U22 Việt Nam - U22 Lào: Thắng 2 bàn và… nỗi lo nhân đôi

Bùi Hoa 01/05/2023 08:57

(Baonghean.vn) - Một cữ dượt nhẹ nhàng nếu chỉ nhìn vào bảng tỷ số, nhưng thực tế màn ra quân gặp Lào tại SEA Games 32 lại là một trận đấu toát mồ hôi và về cuối càng khiến người xem bất an của U22 Việt Nam trước một đối thủ lâu nay chúng ta chỉ cần dùng đội hình 2 cũng đủ sức thắng dễ.

Không hiểu sao HLV Philippe Troussier cất Văn Khang, Văn Trường và Công Đến khi tung vào trận một hàng tiền vệ “lạ hoắc” với cặp trung tâm Đức Phú - Thái Sơn? Có thể việc ông tung Văn Tùng vào từ đầu để tiền đạo này “mở hàng” bằng bàn thắng bằng đầu ở ngay phút thứ 2 là để tạo ra bất ngờ, là đúng vì nói cho cùng vị trí này được chơi gần cầu môn đối phương nhất nên gần với cơ hội ghi bàn nhất. Văn Tùng đã làm được điều cần làm nhưng anh không thể tạo ra nổi một áp lực cần thiết lên hàng phòng ngự đối thủ lại là điều khiến chúng ta thất vọng.

Điều khó hiểu thứ hai là sau hiệp 1 vừa ghi được bàn thắng, vừa giữ được thế trận, không hiểu sao từ đầu hiệp 2 ông Troussier lại rút hậu vệ biên phải Văn Cường cùng trung vệ lệch phải Tiến Long rời sân? Văn Cường chơi ổn trong hiệp 1 khi phòng ngự kín kẽ, tích cực lên tham gia tấn công bên cánh phải. Dù chưa phải là những đường chuyền hay pha leo biên đều tốt nhưng nhìn chung cánh do Văn Cường đảm trách không bị ép và rối loạn so với cánh đối diện.

U22 Lào gây ra nhiều khó khăn cho U22 Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Nếu Văn Chuẩn không bắt dính cú sút từ pha phối hợp mà Tuấn Tài không thể ngăn cản thì U22 Việt Nam đã bị gỡ hòa ở hiệp 1. Nói thế để thấy, vấn đề nếu có của tuyến phòng ngự là ở cánh trái, nơi trung vệ lệch trái Tuấn Tài và Văn Đô đảm trách, chứ không phải cánh phải, vậy vì sao lại thay Văn Cường là điều rất khó nói! Tương tự, Tiến Long có thể không xuất sắc nhưng việc bị thay ra sớm cũng là điều rất đáng băn khoăn.

Ở hiệp 1, chúng ta có cảm giác ông Troussier không tung ra đội hình mạnh nhất khi cất cả Văn Khang lẫn Công Đến. Nhưng rồi từ đầu hiệp 2, ông Troussier tung Quang Thịnh vào sân để chơi trung vệ giữa, đẩy Duy Cương sang phải và Tuấn Tài bên trái như thường lệ. Ông thầy điều chuyển Đức Phú sang chơi hậu vệ biên phải thay thế Văn Cường, đưa Công Đến thay vị trí của chính Đức Phú.

Kết quả là Công Đến chơi mờ nhạt, chuyền hỏng, mất bóng dẫn đến U22 mất thế trận trước đối thủ càng chơi càng hưng phấn. Để rồi chỉ có xà ngang và… Văn Chuẩn cùng với sự vô duyên của các tiền đạo Lào mới giúp U22 Việt Nam không bị thủng lưới.

Hậu vệ Hồ Văn Cường trong trận đấu với U22 Lào. Ảnh: Hải Hoàng

Khi Văn Khang rồi Xuân Tiến vào sân, thế trận cũng không khá hơn cho U22 Việt Nam. Văn Khang hoán đổi phải – trái liên tục và có đường chuyền thuận lợi để Quốc Việt “gà son” ghi bàn ở đúng phút 90, mang lại may mắn cho thầy trò ông Troussier. Một trận thắng về kết quả nhưng về lối chơi, về nhân sự, về thể lực… của U22 Việt Nam thì “thua” thực sự trước đối thủ được đánh giá yếu hơn là U22 Lào.

Trên thực tế, những quân bài tốt nhất của U22 Việt Nam đều đã được tung vào sân trong trận ra quân gặp U22 Lào. Các tiền đạo đều đã “nổ súng”, hoàn toàn khác với việc liên tiếp tịt ngòi trong một thời gian dài vừa qua. Nhưng xem ra, trừ Văn Chuẩn đã thể hiện được sự chắc chắn, tin cậy trong khung gỗ, hầu như các vị trí còn lại đều gây thất vọng.

Thi đấu với U22 Lào mà trung vệ Duy Cương đã bị chuột rút nằm sân về cuối trận là một điều đáng buồn về chuẩn bị thể lực. Quang Thịnh được tin dùng ở vị trí trung vệ giữa nhưng đã không cho thấy sự tin tưởng khi không chiến cũng như đảm nhiệm chốt chặn quan trọng nhất trước cầu môn nhà. Công Đến vào sân từ hiệp 2 nhưng không cho thấy bóng dáng quen thuộc của một cầu nối linh hoạt, mạnh mẽ ở giữa sân. Xuân Tiến chỉ vào sân từ phút 76, quá ít để thể hiện năng lực với vai trò tiền vệ tấn công…

Đáng lẽ một trận thắng nhẹ nhàng đồng nghĩa với niềm tin, nhưng đáng tiếc U22 Việt Nam lại đem đến một nỗi lo thực sự, bởi U22 Lào sẽ không phải là đối thủ cỡ U22 Singapore hay U22 Thái Lan sắp tới, bởi không phải lúc nào may mắn cũng đồng hành. Có vẻ như những gì từng thể hiện trong 2 tháng qua, ở Doha Cup hay các trận giao hữu trước giải là một bộ mặt chung, một kết quả cụ thể, mà không hề là sự giấu bài hay úp mở gì khác của ông thầy mới và bài vở mới không đúng lúc, đúng chỗ?

Cứ cho là U22 Việt Nam muốn kiểm soát bóng, muốn chơi chủ động nhưng đã không thể chứng minh được điều gì trước một đối thủ không đến mức quá mạnh. Tuấn Tài hay Duy Cương cũng không biết phối hợp với ai để đưa bóng lên, lại phải chuyền dài vô vọng như một cách phá bóng và bị đối phương “dội” lại rất khó xử lý ở bước tiếp theo.

Không có một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa, không có một nhà tổ chức cần có, áp lực lên bộ ba trung vệ và cả thủ môn đã là rất lớn khi chỉ phải gặp U22 Lào. Còn nếu đối thủ là U22 Thái Lan, thật khó nghĩ, khó nói là U22 Việt Nam sẽ “hóa giải” kiểu cách gì đây để… sống sót an toàn?

Gay go rồi đây ông Troussier, nếu thực sự mới đá 1 trận mà nhà đương kim vô địch môn bóng đá nam SEA Games đã mướt mồ hôi chống đỡ, đổ máu, chuột rút, lộ hết bài vở và cuối cùng là “tặng” người hâm mộ nỗi lo… to tướng lơ lửng ở ngay trước mặt?

Bùi Hoa