Thông tin từ gia đình và nhà trường về vụ một nữ sinh lớp 10 tự tử

Tiến Hùng 17/04/2023 19:38

(Baonghean.vn) - Phía gia đình nữ sinh cho rằng, thời gian gần đây em bị một nhóm bạn cùng lớp cô lập, thậm chí chặn đường đánh, muốn chuyển lớp nhưng không được...; Phía nhà trường thông qua  cuộc gặp gỡ báo chí cũng đã cung cấp các thông tin liên quan.

Sáng 17/4, gia đình đã tổ chức mai táng cho em N.T.Y.N (17 tuổi, trú TP. Vinh), sau 2 ngày phát hiện em tự tử. Em N. là học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Cũng trong sáng 17/4, phía lãnh đạo nhà trường đã có buổi gặp gỡ với báo chí để cung cấp thông tin liên quan đến nữ sinh này.

Phía nhà trường cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, nhà trường đã đến thăm hỏi. “Phía gia đình cũng chỉ mới nói là em ấy tự tử, chưa phản ánh gì thêm”, ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Đại học Vinh nói.

Đại diện Đại học Vinh và lãnh đạo Trường THPT chuyên Đại học Vinh cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: Tiến Hùng

Còn Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết, hồi học kỳ 1, em N.T.Y.N. một mình lên gặp ông để xin chuyển lớp nhưng không nói em bị cô lập, bị bạo lực học đường, mà nói lý do chuyển là có quen một giáo viên lớp bên cạnh nên xin chuyển qua đó. Tuy nhiên, ông từ chối cho em N. chuyển lớp.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh trao đổi về việc học sinh Y.N lên xin chuyển lớp. Clip: Tiến Hùng.

Giải thích kỹ hơn về lý do từ chối cho em N. chuyển lớp, vị hiệu trưởng cho rằng, lớp 10 hiện nay đang thực hiện chương trình THPT mới, nhất là chương trình chất lượng cao học 2 buổi/ngày. Ở trong chương trình có nhiều phân nhánh khác nhau để cho các em lựa chọn học. Khi đang học chương trình THPT mới này không chuyển ngay được vì đang liên quan đến các môn học, trong chương trình mới các môn học của các lớp khác nhau, chuyển giữa kỳ thì điểm của lớp này với lớp kia là khác nhau.

Vị hiệu trưởng nói thêm, hệ chất lượng cao có sự phân hóa các lớp, các mức độ khác, điểm thi đầu vào em N. phân vào lớp A15 tức là lớp thứ 3, nếu xin chuyển lên lớp thứ 1, thứ 2 thì phải chứng minh được kết quả học tập. "Tôi có phân tích cho em N. là về phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt nhà trường sẽ tạo điều kiện cho em chuyển lớp”, vị hiệu trưởng nói.

Còn giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 thì cho biết, lớp có 27 học sinh, trong đó, em N.T.Y.N. là học sinh ngoan, có thành tích học tập tốt. “Trước đây em N. có chơi với một nhóm bạn trong lớp. Nhưng bắt đầu từ trước đợt 20/11/2022 thì giữa em N. với nhóm này không còn chơi với nhau nữa. Tôi có hỏi các thành viên trong nhóm thì bảo nguyên nhân chỉ là không hợp nhau”, cô chủ nhiệm nói.

Cũng theo giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và em N. chưa từng xin cô chuyển lớp. “Chỉ có em ấy từng nhắn tin hỏi tôi xin mẫu đơn để chuyển lớp. Lúc đó tôi chỉ trả lời là không có mẫu đơn này và việc chuyển lớp là thẩm quyền của Ban Giám hiệu nhà trường. Tôi có hỏi lý do chuyển lớp, nhưng em ấy không chia sẻ nên không nắm rõ được nguyên nhân”, cô chủ nhiệm nói.

Phóng viên Báo Nghệ An cũng đặt câu hỏi, trong lớp có nhóm bạn lập nhóm suốt ngày đả kích em N., cô giáo chủ nhiệm có nắm được không? cô chủ nhiệm cho hay: “Tôi đã làm hết sức mình để gần gũi hơn, tìm hiểu học sinh, nhưng tôi không phải thành viên trong nhóm đó nên không khẳng định được có nhóm ấy hay không. Các em ấy có chát trên nhóm kín nội dung gì tôi không nắm được”.

“Thấy em vắng học nhiều, tôi cũng đã gọi điện cho phụ huynh thì mới biết, nhiều tin nhắn em xin nghỉ học là do em ấy tự lấy điện thoại của mẹ để nhắn cho cô. Tôi cũng thường xuyên hỏi han em N., nhắc nhở em ấy”, cô chủ nhiệm nói thêm.

Phóng viên Báo Nghệ An đặt câu hỏi tại cuộc gặp gỡ báo chí. Ảnh: T.H

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong lớp Y.N. dù không phải giỏi nhất nhưng cũng thuộc tốp đầu. Em là một trong những học sinh vừa được nhận học bổng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, mẹ của nữ sinh này, chị P.T.T.V cho rằng trong lớp học này, không chỉ có con gái chị mà 3 bạn khác cũng bị cô lập, bạo lực học đường với nhiều hình thức.

Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Ảnh: Tiến Hùng

Chị P.T.T.V. cũng cho biết, chị đã 2 lần lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con gái. Trong đó, một lần chị gặp trực tiếp Hiệu trưởng, lần còn lại Hiệu trưởng đi vắng, chị phản ánh tới giáo viên dạy giáo dục quốc phòng.

“ Không chỉ có tôi lên gặp Hiệu trưởng mà còn có 3 phụ huynh khác có con bị cô lập cũng lên gặp ông ấy. Lúc đó, Hiệu trưởng đã từ chối cho con tôi chuyển lớp và có nói là con gái tôi cần xem lại bản thân”, chị P.T.TV kể.

Ngoài ra, vị phụ huynh này còn cung cấp cho phóng viên Báo Nghệ An nhiều tin nhắn trò chuyện giữa 2 mẹ con trước khi em N. tự tử. Theo đó, trong trò chuyện với mẹ, em N.T.Y.N. nhiều lần tâm sự “chán, không muốn đi học nữa”. Khi được mẹ hỏi lý do, em N., kể sau khi mẹ và 3 phụ huynh khác lên gặp Hiệu trưởng để xin cho các em chuyển lớp nhưng bị từ chối, không hiểu sao nhóm bạn trong lớp lại biết được. Nhóm này thường ngồi sau lưng nói khích. Được ít buổi, cô giáo cho em N. ngồi một chỗ khác, tách với nhóm bạn kia nên em cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, đến tiết cô chủ nhiệm lại bắt em N. và các em đang bị cô lập đến ngồi chung với nhóm bạn kia.

“Học răng nổi. Con rành buồn ạ”, em N. nhắn tin tâm sự với mẹ, đồng thời tự chụp bức ảnh em đang khóc để gửi cho mẹ.

Cũng theo phụ huynh P.T.TV , gần đây con gái chị còn bị nhóm học sinh kia rủ nhau chặn đường để đánh. Chị đã phải đến tận trường đón con gái nên chưa có việc gì xảy ra. Theo đó, vào đầu tháng 3/2023, chị V. nhận được điện thoại cầu cứu của con gái đến đón với lý do bị nhóm bạn chặn đường đánh. “Năn nỉ mẹ. Con ở trên lớp, mẹ đến thì con mới phi xuống…”, một trong những tin nhắn cầu cứu của con gái gửi đến mẹ. Theo chị V., sau vụ việc lần đó, chị đã điện thoại phản ánh trực tiếp cho cô giáo chủ nhiệm...

Tiến Hùng