Nghệ An tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Dân chủ ở cơ sở

Thanh Quỳnh 28/04/2023 17:01

(Baonghean.vn) - Nhiều ý kiến chất lượng đã được các đại biểu góp ý sôi nổi tại Hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân chủ ở cơ sở.

Chiều 28/4, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân chủ ở cơ sở.

Các đồng chí: Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh; Hoàng Thị Thu Hương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh đồng chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; Sở Nội vụ; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 5 Chương, 33 điều quy định về việc tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; việc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; việc biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố; quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư; tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan, đơn vị và ở doanh nghiệp nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hội thảo lần này đã có hơn 10 lượt đóng góp ý kiến đến từ các đại biểu tham dự. Trong đó, đa phần các ý kiến xoay quanh các điều từ 20 cho đến 30 của Chương 4 về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

Nổi bật, một số đại biểu quan tâm về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng ban cũng như thành viên của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Công tác xây dựng kế hoạch, phương thức kiểm tra, giám sát phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về kinh phí hoạt động của Ban giám sát Đầu tư của cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân trong dự thảo Nghị định.

Nhiều ý kiến quan trọng đến từ đại diện các sở, ban, ngành và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh liên quan đến các nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị định. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại điểm b, mục 1, Điều 10, đại biểu đến từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị bổ sung “Có sự đồng ý của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp”. Vì khi lựa chọn, giới thiệu, hiệp thương chức danh của trưởng thôn, xóm trưởng, khối trưởng để nhân dân bầu có sự chủ trì phối hợp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Cùng đó, tại điểm c, mục 2, Điều 12, đại biểu đề nghị sửa thành: Phân công Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố báo cáo nội dung kết quả thực hiện dân chủ tại hội nghị. Vì việc thực hiện dân chủ trong điều hành, hoạt động của xóm, khối chủ yếu các nội dung, như: Bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vị cấp xã, cấp xóm do nhân dân đóng góp; thực hiện các hương ước, quy ước của xóm, khối; tham gia tự quản trong việc giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; thực hiện các chế độ chính sách về an sinh xã hội.

Đại diện Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Quỳnh

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá cao những góp ý hết sức tâm huyết và có chất lượng đến từ các đại biểu. Sau hội thảo, đề nghị Ban Chính sách pháp luật – Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục nghiên cứu và tổng hợp nghiêm túc các ý kiến trên để chuyển tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian ngắn nhất./.

Thanh Quỳnh