Trẻ em thành Vinh 'khát' sân chơi đúng nghĩa

Tùng Linh 24/04/2023 07:00

(Baonghean.vn) - Kỳ nghỉ hè sắp đến, việc cho trẻ vui chơi ở đâu lại trở thành vấn đề “nóng” trong các hội phụ huynh. Nhìn vào thực tế, Vinh là đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ nhưng sân chơi trẻ em lại thiếu, đã vậy chất lượng công trình xuống cấp, không gian chật hẹp và thiếu sức hút.

Sân chơi trẻ em “yếu” cả số lượng lẫn chất lượng

Khi tiếng ve gọi hè đang rộn ràng trên các con phố, trẻ em háo hức với những ngày tạm rời xa sách vở thì các bậc phụ huynh thành Vinh lại tỏ ra băn khoăn trong việc tìm kiếm sân chơi cho con em mình.

Cả thành phố hiện tại chỉ có khoảng trên dưới 5 công trình vui chơi lớn như quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng. Nhưng những nơi này không được gọi là sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em khi không gian được chia đều cho cả thanh niên, người già, thiếu các trò chơi vận động hấp dẫn cho trẻ…

Hình ảnh xuống cấp tại một trong những công viên hiếm hoi của thành phố. Ảnh tư liệu

Để đáp ứng nhu cầu vận động của con trẻ, một trong những điểm vui chơi thường được các bậc phụ huynh lựa chọn là khuôn viên các chung cư, khu đô thị. Những nơi này thường được quy hoạch tiện ích phục vụ trẻ em song thực tế các trò chơi còn thiếu sự phong phú, chưa kể do mật độ sử dụng cao nên tình trạng xuống cấp xảy ra rất nhanh chóng, dẫn đến hỏng hóc lớn.

Những gia đình có điều kiện có thể đưa trẻ đến trung tâm giải trí nhưng những trò chơi tại đây thường chỉ phù hợp với trẻ nhỏ và chỉ bó hẹp trong nhà. Ảnh Internet

Với những trẻ lớn hơn, điều dễ nhận thấy hiện nay là các mầm non tương lai đang sử dụng lòng đường, vỉa hè làm sân chơi chính. Đá bóng, cầu lông, patin…, những môn thể thao yêu thích đang diễn ra hàng ngày song song với hàng xe cộ đi lại trên đường phố, để lại câu hỏi đau đáu “Bao giờ trẻ em thành Vinh mới có thật nhiều sân chơi đúng nghĩa?”.

Trẻ vui chơi ngoài đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Tùng Linh

Trăn trở của phụ huynh và ước mơ của mỗi đứa trẻ

Trẻ em thành Vinh đang thiệt thòi hơn trẻ em các tỉnh, thành khác về đời sống tinh thần. Đó là nhận định của anh Minh Lý (38 tuổi, phường Cửa Nam, TP Vinh) - một nhà giáo dục kiêm phụ huynh của hai đứa trẻ 5 và 7 tuổi.

“Trong khi tại nhiều thành phố khác, trẻ em được chạy nhảy trong công viên rộng lớn, xanh mát, chơi những trò chơi hấp dẫn mỗi ngày thì con em chúng ta lại tiếp tục thu mình trong bốn bức tường hoặc chơi đùa tại một nơi tự phát nào đó trong tâm lý lo sợ của phụ huynh. Nhiều lúc thấy hai con chạy nhảy với bạn bè trong hành lang chung cư, hoặc lớn lên mỗi ngày trên chiếc xích đu hoen rỉ dưới sảnh toà nhà là mình lại chạnh lòng”.

Trẻ em phải tìm đến các khu đất hoang, bỏ trống để vui chơi. Ảnh: Tùng Linh

Chị Thu Hằng (phường Hưng Bình, TP Vinh), người mẹ có con gái 10 tuổi chia sẻ: “Cuối tuần tôi luôn muốn dành thời gian đưa cháu đi chơi, gắn kết tình cảm hai mẹ con nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có đến quảng trường đi dạo, chứ tại khu vui chơi thì rất hiếm trò chơi phù hợp với lứa tuổi của cháu. Cảm thấy ngột ngạt, không thoải mái bởi không gian chật hẹp tại các khu vui chơi của trung tâm thương mại, cùng với đó là tiếng la hét, ồn ã. Nhiều khi muốn cho con được gần gũi với thiên nhiên như đi dã ngoại, cắm trại hoặc đến sở thú thì phải di chuyển đến Diễn Châu, Đô Lương… khá xa xôi và vất vả”.

Có sân chơi đúng nghĩa không chỉ là mong muốn của phụ huynh mà còn là ước mơ từ trong sâu thẳm mỗi đứa trẻ.

Hoàng Anh, một học sinh lớp 8 kể lại: “Cháu rất thích chơi bóng rổ nên thường đi chơi với các bạn. Nhưng mỗi lần như vậy là cứ 10 phút mẹ cháu lại gọi điện kiểm tra, khiến cháu không thể tập trung chơi được. Lúc nào mẹ cũng sợ xe cộ qua lại gây nguy hiểm cho chúng cháu, hoặc chúng cháu lỡ làm bóng rơi trúng vào người đi đường. Cháu ước có một cái sân thật rộng để cháu có thể ném bóng thoả thích”.

Thành phố cần thêm nhiều những không gian vui chơi hoà mình với thiên nhiên dành cho trẻ em.

Giống như mong ước của Hoàng Anh, Minh Châu cũng thường mơ về một không gian rộng lớn có trò chơi zipline (đu dây khám phá) mà em ưa thích. “Cháu rất thích nghỉ hè vì cháu sẽ được bố mẹ đưa đi Quảng Bình chơi zipline. Nhưng em họ cháu ở Hà Nội kể rằng, em được chơi trò đó ngay gần nhà vào mỗi cuối tuần nên cháu cũng rất muốn được chơi những trò khám phá như vậy ngay tại Vinh mà không phải đi xa đến tận mấy trăm kilomet”.

Có thể thấy sân chơi không chỉ là nơi để trẻ chạy nhảy, vui đùa mà còn là yếu tố giúp trẻ phát triển tinh thần, tăng hiểu biết và tính kết nối xã hội. Hy vọng thành phố Vinh sẽ sớm có thật nhiều sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em, để các búp măng non được trưởng thành với sự toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.

Tùng Linh