Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo

Tiến Đông 26/04/2023 15:01

(Baonghean.vn) - Nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và tham gia tố tụng hành chính, dân sự là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tại một số địa phương, người đứng đầu đã “bỏ quên” nhiệm vụ của mình.

Kiểm tra ra sai phạm

Những tháng cuối năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện một số nhiệm vụ về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng hành chính, dân sự và ban hành một số quyết định, văn bản hành chính của lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với nhiều địa phương. Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đều có những sai phạm liên quan đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tại huyện Quỳnh Lưu, theo kết quả của đoàn kiểm tra, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2022 đã có 5 văn bản liên quan đến 2 vụ việc công dân khởi kiện tại xã Quỳnh Tân và Quỳnh Nghĩa bị hủy bỏ bởi bản án của tòa án nhân dân.

Trụ sở tiếp công dân của huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đã xác định trách nhiệm liên quan đến vụ việc công dân tố cáo ông Đào Xuân Sơn, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu thực hiện sai các quy định của Nhà nước về Luật Đất đai. Cụ thể, ông Sơn đã ký phiếu trả hồ sơ xin công nhận hạn mức đất ở của các hộ gia đình bà Nguyễn Thị Cầm, ông Nguyễn Quảng, ông Nguyễn Quế, ông Đặng Duy Huy và ông Thái Phúc Tăng ngày 15/5/2017. Tuy nhiên, như phía Thanh tra tỉnh kết luận: Luật Đất đai năm 2013 không có quy định về việc thửa đất sử dụng trước năm 1980 đề nghị công nhận lại hạn mức đất ở phải có các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo quy định của UBND tỉnh thì 5 hộ gia đình nói trên đủ điều kiện công nhận lại hạn mức đất ở. Việc ông Đào Xuân Sơn trả lại hồ sơ là không đúng...

Ngay thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã thực hiện kiểm điểm đối với ông Đào Xuân Sơn và ông Hồ Mậu Hùng – chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường. Nhưng các cá nhân có liên quan trong việc tham mưu sai cho UBND huyện Quỳnh Lưu ban hành kết luận trả lời đơn thư của công dân thì lại chưa bị xử lý.

Người dân xã Tiến Thuỷ (Quỳnh Lưu) phản ánh vấn đề cấp đổi Giấy CNQSDĐ còn nhiều bất cập. Ảnh: Thanh Toàn

Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2022 tại huyện Quỳnh Lưu có 12 vụ án hành chính, dân sự, liên quan đến trách nhiệm trong tham gia tố tụng của UBND huyện. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Tòa án nhân dân tỉnh thì UBND huyện Quỳnh Lưu đã không ủy quyền tham gia tố tụng 6 vụ án; không tham gia đối thoại 7 vụ án mà không có lý do; không tham gia phiên tòa 4 vụ án mà không có lý do; không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định trong 5 vụ án.

Trước những cáo buộc sai phạm, đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu khẳng định có gửi các văn bản ủy quyền; văn bản đề nghị xin vắng mặt các phiên đối thoại và đã gửi cho tòa án qua đường bưu điện, tuy nhiên, không kiểm tra việc tòa án có nhận được hay chưa và cũng không thông tin với tòa án.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra cũng phát hiện trong 7 vụ án xin vắng mặt đối thoại, có 3 vụ án hành chính mà UBND huyện Quỳnh Lưu là bị đơn, người tham gia tố tụng là ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện (2 vụ) và ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện (1 vụ), nhất thiết phải tham dự các phiên đối thoại, chỉ được phép đề nghị xin hoãn với lý do đặc biệt và phải tham gia tại phiên đối thoại tiếp theo. Nhưng đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu lại làm giấy đề nghị vắng mặt đối thoại là vi phạm quy trình tố tụng và buộc phiên đối thoại này phải hủy bỏ do một bên không tham gia, làm ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả của vụ án.

Thậm chí trong 5 vụ án mà UBND huyện Quỳnh Lưu đã khẳng định có cung cấp tài liệu, chứng cứ, thì lại rất chậm. Điển hình như vụ án do ông Phạm Văn Nguyên (trú tại TP. Vinh) khởi kiện và được thụ lý ngày 14/1/2019 nhưng mãi đến ngày 8/10/2021 UBND huyện Quỳnh Lưu mới cung cấp tài liệu, chứng cứ (theo quy định là 15 ngày). Hay như vụ án của bà Bùi Thị Thường (nguyên đơn), được thụ lý ngày 1/4/2020 nhưng tại thời điểm kiểm tra đã 30 tháng, UBND xã Quỳnh Hồng vẫn chưa cung cấp được các tài liệu theo yêu cầu.

Chưa kể tại huyện Quỳnh Lưu từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022 có 13 vụ việc mà địa phương có chậm trễ trong việc giải quyết và báo cáo kết quả, tiến độ cho UBND tỉnh theo yêu cầu…

Chấn chỉnh việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo một cán bộ của Ban tiếp công dân tỉnh, trên thực tế hầu hết các địa phương trong diện kiểm tra đều có những sai phạm nhất định trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Cụ thể như tại TP. Vinh có nhiều văn bản chỉ đạo, giao việc của UBND tỉnh nhưng cũng bị chậm trễ trong báo cáo kết quả…

Hay như tại huyện Diễn Châu, có nhiều vụ việc người dân khiếu nại, tố cáo nhưng quá thời gian vẫn chưa giải quyết xong. Tại một số xã như Diễn Trường, Diễn Lâm có một số vụ việc người dân tố cáo, kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết hoặc chậm giải quyết nhưng không báo cáo cho cơ quan cấp trên.

Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND huyện Nghi Lộc để nắm bắt tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: Thanh Lê

Thực tế cho thấy, việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng hành chính, dân sự, có thể được thực hiện theo đúng trình tự, tuy nhiên, có một số vụ việc công dân lấy lý do không nhận được, hoặc mới nhận được văn bản hành chính, quyết định hành chính, trong khi đó các cơ quan Nhà nước không có tài liệu, văn bản chứng minh việc giao - nhận các văn bản hành chính, quyết định hành chính cho tổ chức, công dân.

Vì vậy mà ngay sau khi kiểm tra tại các địa phương, đoàn kiểm tra cũng đã kiến nghị UBND tỉnh giao cho các huyện có giải pháp chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ, chuyển đơn của UBND tỉnh và các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp trên. Cần nghiên cứu cụ thể nội dung chỉ đạo và quy định của pháp luật để có văn bản triển khai thực hiện. Trong những trường hợp mà các địa phương có quan điểm khác với ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì cần nhanh chóng có báo cáo đề xuất để có hướng xử lý. Đặc biệt các địa phương cần phải có báo cáo với UBND tỉnh tiến độ thực hiện các việc được giao và lý do giải quyết chậm, cam kết thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, cần cử 1 cán bộ có năng lực, kinh nghiệm theo dõi, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện trong việc tham gia tố tụng các vụ án hành chính, dân sự…

Ông Hồ Anh Thắng – Chánh thanh tra huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sau khi có kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn chấn chỉnh việc tổ chức tham mưu thực hiện các văn bản chỉ đạo, giao việc của UBND huyện và các cơ quan cấp trên. Địa phương cũng tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan vì đã để xảy ra các khuyết điểm mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Tại Quỳnh Lưu, một số xã có liên quan đã tổ chức kiểm điểm, còn một số phòng vẫn chưa thực hiện xong. Riêng việc tiếp công dân, tại huyện Quỳnh Lưu, vào ngày 10 và 20 hàng tháng, Chủ tịch UBND huyện sẽ trực tiếp chủ trì phiên tiếp công dân; còn việc cử 1 cán bộ đầu mối tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện trong việc tham gia tố tụng các vụ án hành chính, dân sự… thì chưa thực hiện được.

Ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu báo cáo nội dung công dân kiến nghị tại phiên tiếp công dân tháng 4/2023 của UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Để chấn chỉnh tình trạng này, vào ngày 27/3/2023 UBND tỉnh đã có Công văn số 2120/UBND-TD về việc chỉ đạo thực hiện việc giao nhận một số loại văn bản hành chính phục vụ việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố tụng hành chính. Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh: Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ngay sau khi ban hành các văn bản hành chính, quyết định hành chính có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, công dân mà các văn bản, quyết định này có thể bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật, thì cần phải tổ chức thực hiện giao văn bản, quyết định (bản chính) cho tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đồng thời lập văn bản (giấy tờ) giao - nhận. Trường hợp gửi qua đường bưu điện thì phải thực hiện hình thức gửi thư bảo đảm, ghi rõ thời gian giao nhận, họ tên, chữ ký của người giao, nhận…

Rõ ràng, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… là một chuỗi hoạt động thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ thường xuyên của lãnh đạo, người quản lý và các cơ quan, tổ chức nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu các công tác này không được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa nhân dân với các tổ chức, đơn vị.

Tiến Đông