Nghệ An phát huy thế mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn
(Baonghean.vn) - Theo dự báo, du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới trong tương lai. Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một ngành kinh tế đưa sản vật nông nghiệp, bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch.
Ngày nay, nhiều nước đã xác định du lịch nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong ngành du lịch sinh thái. Italy, Tây Ban Nha, Mỹ… là những quốc gia đi đầu phát triển loại hình này. Du lịch nông nghiệp, nông thôn giúp đưa sản vật nông nghiệp, bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch.
Du khách Pháp hào hứng khám phá vẻ đẹp đảo chè ở xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Đình Tuyên |
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã khởi sắc và có nhiều mô hình thu hút du khách trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động ở khắp các vùng miền từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, miền Trung, miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác.
Nhiều làng quê thông qua hoạt động du lịch trở nên năng động, giải quyết nhiều việc làm, giảm thiểu tệ nạn xã hội, làm cho nông thôn xanh, sạch, đẹp, khơi dậy tình yêu thiên nhiên, yêu nông nghiệp, yêu cây đa, bến nước,… Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, ruộng lúa bậc thang, vườn cam, vải chín vàng, cánh đồng hoa hướng dương khoe sắc, những dòng sông, thác nước, khe suối róc rách ngày đêm... đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm, thư giãn lý thú.
Cánh đồng lúa xã Hạnh Dịch cách trung tâm huyện Quế Phong chừng 15km. Vào mùa Thu, lúa trĩu vàng trên những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa vàng, khiến cảnh sắc của xã biên giới này trở nên mơ màng, đẹp nhất trong năm. Ảnh tư liệu: Thành Cường |
Nghệ An là tỉnh rất có tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vì có các vùng sinh thái rộng lớn, nhiều cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng, nhiều mô hình nông nghiệp được người nông dân các dân tộc anh em dày công xây dựng. Đây cũng là địa phương có nghề trồng cam, trồng chè, trồng quế, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… lâu đời, có những cánh rừng pơ mu, săng lẻ, nứa mét bạt ngàn, có những thác nước như Sao Va, Bảy Tầng, Khe Kèm… thơ mộng, có những bản người Thái với nếp nhà sàn cổ xinh đẹp… nếu được đầu tư, quy hoạch bài bản sẽ là những điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số mô hình, điểm đến còn mang tính tự phát của người dân, hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng tốt. Quy hoạch, cơ chế, chính sách chưa được các cấp, ngành chức năng quan tâm đúng mức.
Đoàn công tác Tổng Cục Du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất đặc sản tương Nam Đàn, tháng 12/2020. Ảnh tư liệu: Tường Anh |
Để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư đồng bộ về mọi mặt. Trước hết là thay đổi mạnh mẽ nhận thức để coi trọng, đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào chương trình du lịch nhằm quảng bá rộng rãi, góp phần làm phong phú thêm du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Bên cạnh đó, cần đầu tư mở các lớp ngắn ngày đào tạo, tư vấn, tập huấn cho chủ các hộ, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các huyện, thành, thị, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển loại hình này. Sớm xây dựng, bổ sung quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách bài bản trong tổng thể quy hoạch du lịch của tỉnh.
Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phát huy tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan, phong tục, tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Tổ chức khảo sát các mô hình đã có và khuyến khích các chủ hộ, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới các mô hình để thu hút du khách; hình thành và tổ chức khoa học các tour, tuyến du lịch trong tỉnh.
Các điểm đến như đảo chè Thanh An (Thanh Chương), Hòn Mát (Nghĩa Đàn), khu du lịch Lâm Khang (Quế Phong), vườn đào, mận Mường Lống (Kỳ Sơn), bản Thái cổ Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Xiềng, Khe Rạn (Con Cuông),… cần được bổ sung, đầu tư hạ tầng, hoạt động dịch vụ để hấp dẫn du khách hơn. Quan tâm sưu tầm những truyền thuyết, bài hát, điệu múa của các dân tộc Thái, Mông, Ơ Đu, Mường, Khơ mú,… ở miền Tây để khai thác, giới thiệu.
Trải nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở điểm du lịch cộng đồng bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Xuân Nhường |
Cần thay đổi cách thức quảng bá, thúc đẩy chương trình của tỉnh về xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn đều tạo được dấu ấn riêng nhằm khơi dậy được sự hỗ trợ, đoàn kết của cộng đồng trong hoạt động du lịch. Đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa các cộng đồng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp du lịch lữ hành. Gắn du lịch nông nghiệp, nông thôn với phát triển, tuyên truyền, quảng bá nông sản, dược liệu địa phương, các sản vật, hàng thủ công mỹ nghệ, các món ăn độc đáo từng vùng, miền, các dân tộc thiểu số,...
Tỉnh và các huyện, thành, thị cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo môi trường tốt nhất để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch như quản lý quy hoạch, môi trường, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự,…
Du khách đến thưởng ngoạn cánh đồng hoa ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và phát huy sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, của mỗi người dân, nhất định du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng của tỉnh sẽ có bước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.