Cần siết chặt quản lý hoạt động thu mua phế liệu
(Baonghean.vn) - Hoạt động thu mua phế liệu là loại hình kinh doanh giúp làm sạch môi trường, tiết kiệm tài nguyên, đồng thời là “cần câu cơm” của nhiều người lao động. Thế nhưng, loại hình kinh doanh này đang bộc lộ một số bất cập, tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Tồn tại nhiều bất cập
Vào ngày 2/4/2023, một vụ nổ lớn xảy ra ở xưởng gara ô tô Lê Hiển đóng ở xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu) đã khiến 2 nạn nhân tử vong và 4 nạn nhân bị thương nặng. Điều đáng nói, sự việc xảy ra khi anh Lê Tiến H. (chủ xưởng gara ô tô) được người hàng xóm hành nghề thu mua phế liệu nhờ cưa cục sắt không rõ nguồn gốc.
Vụ nổ lớn xảy ra tại gara ô tô thuộc xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu khiến 2 người tử vong, 4 người bị thương. Ảnh: CSCC |
Vụ nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý các điểm thu mua phế liệu hiện nay. Kinh doanh, thu mua phế liệu là một trong những ngành nghề rất phổ biến. Mặt tích cực là góp phần không nhỏ trong việc giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc thu gom, phân loại tái chế, tái sử dụng các loại rác thải sinh hoạt hữu ích, giảm lượng rác thải phải xử lý. Tuy nhiên, nếu không làm tốt công tác quản lý ngành nghề này thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đời sống cộng đồng.
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Nghệ An hiện có hàng trăm điểm kinh doanh phế liệu nằm trong khu dân cư. Thế nhưng, phần lớn đều là các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nằm xen kẽ trong khu dân cư, diện tích nhỏ hẹp hoặc thậm chí tận dụng vườn nhà, đất còn trống để làm bãi. Phế liệu được để ngoài trời, ngấm vào lòng đất, mùa nắng nóng bốc mùi hôi thối, gây độc hại cho người lao động và người dân trong khu vực.
Bên cạnh việc ảnh hưởng môi trường, mỹ quan trong khu vực dân cư, hầu hết tại các điểm thu mua phế liệu hiện nay đều không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC, hệ thống đường dây điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt, dễ xảy ra chập cháy, thậm chí cả trong kho hàng chật hẹp, nhiều loại được thu mua có nguy cơ cháy nổ cao như ti vi, tủ lạnh, bình oxi cũ… được bày ngổn ngang, tiềm ẩn hiểm họa khó lường.
Dạo một vòng quanh khu vực Bến xe chợ Vinh (thuộc phường Vinh Tân, thành phố Vinh), không khó để bắt gặp những điểm thu mua phế liệu với hàng trăm loại phế liệu chất đống ngổn ngang, bốc mùi khó chịu. Vốn là cửa ngõ buôn bán, trao đổi hàng hóa trên địa bàn nên khu vực này được xem là “lãnh địa” của những người mua bán, thu gom phế liệu hàng chục năm nay.
Cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người dân. (Trong ảnh: Cơ sở thu mua phế liệu nằm trên đường Lê Huân kéo dài). Ảnh: An Quỳnh |
Theo tìm hiểu, có khoảng gần 20 cơ sở buôn bán, thu gom phế liệu tồn tại trên địa bàn phường Vinh Tân. Những chủ cơ sở này chủ yếu từ nơi khác đến, không có quy hoạch từ trước mặc dù việc thu gom phế liệu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường cao. Ví như cơ sở thu mua phế liệu nằm đầu đường Lê Huân kéo dài đã hoạt động gần chục năm nay, người dân xung quanh cho biết: Những hôm trời nắng, phế liệu nhiều chưa kịp chở đi thì bốc mùi khó chịu cả vùng. Không chỉ thế, do hoạt động thu mua, phân loại nên thỉnh thoảng ở cơ sở đó có xảy ra tình trạng chập, cháy điện rất nguy hiểm.
Diễn Châu cũng là địa bàn có nhiều hoạt động thu mua phế liệu. Một trong những địa điểm được ví là “thủ phủ” trong việc thu mua phế liệu chính là xã Diễn Hồng. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn xã Diễn Hồng có 49 hộ đăng ký kinh doanh phế liệu. Trong đó có 10 cơ sở kinh doanh, buôn bán phế liệu nhập khẩu tập trung thành Khu công nghiệp nhỏ nằm ngay cạnh Quốc lộ 1A chuyên thu gom sắt, thép phế liệu nhập cho khu công nghiệp gang thép ở tỉnh Thái Nguyên. Còn các cơ sở thu mua phế liệu khác nằm rải rác ở các xóm còn lại.
Theo sự hướng dẫn của anh Nguyễn Hồng T.- chủ cơ sở bán buôn phế liệu tại khu công nghiệp, chúng tôi đã “mục sở thị” các bãi tập kết thu mua phế liệu. Tại đây có hàng trăm loại phế liệu như máy nước, quạt, sắt vụn, bao bì,… được gom từ nhiều nơi về tập kết và phân loại. Các loại phế liệu nhập về được phân loại, xử lý, cắt ép,… rồi chuyển đi bán cho các công ty đầu mối.
Nhiều loại phế liệu được tập kết chung ở tại các kho bãi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: An Quỳnh |
Ông Nguyễn Hồng Trung - Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng cho biết: Hàng năm, chính quyền đã cho tất cả các hộ ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển các phế liệu có nguy cơ cháy nổ cao. Từ trước đến nay, trên địa bàn không xảy ra hiện tượng vi phạm kinh doanh về phế liệu là vũ khí, vật liệu nổ… Tuy nhiên, việc các chủ hộ để phế liệu tràn ra lề, lòng đường là có. Chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở bà con có khắc phục nhưng chưa triệt để.
Còn tại địa bàn xã Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu), tuy chỉ có 4 địa điểm thu mua phế liệu nhưng ngoài nỗi lo về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường thì những cơ sở thu mua phế liệu này cũng đặt ra cho chính quyền địa phương nhiều “bài toán khó” về ANTT trên địa bàn xã.
Anh Hồ Duy Thưởng - Phó Công an xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Xe đạp điện cũ, xe máy đời cũ, tất cả đều không giấy tờ cũng đang hiện diện bên cạnh những đống sắt vụn, phế liệu. Thay vì việc đem cắm ở các tiệm cầm đồ cần giấy tờ, thủ tục rườm rà thì các đối tượng trộm cắp lại lựa chọn việc đi bán tại cơ sở thu mua phế liệu. Bởi tiền trao nhanh lại không cần ký giấy, nhiều chiếc xe bị ăn trộm đã được đưa đến đây gắn mác phế liệu với giá 500 - 900 nghìn đồng.
Chế tài xử phạt còn thiếu?
Căn cứ vào Luật Đầu tư 2020 quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì hoạt động thu mua phế liệu không thuộc danh mục này, chỉ có nhập khẩu phế liệu mới là ngành nghề có điều kiện.
Việc thu mua, kinh doanh phế liệu mà không có hoạt động nhập khẩu phế liệu thì không phải là ngành nghề có điều kiện nên các cơ sở kinh doanh chỉ cần làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Bên cạnh việc đảm bảo các hoạt động về môi trường kinh doanh thì cũng cần chú ý về quy định về phòng cháy, chữa cháy, cụ thể tại điều 5, Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Trong đó, buộc các cơ sở thu mua phế liệu phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy như: có nội quy, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC; có lực lượng phòng cháy tương ứng với loại hình cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy; có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế,...
Một cơ sở đang thu mua phế liệu tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Ảnh: An Quỳnh |
Quy định là thế nhưng trên thực tế, phần lớn các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh đều chưa đảm bảo đủ các điều kiện trên. Các cơ sở hầu hết hoạt động chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường, chỉ ký cam kết bảo vệ môi trường giống như các hộ dân khác. Vì vậy, rất khó cho UBND cấp xã, phường, thị trấn là những cơ quan được giao quản lý trực tiếp các cơ sở thu mua phế liệu áp dụng chế tài xử phạt.
Không chỉ vậy, tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định rõ về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các điểm thu mua, kinh doanh phế liệu. Thế nhưng, chỉ những cá nhân, tổ chức có hoạt động nhập khẩu phế liệu (thuộc vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện) mới thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định, sẽ bị áp dụng các biện pháp như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh khi có sai phạm. Còn những cơ sở thu mua phế liệu không có hoạt động nhập khẩu phế liệu thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của Nghị định trên và chỉ do UBND cấp xã, phường quản lý.
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, các cơ sở thu mua phế liệu dưới dạng hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh đang thuộc sự quản lý của UBND cấp xã, phường quản lý. Công an địa phương phối hợp tuyên truyền cũng như kiểm tra PCCC định kỳ tại các cơ sở trên địa bàn. Thế nhưng, chế tài xử phạt vi phạm còn nhiều hạn chế khiến cho việc kinh doanh phế liệu tồn tại nhiều bất cập. Để đảm an toàn tại khu dân cư, yêu cầu UBND cấp xã, phường cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đưa các cơ sở vào danh mục kiểm tra thường xuyên. Đồng thời, tham mưu cho các cấp ủy chính quyền có văn bản hướng dẫn rõ chế tài xử phạt các cơ sở thu mua phế liệu khi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở nhằm giúp họ hiểu hơn việc thu mua phế liệu phải đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như phòng cháy, chữa cháy.
Từ thực trạng kể trên, các cơ quan, lực lượng chức năng cần có cách nhìn toàn diện hơn về loại hình kinh doanh này. Từ đó, có quy hoạch các điểm, cơ sở thu mua tập trung hợp lý và có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng thời nâng cao ý thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, PCCC cho các lao động thu gom, xử lý phế liệu, từng bước đầy lùi nguy cơ mất an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc.