Nỗ lực thay đổi môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em
(Baonghean.vn) - Nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em. Bởi vậy, một trong những chương trình, nội dung công tác của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An là tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Huyện Yên Thành chung kết hội thi Gia đình hạnh phúc và tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023. Ảnh: CSCC |
Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ
Sau khi lấy chồng, nhiều người vẫn mừng thầm cho chị N.T ở xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu) có cuộc sống khá viên mãn. Thế nhưng, khi sức khỏe của 2 đứa con không được tốt, công việc làm ăn của gia đình gặp nhiều khó khăn thì tính nết của chồng chị thay đổi, thường xuyên chán nản, cục cằn, sẵn sàng bạo hành vợ.
Cứ nghĩ mình sẽ “ngậm đắng, nuốt cay”, cam chịu để cho qua chuyện, thế nhưng, khi được Hội Phụ nữ xã, xóm tư vấn, chị đã dần tự tin, chia sẻ một cách cởi mở về câu chuyện của gia đình mình để tìm hướng tháo gỡ. Bản thân chị cũng thêm có kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là vượt qua trở ngại tâm lý “xấu chàng hổ ai”, tự đấu tranh mà như chị nói là “để giành sự bình yên của chính mình và các con”.
Thông qua hoạt động "Nhật ký thăm hộ", cán bộ Hội Phụ nữ các cấp ở huyện Quỳnh Lưu thường xuyên sâu sát, gần gũi và có nhiều hỗ trợ thiết thực cho hội viên. Ảnh: CSCC |
Cùng xã Quỳnh Lương, chị H.T trở thành nạn nhân của người chồng say rượu. Nỗi sợ hãi thường trực trong con người chị suốt gần 20 năm và dẫn đến bị trầm cảm một thời gian.
Chị H.T cho biết, cũng đã nhiều lần nghĩ đến chuyện mẹ con dắt díu nhau ra khỏi nhà để được giải thoát, nhưng rồi cứ "sợ này, sợ nọ" nên chị cắn răng chịu đựng. Khi được tiếp cận các thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình mà xã tuyên truyền, được cán bộ Hội Phụ nữ đồng hành, chị đã cho gia đình nhà chồng biết mình bị bạo hành để cùng gây áp lực về phía chồng và bản thân chị cũng thêm những kỹ năng “lạt mềm buộc chặt”, dần dần chồng chị thay đổi, yêu thương và có trách nhiệm với vợ con hơn. Hiện tại, bệnh trầm cảm của chị H.T được cải thiện và sức khoẻ cũng ngày một tốt lên.
Giao lưu tìm hiểu kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: CSCC |
Hai chị N.T và H.T là trường hợp điển hình bị bạo lực gia đình trong thời gian dài ở xã Quỳnh Lương. Chị Bùi Thị Thoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Lương cho biết, để giảm thiểu bạo lực gia đình, được sự hỗ trợ từ dự án Nâng cao năng lực của cán bộ và nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, xã đã thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình.
Đội phản ứng nhanh do Phó Chủ tịch UBND xã làm đội trưởng và các thành viên gồm công an xã, công chức tư pháp và văn hóa, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN xã và các Chi hội trưởng Phụ nữ các thôn có người bị bạo lực gia đình.
Nhiệm vụ của Đội là tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình; sâu sát, gần gũi, hướng dẫn chị em - nạn nhân bạo lực gia đình hoặc có nguy cơ bạo lực gia đình cách quản lý cảm xúc và ứng phó khi bạo lực đến với mình.
Sau hơn 2 năm triển khai, thành công của đội phản ứng nhanh là đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ và nhận thức của người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là đối tượng bị bạo hành và bạo hành. Đồng thời, kết nối để chữa bệnh, hỗ trợ mô hình sinh kế cho chị em bởi một trong những nguyên nhân tạo ra bạo lực gia đình bắt nguồn từ điều kiện kinh tế khó khăn, chật vật.
Hoạt động của đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình xã đã giúp nhiều chị em “cởi trói” tâm lý cam chịu, im lặng để đấu tranh chống bạo lực gia đình đến với bản thân và con cái họ.
Đặc biệt, cái được lớn nhất là giúp nhiều chị em “cởi trói” tâm lý, từ sống trong im lặng, sống trong bạo lực gia đình trong nhiều năm đã dám nói câu chuyện của mình, mở rộng lòng mình để nhận sự giúp đỡ của tổ chức và cá nhân cùng với sự đấu tranh của chính mình đối với bạo lực gia đình đến với bản thân và con cái họ.
Bên cạnh việc thành lập đội phản ứng nhanh, xã Quỳnh Thắng còn thành lập 2 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình cho 2 đối tượng: Câu lạc bộ “Sức sống mới” dành cho nạn nhân bị bạo lực và nguy cơ bị bạo lực; Câu lạc bộ “Người đàn ông trách nhiệm” dành cho người gây bạo lực gia đình (các ông chồng). Ở các xã như Quỳnh Diễn, Quỳnh Tân, Sơn Hải…, tổ chức Hội Phụ nữ cũng đã phối hợp với chính quyền và các ngành thành lập Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”. Phổ biến ở nhiều địa phương là các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ và pháp luật”…
Bên cạnh thành lập các câu lạc bộ, Hội Phụ nữ các cấp ở Quỳnh Lưu cũng tổ chức nhiều cuộc thi online tìm hiểu về phòng, chống buôn bán người; phòng, chống bạo lực gia đình; cuộc thi vẽ tranh về phòng, chống xâm hại tình dục…
Chị Hồ Thị Thuý Hằng – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu cho rằng, các câu lạc bộ, các cuộc thi do các cấp hội phối hợp thành lập đều hướng tới mục đích nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng; đồng thời trang bị kỹ năng “ứng phó” không để bạo lực xảy ra hoặc cách phòng vệ cho người phụ nữ khi bạo lực xảy ra. Mục đích cuối cùng là xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Phương pháp của cán bộ hội khi đến với phụ nữ là lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ để cùng nhau tìm một giải pháp, biện pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh với bạo lực gia đình.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ thùng thư góp ý cho các chi bộ phụ nữ xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn. Ảnh: CSCC |
Nỗ lực thay đổi
Nạn nhân chính của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em. Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, một trong những chương trình, nội dung công tác của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thời gian qua là tập trung tuyên truyền gắn với hỗ trợ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Trọng tâm hoạt động được các cấp hội triển khai là Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã tập trung hỗ trợ phụ nữ một cách toàn diện với các tiêu chí cụ thể, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng, vừa là hoạt động phù hợp để phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tiểu phẩm truyền thông tại lễ ra mắt mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại huyện Nam Đàn. Ảnh: CSCC |
Cùng với đó, triển khai thực hiện Đề án 938 về "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027".
Theo đó, nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; cân bằng giới tính khi sinh; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình… được triển khai sâu rộng. Đồng thời, tổ chức các phong trào, cuộc vận động, xây dựng các mô hình hỗ trợ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh như “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; “Tổ tư vấn pháp luật cho phụ nữ và trẻ em”; “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”; câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”…
Bên cạnh những nỗ lực, theo chị Lê Thị Hương Giang – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trở ngại lớn nhất trong công tác này chính là tâm lý của người phụ nữ cam chịu, mặc cảm, không dám chia sẻ mình bị bạo lực gia đình; hoặc họ chưa đặt niềm tin vào ai để có thể giải quyết được tình trạng bị bạo lực của mình. Đó là vấn đề mà các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang tiếp tục trăn trở, đổi mới cách tiếp cận, đi sâu, đi sát, gần gũi lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và bằng nhiều giải pháp, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình hiện nay, góp phần xây dựng gia đình no ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.