Câu chuyện xứ Nghệ - 'Một chút tâm tình' của Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi đến xứ Nghệ thân thương

Lê Minh Hoan 01/05/2023 09:05

Một chút tâm tình của người Đồng Tháp Sen Hồng xin gửi đến xứ Nghệ thân thương.

“Từ trong ca dao đường vô xứ Nghệ

Nét đẹp quê mình trong điệu ví câu ca”.

Sen hồng trên mảnh đất Kim Liên quê Bác. Ảnh tư liệu

Viết về vùng đất với bề dày trầm tích lịch sử nghìn năm như xứ Nghệ quả thật là điều rất khó. Đôi dịp đến thăm Cửa Lò, Cửa Hội, tìm về Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Đô Lương một thời khói lửa, dừng bước ngắm nhìn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu ngày mới, vẫn luôn được nghe được kể những câu chuyện mới, những chất liệu quý về mảnh đất, con người, cảnh sắc, văn hoá xứ Nghệ. “Ân tình răng mà thương mà nhớ”, xin góp đôi dòng cảm nhận với Nghệ An quê mình, với Rú Nguộc - “bom trăm trận không sờn vách núi”, với “Sông Lam ai bới, ai đào mà sâu”.

Cứ mỗi dịp tháng Năm về từng dòng người lại về với quê Bác, ở đó có những căn nhà tranh đơn sơ, mộc mạc gắn liền với tuổi thơ của vị cha già dân tộc. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Từng một thời ngày hai buổi cắp sách đến trường, có học sinh Việt Nam nào không thuộc lòng câu ca dao: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”? Đã mang dòng dõi Việt, ai ai không mong một lần hành hương về thăm quê Bác – Làng Sen. Nghệ An – vùng đất “tựa sơn, hướng thuỷ” hội tụ đầy đủ đặc điểm địa hình: núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển. Nghệ An – vùng đất “nhân kiệt” - một phần của Hoan Châu ngày xưa, nơi sản sinh các bậc anh hùng nghĩa sĩ, các bậc văn nho, thi phú tài danh. Nghệ An – “đất học”, mỗi khi nhắc đến, thường nghĩ về hình ảnh của những “Ông Đồ xứ Nghệ”, của những tấm gương nhắc nhau “muối mặn gừng cay”, quyết chí vượt khó vươn lên.

Câu ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, không chỉ là nỗi niềm, mà còn là hoài niệm, về với làng tương Nam Đàn, thưởng thức vị mặn giòn truyền thống của cà nén, vị dịu thơm của nhút Thanh Chương. Người xứ Nghệ lớn lên trong những nếp nhà, bên những chum tương, vại cà, lọ nhút đơn giản như vậy mà hun đúc dũng khí đối chọi với thời tiết khắc nghiệt, với bão giông, với giặc ngoại xâm. Người xứ Nghệ lớn lên theo nhịp võng đưa, với những lời ru, câu hò ví dặm: "Anh qua bao miền quê, câu hò theo chân bước, chiều ni nghe em hát, mà bồi hồi con tim".

Hồ sen trong khuôn viên quê nội Bác. Ảnh tư liệu

Có phải vậy chăng mà người xứ Nghệ chấp nhận đi xa. Đi xa, đi đâu nhưng rồi cũng “răng mà thương mà nhớ” quê nhà. Người xứ Nghệ đi xa để biết thế giới mênh mông khôn cùng, để tầm nhìn vượt qua không gian 16.500 cây số vuông, với rừng núi chập chùng. Người xứ Nghệ đi xa để khám phá những điều mới mẻ và làm cho quê hương ngày càng mới mẻ. Người xứ Nghệ đi xa, để trở về, để kể lại những điều khác lạ, thú vị bên ngoài vùng đất có diện tích lớn nhất Việt Nam. Một doanh nhân - nông dân quê hương Nam Đàn, xứ Nghệ vào tận “thành phố ngàn hoa” làm giàu nhờ vào ý chí, nghị lực, tư duy làm nông tích hợp đa giá trị, hướng đến nông nghiệp xanh. Nhiều doanh nhân đi bốn phương, để khẳng định cốt cách của những người luôn biết cách vượt qua chính mình. Người xứ Nghệ đi xa là để trở về, hợp lực với những người ở quê tất bật cho những công trình mới, dự án mới, chương trình mới.

Cam Vinh. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Nhiều người xứ Nghệ trăn trở: “Nông nghiệp quê tôi cái gì cũng có, mà nhìn tới nhìn lui hình như chẳng có gì”. Có phải vậy chăng? Hình như xứ Nghệ có nhiều lắm: Cốt cách con người, bản sắc văn hoá, tài nguyên bản địa, non xanh nước biếc… Nhiều xứ sở chỉ nhờ vào yếu tố con người đã biến không thành có, biến những bất lợi thành lợi thế, biến điều không thể thành điều có thể. Có những biểu tượng quốc gia khởi nguồn từ những sản phẩm truyền thống ở một làng quê: kim chi Hàn Quốc, kiwi của New Zealand, bánh Mochi của Nhật Bản… Nhiều vùng đất khuất nẻo nhất, người ta cũng biết cách thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến trải nghiệm. Nhiều đất nước gìn giữ, chăm chút truyền thống lịch sử, biến thành niềm tự hào cho người dân. Bản sắc văn hoá, cố kết cộng đồng xã hội được xem là nguồn vốn quý báu. Xứ Nghệ luôn dồi dào nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn xã hội đậm đà bản sắc!

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sách Nguyễn

Đôi khi con người dễ bỏ qua những điều tưởng chừng bình dị, nhỏ nhắn quanh mình, nhưng nếu biết chăm chút bằng niềm tự hào và kiên trì gầy dựng, rồi sẽ đến ngày biến thành những giá trị lớn lao. Có người đúc kết rằng, không có gì nhỏ bé cả, chỉ là chưa biết nhìn ra giá trị ẩn chứa bên trong mà thôi. Chỉ riêng quả cam thôi, Nghệ An có cả dòng cam đặc sản nức tiếng, một thời “tiến vua”: Cam Vinh, cam Quỳ Hợp, cam Xã Đoài… Nhiều người tự hào về hạt lạc xứ Nghệ, vừa có ưu thế về sản lượng vừa có hương vị béo ngậy nhờ chất đất, chất nắng và kinh nghiệm của nông dân bao đời, từ đó, làm nên các loại tương, bánh kẹo, sản phẩm OCOP đặc biệt được ưa chuộng gần xa.

Nông sản trở thành đặc sản bởi con người. Những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra cũng bởi con người. Ngược lại, đặc sản, sản phẩm nông nghiệp giảm dần về diện tích, kém dần về chất lượng cũng do con người. Đất sản xuất manh mún, cách làm ăn riêng rẽ, tự phát chính là nguyên nhân dẫn đến những hệ luỵ trước mắt lẫn lâu dài, để rồi có những đặc sản từng là niềm tự hào địa phương phai nhạt dần trong nỗi niềm nuối tiếc. Để hoá giải những hạn chế đó, không có cách nào khác ngoài việc tổ chức lại sản xuất, hợp tác giữa những người sản xuất, hình thành những tổ chức nông dân, hiệp hội, liên minh ngành hàng, chuẩn hoá quy trình sản xuất. Tín hiệu đáng mừng là ngành nông nghiệp Nghệ An đang thực hiện những điều đó, theo đuổi mục tiêu bền vững.

Sen hồng trên quê hương Đồng Tháp. Ảnh: CTTĐT Đồng Tháp

Tri thức hoá nông dân, nâng cao năng lực các tổ chức xã hội nghề nghiệp, định vị và kết nối thị trường là hướng đi đã rõ, nhưng cần kiên trì, linh hoạt, phù hợp với quy mô sản xuất, thích ứng với xu thế nền nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ. Tư duy tích hợp đa giá trị phải thấm đẫm vào chủ trương, kế hoạch hành động, từ lãnh đạo đến nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đất đai đâu chỉ dành cho sản xuất, mà còn có thể trở thành tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn. Những điểm du lịch sinh thái có thể được tạo dựng từ ao sen, mặt nước, sông hồ, trang trại, cánh đồng muối, khu thực hành nông nghiệp... Kinh tế biển đâu chỉ có khai thác, mà còn là nuôi trồng thuỷ sản, rong tảo, các loài nhuyễn thể…

Hình ảnh chiếc cốc nước hoặc nửa đầy, hoặc nửa vơi luôn gợi lên suy ngẫm. Nếu chỉ nhìn vào những điều không có, những điều đã mất đi, sẽ dễ chìm đắm vào cảm xúc tiêu cực. Ngược lại, nếu biết trân quý từ điều nhỏ nhất, tìm kiếm cơ hội, thì hoàn toàn có thể gầy dựng, kiến tạo nên những giá trị cao hơn nhiều lần. Sao lại không tận dụng tất cả những điều đang có, để tự tin đạt được những điều chưa có?

Tạm xa xứ Nghệ, lòng vẫn nhớ thầm câu đối: “Gieo hạt Nghệ An lưu dấu Cụ. Nở hoa Đồng Tháp nhớ ơn Người”. Một chút tâm tình của người Đồng Tháp Sen Hồng xin gửi đến xứ Nghệ thân thương. Và còn đấy, lời hẹn về chuyến thăm miền núi phía Tây xứ Nghệ, về với khởi nguồn của dòng sông Lam “biết khi mô cho cạn”!

Lê Minh Hoan