Lý do cuộc phản công của Ukraine khó đánh bại quân Nga

Trung Hiếu 13/05/2023 10:00

Phương Tây bắt đầu trở nên thực tế hơn đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhiều quan chức và học giả phương Tây nhận ra rằng xác suất Ukraine đánh bại Nga trong cuộc phản công là rất thấp và cái giá mà Ukraine phải trả khi đó có thể rất đắt.

Xe tăng M1 Abrams (do Mỹ sản xuất) nã pháo. Ukraine đang rất trông chờ vũ khí này từ phương Tây. Ảnh: Lục quân Mỹ

Ukraine đang phải đối mặt với thực tế hết sức phức tạp. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong vài ngày qua đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine và cuộc phản công dự kiến của họ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ các tuyên bố đó thì chúng ta thấy, phương Tây ngày càng nhận thức rõ rằng xác suất quân đội Ukraine đẩy được quân Nga ra khỏi toàn bộ những vùng họ vừa chiếm được là rất thấp.

Do vậy, giới học giả cho rằng phương Tây cần khẩn cấp thay đổi chính sách trước khi Ukraine phải hứng chịu thêm các tổn thất trong chiến đấu và vẫn khó thay đổi được thực tế là cuộc xung đột này nhiều khả năng sẽ kết thúc thông qua thương lượng.

Điều đáng lưu ý trong tuyên bố của Mỹ

Trong vài ngày qua, một nhóm các nhà lãnh đạo cấp cao của phương Tây đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Ukraine và cuộc phản công cận kề của nước này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Anh James Cleaverly và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều phát đi các tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ bày tỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề là liệu phương Tây có theo được các tuyên bố đó hay không.

Bằng chứng đang gia tăng về việc trong thời gian còn lại của năm 2023, phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng ít khả năng có đủ sẵn kho vũ khí và đạn dược chủ chốt để cung cấp cho Ukraine tương tự như trong 14 tháng đầu tiên của xung đột Nga - Ukraine. Hôm 9/5/2023, Mỹ công bố thêm hậu thuẫn quân sự cho Ukraine, lần này dưới hình thức gói viện trợ trị giá 1,2 tỷ USD.

Điều đáng nói ở đây là viện trợ lần này không trong khuôn khổ Quyền Rút vốn của Tổng thống Mỹ mà là trong khuôn khổ Sáng kiến Trợ giúp an ninh cho Ukraine. Sự khác biệt giữa 2 chương trình này là rất lớn và phản ánh thái độ của Mỹ đối với thực tiễn chiến trường Ukraine.

Quyền Rút vốn có nghĩa rằng Tổng thống Biden có thể ra lệnh cung cấp ngay lập tức vũ khí và đạn dược đang có của Mỹ cho Ukraine. Nghĩa là, về lý thuyết, số vũ khí, đạn dược đó có thể được chuyển ra chiến trường Ukraine chỉ trong vài tuần.

Sáng kiến Trợ giúp an ninh, trong khi đó, có nghĩa rằng các hợp đồng phải được soạn, công bố, trải qua quá trình đấu thầu, rồi sau đó các công ty quốc phòng trúng thầu phải mất nhiều thời gian, có thể vài năm, để sản xuất xong vũ khí đạn dược theo đơn đặt hàng. Như vậy, theo cách này, phải tới ít nhất năm 2024, Ukraine mới may ra thấy được các lợi ích chính từ gói ủng hộ mới nhất của Mỹ.

Các quả đạn pháo do phương Tây sản xuất. Ảnh: New York Times

Anh, EU cũng ý thức rõ tình hình

Trong một cuộc phỏng vấn với Euronews vào ngày 5/5, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận: “Nếu tôi ngừng hậu thuẫn cho Ukraine, chắc chắn cuộc chiến sẽ kết thúc sớm”, bởi vì Ukraine sẽ “không thể tự vệ” và sẽ “thất thủ chỉ trong vài ngày”.

Ngoại trưởng Anh Cleaverly lạc quan nói rằng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, quân đội Ukraine đã “hoạt động hiệu quả hơn kỳ vọng”. Tuy nhiên, chính ông Cleaverly cũng kết luận với sự thận trọng tỉnh táo: “Chúng ta phải thực tế. Đây là thế giới thực tại. Đây không phải là phim Hollywood”. Đây là một tuyên bố chính xác mà giới lãnh đạo phương Tây nên xem xét các ngụ ý từ đó.

Dễ hiểu là phương Tây phản đối Nga tiến đánh Ukraine và phương Tây muốn Ukraine khôi phục lại tất cả lãnh thổ mà họ kiểm soát trước đây. Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây viết kịch bản phim, thì chắc chắn đó là cách kết thúc của bộ phim. Nhưng Ngoại trưởng Anh Cleaverly đã chỉ ra sự thật: Phương Tây phải xây dựng chính sách dựa trên việc nhìn nhận chính xác, thực tế và tỉnh táo nhất về sự thực trên thực địa và giảm càng nhiều càng tốt sự phụ thuộc vào các mong muốn chủ quan, cảm tính.

Ukraine thiếu kinh nghiệm và nguồn lực để phản công quy mô lớn

Ở đây có một số điểm cần tính.

Thứ nhất, nhiệm vụ mà quân đội Ukraine đối mặt trước khi mở cuộc phản công là rất lớn. Tác giả Daniel Davis, người từng có kinh nghiệm tác chiến tiến công bằng xe tăng trên quy mô lớn, cho rằng việc phòng thủ là điều dễ hơn nhiều so với tổ chức tấn công binh chủng hợp thành trên quy mô lớn.

Ukraine đã hứng chịu thương vong lớn trong 14 tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Hiện nay binh sĩ và sĩ quan Ukraine có kinh nghiệm chiến trận hạn chế và chỉ được đào tạo qua loa về tác chiến binh chủng hợp thành. Trong khi đó, phản công quy mô lớn đòi hỏi phối hợp chặt chẽ của mọi đơn vị trên một chiến trường rộng hàng trăm kilomet. Binh sĩ, tướng lĩnh Ukraine hiện chưa thực hiện nhiệm vụ nào với tầm vóc như vậy.

Thứ hai, Nga đã chuẩn bị các vị trí phòng thủ trên diện rộng trong hơn nửa năm, trên toàn tuyến mặt trận 1.000km. Theo một số nhà phân tích Mỹ, người Nga đã thiết kế và xây dựng một chuỗi vành đai phòng ngự rất ấn tượng mà ngay cả các đội quân phương Tây được huấn luyện đầy đủ cũng khó xuyên thủng.

Quân đội của Tổng thống Zelensky sẽ phải tấn công hệ thống phòng thủ tỉ mỉ này bằng lực lượng không quân hạn chế, phòng không hạn chế, số lượng đạn pháo thiếu thốn và một lực lượng lục quân được trang bị cả xe thiết giáp hiện đại và cũ kỹ, với nhân lực bao gồm cả lính nghĩa vụ không có kinh nghiệm trận mạc và các sĩ quan mới được NATO đào tạo cơ bản.

Một số nhà lãnh đạo Ukraine nhận thức được mức độ khó khăn của thử thách này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vào tuần trước nói với tờ Washington Post rằng ông quan ngại thế giới “đánh giá quá cao kỳ vọng từ chiến dịch phản công của chúng tôi”. Ông lo sợ sự kỳ vọng cao đó sẽ dẫn đến “thất vọng cảm xúc”. Bộ trưởng Reznikov cảnh báo mức độ thành công chỉ ở mức “10km”.

Kịch bản hậu phản công

Ông Reznikov chưa đề cập điều nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra sau đó.

Ngay cả khi Ukraine vượt quá mong đợi của phương Tây và chiếm được từ 50 - 100km lãnh thổ, số thương vong mà họ sẽ phải hứng chịu sẽ cao trong mọi kịch bản, khiến quân đội Ukraine lúc đó sẽ suy yếu hơn so với hiện nay. Như đã nêu ở trên, rất ít khả năng phương Tây có thể thay thế thiết bị hao mòn của quân đội Ukraine và cung cấp đủ đạn dược để duy trì hoạt động tác chiến của họ trong thời gian còn lại của năm nay (2023). Trong khi đó, theo Washington Post, ngoài 300.000 lính đóng ở Ukraine vào lúc này, Nga còn 200.000 quân nữa có thể vượt biên giới sang Ukraine bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, một khi Ukraine đã bung ra cuộc phản công, dù thành công hay thất bại, phía Nga cũng gần như chắc chắn sẽ tung ra cuộc phản công của riêng họ để đáp trả. Lúc đấy, Ukraine lại ở vào thế căng thẳng gồng mình chống chịu một cuộc phản công như thế, có thể trong nhiều tháng liền, trong khi họ đang thiếu đạn pháo, tên lửa và cả binh lính.

Như vậy, xác suất Ukraine tái chiếm được toàn bộ lãnh thổ họ từng kiểm soát là rất thấp. Kết quả khả dĩ là xung đột sẽ tiếp diễn bất chấp cuộc phản công sắp tới của Ukraine. Nhưng theo thời gian, tình hình có lợi sẽ nghiêng về phía Nga. Rốt cuộc, Ukraine sẽ phải tìm đến giải pháp chấm dứt xung đột thông qua đàm phán.

Nếu phương Tây nhận thức được thực tế này và ủng hộ đàm phán từ bây giờ thì Ukraine sẽ ít phải chịu một thỏa thuận bất lợi hơn trong tương lai./.

Trung Hiếu