Luật sư Trọng Hải: Bạo lực học đường và những vấn đề mang tính pháp lý

Mỹ Hà 18/04/2023 11:50

(Baonghean.vn) - Bạo lực học đường là vấn đề được xã hội quan tâm mà đối tượng chủ yếu là các em học sinh với nhiều câu chuyện, vụ việc để lại hậu quả hết sức to lớn.

Về vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Luật sư Trọng Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH Trọng Hải & Cộng sự.

P.V:Thưa ông, những ngày gần đây, vấn đề bạo lực học đường đang xôn xao trong dư luận, trên mạng xã hội liên quan đến sinh mệnh của một nữ sinh lớp 10 ở TP Vinh. Cá nhân ông, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?.

Tiến sĩ - Luật sư Trọng Hải: Với tư cách là một luật sư, người làm công tác bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bảo vệ cái đúng, lẽ phải và cũng với tư cách là một phụ huynh đang có con đang học ở trường phổ thông, bản thân tôi thấy rằng, bất cứ sự xâm hại nào cũng rất đáng trách. Điều đó, không những chỉ là xâm hại về sức khỏe, tính mạng, xâm hại về tinh thần mà còn để lại những sự việc không mong muốn.

Ở đâu đó, cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng trong những ngày gần đây xảy ra những vụ việc bạo lực học đường và hậu quả hết sức nghiêm trọng. Với tư cách là người làm luật, tôi cho rằng hành động bạo lực học đường rất đáng lên án, việc vào cuộc góp phần ngăn chặn là trách nhiệm chung của những người làm công tác bảo vệ pháp luật.

Luật sư Trọng Hải cho rằng, để xảy ra bạo lực học đường thì nhà trường phải là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên. Ảnh: PV

Sâu xa hơn, để những người làm công tác làm quản lý giáo dục cũng thấy rằng, dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng để xây dựng môi trường học đường lành mạnh; nhưng thực tế vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra và đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm giáo dục, cho thầy cô giáo, cho gia đình, cha mẹ và toàn xã hội. Chúng ta cần sâu sát hơn, quan tâm hơn, tâm lý hơn, hiểu con hơn và nhân văn hơn, kiên quyết hơn trong quản lý, đặc biệt là trong việc quản lý đời sống học sinh trong độ tuổi chưa hoàn thiện về vấn đề tâm sinh lý.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến sự nhân văn và kiên quyết. Trong sự việc gần đây vừa diễn ra ở thành phố Vinh, theo lời chia sẻ của gia đình, học sinh này đã muốn chuyển sang chỗ khác nhưng phía nhà trường vẫn không xem xét thì rõ ràng các thầy, cô giáo chưa làm tròn vai trò của mình.

Trong sự việc này, chúng ta cũng không thể né tránh được. Và trách nhiệm đầu tiên phải thuộc những người làm việc trong nhà trường, đó là giáo viên chủ nhiệm, là những người làm công tác quản lý giáo dục ở cơ sở.

PV:Trước đây, khi nói đến bạo lực học đường, dường như chúng ta chỉ hiểu đơn giản là các vụ xô xát, đánh đập ở lứa tuổi học trò. Nhưng, có lẽ ngoài bạo lực về thể chất, thì bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn. Ông đã từng gặp những vấn đề tương tự trong quá trình xử lý các vụ việc chưa? Theo ông vì sao, bạo lực học đường lại ngày càng phức tạp với nhiều hình thái khác nhau?.

Tiến sĩ - Luật sư Trọng Hải: Trong công việc của người làm luật sư, tôi thường nhận được nhiều cuộc điện thoại của cha mẹ và tiếp khách hàng là các phụ huynh tại công ty. Đặc biệt, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện từ những người làm công tác giáo dục và tất cả đều bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay vấn đề bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Gần đây nhất, một lãnh đạo nhà trường ở huyện Yên Thành đã mời tôi đến trường để nói chuyện về vấn đề này bởi lo ngại về thực trạng có thể tiếp tục xảy ra ở các trường học.

Sự việc một học sinh ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường là một lời cảnh báo nghiêm trọng. Ảnh: TH

Ngoài bạo lực về thân thể, thì bạo lực về tinh thần là hết sự nghiêm trọng. Những thị phi tiềm ẩn lâu dài khiến cho học sinh ở lứa tuổi này rất dễ bị tổn thương và một khi đã xảy ra rất dễ khiến cho các em dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và xảy ra những hậu quả như chúng ta đã chứng kiến. Bạo lực về tinh thần nó còn âm ỉ, còn nguy hiểm hơn các bạo lực học đường về mặt thân thể.

PV:Nhiều ý kiến cho rằng, bạo lực học đường chỉ là mâu thuẫn ở tuổi học trò. Vậy nhưng, ở góc độ pháp luật, bạo lực học đường có phải là lỗi vi phạm pháp luật không? Hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý như thế nào? Vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan như giáo viên, nhà trường?.

Tiến sĩ - Luật sư Trọng Hải: Rõ ràng đối với hành vi cố ý gây thương tích có dấu hiệu cấu thành tội. Trong đó bạo lực học đường về mặt thân thể như đưa ra những nơi vắng người để lôi kéo tóc, xé quần áo sẽ phạm vào các tội như tội xâm phạm thân thể, tội làm nhục.

Trong khi đó, nếu bạo lực về mặt tinh thần có thể sẽ phạm vào tội làm nhục, tội vu khống.

Ở lứa tuổi các cháu, nếu đã học lớp 12, đã 18 tuổi các cháu có đủ các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội, sẽ bị truy cứu pháp luật. Vì vậy tôi khuyến cáo rằng, các cháu ở độ tuổi này phải nhận thức được đúng sai và ứng xử sao cho hợp lý về quy định pháp luật. Các cháu đã đủ năng lực, đủ điều kiện, đủ tuổi để chịu trách nhiệm pháp lý.

PV:Ở lứa tuổi học trò các em có thể còn có những lúng túng khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Trong trường hợp này, các em cần được bảo vệ như thế nào và có thể tìm đến các cơ quan nào để được hỗ trợ?..

Tiến sĩ - Luật sư Trọng Hải: Theo quan điểm của tôi, cha mẹ và thầy cô luôn hướng học trò đến sự mạnh mẽ, không yếu đuối. Trong trường hợp mình là người bị bạo hành, bị bạo lực học đường về tinh thần và thể chất thì mình phải thật bình tĩnh, phải có chính kiến. Người đầu tiên mình cần chia sẻ và tư vấn chính là bố mẹ của mình, phụ huynh của mình và có thể gặp người quản lý trực tiếp là cô giáo chủ nhiệm hoặc thầy giáo chủ nhiệm.

Phiên tòa giả định về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống bạo lực học đường ở Trường THPT Thái Lão. Ảnh: PV

Ngoài ra, người bị bạo lực học đường có thể phản ánh bằng văn bản hoặc bằng cơ chế trực tiếp đối với người quản lý của cơ sở giáo dục như hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường và những người có trách nhiệm như thầy giáo phụ trách vấn đề an ninh trường học.

Nếu có hành vi bạo hành nghiêm trọng, các em cũng có thể báo đến cơ quan công an và tìm đến những người có sự hiểu biết về pháp luật để nhận được sự tư vấn để xử lý, không tự tìm đến những tiêu cực để tránh liên lụy đến gia đình, nhà trường và bản thân mình.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mỹ Hà