công nghiệp, cây ăn quả; huy động cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng để chỉ đạo, điều tiết đủ nước phục vụ trước và trong quá trình sản xuất đối với những diện tích có nguy cơ hạn hán; có phương án sản xuất dự phòng để có thể sản xuất một cách chủ động”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Huyện Thanh Chương đã phải nạo vét hệ thống thủy lợi để chống hạn ngay từ đầu vụ xuân 2023. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức rà soát lại hệ thống thủy lợi và khả năng cung cấp nước tưới, chỉ những diện tích sản xuất an toàn mới đưa vào kế hoạch để sản xuất chắc ăn 2 vụ, đồng thời, chuyển đổi hẳn cơ cấu cây trồng trên những diện tích không đảm bảo.

Phú Hương