Huyện Tân Kỳ trọng thể kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Phạm Bằng 18/04/2023 22:09

(Baonghean.vn) - Tối 18/4, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Kỳ trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện (19/4/1963 - 19/4/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đinh Như Hoan - Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Trung tướng Trần Võ Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4; cùng các đại biểu các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Trọng Hoàng - Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; Đại tá Phan Đại Nghĩa - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; Phan Đức Đồng - Bí thư Thành uỷ Vinh; cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo huyện Tân Kỳ qua các thời kỳ.

Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

60 NĂM XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG CỦA MUÔN QUÊ

Ngày 19/4/1963, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam) ban hành Quyết định số 52-CP chia 3 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu thành 7 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Từ đây, huyện Tân Kỳ chính thức trở thành một đơn vị hành chính trên bản đồ Việt Nam.

Ngày đầu mới thành lập, huyện Tân Kỳ có 13 xã, trong đó 3 xã được tách ra từ huyện Anh Sơn, 10 xã còn lại được tách ra từ huyện Nghĩa Đàn. Qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay toàn huyện có 22 xã, thị trấn với tổng dân số trên 150.000 người, là quê hương của muôn quê.

Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Tân Kỳ trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Thanh Bảo - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh, trong chiến tranh, Tân Kỳ là hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho tiền phương. 1.286 người con của quê hương Tân Kỳ đã hy sinh anh dũng và trên 1.400 người đã gửi lại một phần xương máu trên các chiến trường ác liệt.

Sau ngày đất nước thống nhất và trong công cuộc đổi mới, từ trong hoang tàn, đổ nát, Tân Kỳ đã có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết toàn dân, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ đến theo dõi lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

Từ điểm xuất phát thấp, là một huyện miền núi nghèo, kinh tế chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, Tân Kỳ từng bước vươn lên xây dựng nền sản xuất hàng hóa tập trung. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%, quy mô kinh tế đứng thứ 4 trong 11 huyện thị miền núi của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2022 đạt 44,2 triệu đồng.

Dự kiến đến hết năm 2023, toàn huyện có 17/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 sản phẩm OCOP 3 sao. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, mở rộng từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển; hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều dự án được triển khai. Tân Kỳ đang là địa bàn hấp dẫn về đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông - lâm kết hợp.

Đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ đến theo dõi lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều thành quả đáng tự hào, với tỷ lệ 86.3 trường học đạt chuẩn quốc gia, là điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh nhà. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đặc biệt chú trọng, an ninh trật tự được giữ vững.

Ghi nhận những hy sinh và đóng góp to lớn trong 60 năm qua, tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; đón nhận Bức trướng của Tỉnh uỷ- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tặng với nội dung: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Kỳ: 60 năm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển".

XÂY DỰNG TÂN KỲ SỚM TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA KHU VỰC MIỀN TÂY NGHỆ AN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu rất đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tân Kỳ đã đạt được trong suốt chặng đường 60 năm qua.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

Để xây dựng huyện Tân Kỳ ngày càng vững mạnh, giàu đẹp hơn, sớm trở thành huyện phát triển toàn diện của khu vực miền Tây Nghệ An, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Kỳ tiếp tục thực hiện Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm; tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển các sản phẩm mà huyện có lợi thế.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phạm Bằng

Tập trung thực hiện công tác quy hoạch vùng huyện một cách toàn diện, khoa học, phù hợp với yêu cầu phát triển đặc thù của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị để tạo ra diện mạo mới cho Tân Kỳ phát triển thuận lợi. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực Tân Kỳ có lợi thế, trong đó cần xác định rõ thứ tự ưu tiên như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, may mặc.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bức trướng của Tỉnh uỷ- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phạm Bằng

Mặt khác, huyện cần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tận dụng các tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá - lịch sử. Quản lý và sử dụng hợp lý có hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phát biểu đáp từ. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng đề nghị Tân Kỳ tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Giữ vững mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội.

Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phạm Bằng

Chăm lo xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh, toàn diện, trong đó tập trung và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, phương pháp chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng của các phong trào.

Phạm Bằng