Nghệ An: Cần khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính tại các sở, ngành
(Baonghean.vn) - Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi, để công tác cải cách hành chính có hiệu quả, các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị mình trong từng vấn đề, nội dung cụ thể.
Sáng 28/4, Đoàn Giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2022”.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: TL |
Vẫn còn "điểm nghẽn"
Báo cáo của Đoàn Giám sát về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính sau khi làm việc trực tiếp với một số sở, ngành, địa phương cho thấy: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục ở một số phòng, ban đơn vị, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Một số đơn vị đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, nhưng chưa bám sát kế hoạch đã ban hành để tổ chức thực hiện. Trách nhiệm về cải cách thủ tục hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tham mưu thực thi công vụ chưa cao, chưa chủ động đổi mới, sáng tạo.
Đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức chưa tốt, còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây nhũng nhiễu tiêu cực trong giải quyết công việc của doanh nghiệp và người dân; một số lĩnh vực chưa được giải quyết tốt, vi phạm pháp luật phải xử lý còn xảy ra nhiều.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi những vướng mắc trong công tác cải cách hành chính tại đơn vị. Ảnh: TL |
Việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập; một số thủ tục hành chính chưa được cập nhật kịp thời và công khai đầy đủ; người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 3, 4 còn hạn chế.
Máy móc, trang thiết bị, phần mềm, đường truyền Internet phục vụ cho hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND một số huyện, xã chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Đề án đô thị thông minh chưa được quan tâm đúng mức, hạ tầng thiếu đồng bộ.
Đồng chí Phạm Hồng Quang - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị công tác cải cách hành chính cần phải triển khai đồng bộ. Ảnh: TL |
Việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” còn nhiều bất cập.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã có nhiều ý kiến giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan. Đồng thời có thêm một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến các quy định của luật, của tỉnh.
Các thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh tham dự cuộc làm việc. Ảnh: TL |
Nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những mũi đột phá của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đứng thứ 14/63 tỉnh, thành, tăng 21 bậc so với năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: TL |
Đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính, đồng chí Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các ngành, các cấp rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác này vẫn còn gặp vướng mắc do nguyên nhân khách quan, nhất là quy trình, thủ tục hành chính còn chồng chéo giữa các văn bản, quy phạm pháp luật, các Luật liên quan.
“Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, để công tác này hiệu quả hơn, cần phải thực hiện đồng bộ từ các cấp, các ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân” - Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất.
Ông Phan Duy Hùng - đại diện VCCI Nghệ An phát biểu đánh giá về công tác cải cách hành chính của tỉnh. Ảnh: TL |
Làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Vẫn còn tình trạng một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính.
Thời gian qua, việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế dẫn đến số lượng người làm việc giảm, nhiệm vụ được bổ sung trong khi chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế; vẫn còn tình trạng vi phạm đạo đức công vụ; áp lực về cải cách hành chính và chuẩn xác trong công việc đối với cán bộ, công chức; hạ tầng phục vụ cho công tác cải cách hành chính còn hạn chế,…
Đoàn Giám sát HĐND tỉnh kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Ảnh: TL |
“Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo phân tích, đánh giá về kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để có giải pháp khắc phục những chỉ tiêu mất điểm. Đồng thời, Sở sẽ xây dựng, triển khai các giải pháp chấn chỉnh những tồn tại hạn chế về công tác cải cách hành chính tại đơn vị mình.” - Giám đốc Sở Nội vụ cho hay.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ với các sở, ngành về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác công tác cải cách hành chính.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận cuộc làm việc. Ảnh: TL |
Theo đồng chí Nguyễn Như Khôi, qua giám sát cho thấy, một số cấp ủy còn xem công tác cải cách hành chính là việc của chính quyền. Sự phối hợp giữa các sở, ngành còn hạn chế; tính đồng bộ của hệ thống phần mềm đang là khâu “ách yếu” trong công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.
Nhấn mạnh, để công tác cải cách hành chính có hiệu quả, các sở, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xác định rõ trách nhiệm của mình trong từng vấn đề, nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Sở Nội vụ cần xem xét trong tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh để hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chính xác, hài hòa, công bằng hơn.
Đồng thời, mong muốn các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao vị thế trong bảng xếp hạng các chỉ số liên quan đến công tác công tác cải cách hành chính của tỉnh, của Trung ương.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự cuộc làm việc. Ảnh: TL |
Đoàn Giám sát sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của lãnh đạo các sở, ngành để hoàn thiện báo cáo. Từ đó kiến nghị, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có các giải pháp nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính hiệu quả hơn.