Khai thông các nguồn lực để ngành Công Thương phát triển

Thu Huyền 13/05/2023 15:55

(Baonghean.vn) - Trải qua 72 năm phấn đấu và trưởng thành (14/5/1951 - 14/5/2023), nhất là giai đoạn 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, ngành Công Thương Nghệ An đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều thành tựu quan trọng

Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành.

Tại Nghệ An, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt công nghiệp, thương mại, du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại được đầu tư và đưa vào hoạt động.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp khá, bình quân giai đoạn 2014 - 2022 đạt 12,31%/năm; quy mô ngành công nghiệp được mở rộng, đạt 29.468 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2013; tỷ trọng công nghiệp cơ cấu GRDP ngày càng cao, năm 2013 chiếm 14,78%, đến năm 2022 chiếm 18,36%. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) tăng từ 32.669 tỷ đồng năm 2013 lên 116.049 tỷ đồng năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,59%/năm. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị gia tăng công nghiệp (80,63%); công nghiệp khai khoáng chiếm 5,33%.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Hoa sen, KCN Đông Hồi, TX. Hoàng Mai. Ảnh: Thu Huyền

3 cực tăng trưởng công nghiệp rõ nét đã được hình thành theo định hướng Nghị quyết 26. Đó là: Khu vực thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh gắn với Khu kinh tế Đông Nam, nổi bật là KCN VSIP Nghệ An, WHA. Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An gắn không gian Khu Công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (Nghệ An) với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) thu hút được các dự án công nghiệp động lực quy mô lớn. Vùng miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ - Con Cuông - Nghĩa Đàn - Thái Hòa - Quỳ Hợp với tiềm năng về đất đai rộng lớn và nguồn tài nguyên khoáng sản.

Hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp gắn với từng vùng được quy hoạch, xây dựng phát triển. Trong đó, đã thu hút đầu tư, xây dựng 7 khu công nghiệp gồm: Bắc Vinh, VSIP, WHA, Đông Hồi, Nam Cấm, Hoàng Mai 1, Thọ Lộc; thu hút được trên 250 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD. Thời gian tới, quy hoạch xây dựng 5 KCN mới với tổng diện tích 1.600ha. Cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển, đến nay có 23 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 490ha, tỷ lệ lấp đầy 84% và đã thu hút được 251 dự án vào hoạt động. Giai đoạn tới bổ sung, quy hoạch mới 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.577ha.

Nhiều năm qua, dệt may luôn dẫn đầu top kim ngạch xuất khẩu khá của tỉnh. Ảnh: Thu Huyền

Theo đánh giá, ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp động lực được đầu tư phát triển gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quý I/2023, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước song tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Nghệ An GRDP đạt 7,75% so với cùng kỳ, đứng thứ 14/63, thuộc tốp 15 tỉnh, thành tăng trưởng cao nhất cả nước.

Về hoạt động xuất khẩu, những năm gần đây, xuất khẩu ngày càng được mở rộng cả về quy mô và kim ngạch.

Giai đoạn 2013-2023, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 354,1 triệu USD lên 2.188,8 triệu USD (gấp 6,18 lần), tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 22,4%/năm, nâng vị trí xếp hạng kim ngạch theo tỉnh thành từ vị trí thứ 36 (năm 2013) lên vị trí thứ 28 (năm 2022) và đứng ở vị trí thứ 2 trong khu vực Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và sơ chế. Thị trường xuất khẩu ngày càng phong phú, đa dạng; đã có trên 360 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Thương mại nội địa đáp ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng xã hội, giữ cho thị trường ổn định.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thu Huyền

Giải pháp đột phá nào tạo nguồn lực cho công thương?

Thực hiện Nghị quyết 26, Sở Công Thương đồng thời thực hiện nhiệm vụ và gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và phát triển kinh tế số.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 cho thấy: Lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, quy mô ngành công nghiệp được mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, hướng tới sự phát triển bền vững và giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, cơ cấu có xu hướng tăng dần.

Đồ hoạ: Hữu Quân

Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020 Nghệ An cơ bản là tỉnh công nghiệp chưa đạt được theo Nghị quyết. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, tốc độ và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong GRDP còn chậm. Một số lĩnh vực công nghiệp chưa phát triển như kỳ vọng. Mục tiêu phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy chưa thực hiện được. Dịch vụ logistics của tỉnh đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, còn nhiều “điểm nghẽn” làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, thời gian tới, cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án của ngành Công Thương, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 26-NQ/TW với những định hướng phát triển cụ thể.

Nghệ An chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại. Ảnh: Thu Huyền

Về công nghiệp, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; các ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác; thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Phân bố không gian công nghiệp hợp lý gắn với các hành lang kinh tế, hình thành các vùng sản xuất công nghiệp, trọng tâm là tại địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam, các KCN ngoài khu kinh tế và các cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.

Về thương mại, xuất khẩu, thu hút đầu tư, xây dựng tại thành phố Vinh một số trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm ngang tầm quốc tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới và kinh tế cửa khẩu theo hướng hiệu quả và bền vững. Chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics đa dạng, hiện đại.

Tàu container cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Trao đổi về giải pháp phát triển ngành, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đưa Nghệ An thành tỉnh công nghiệp, trong giai đoạn tới cần những nhóm giải pháp cơ bản: Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, nhất là hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng KCN, cụm công nghiệp; Cải cách hành chính, tích cực thu hút đầu tư các ngành công nghiệp động lực, công nghiệp ưu tiên phát triển. Đây là giải pháp mang tính đột phá đưa Nghệ An kết nối với các trung tâm phát triển của cả nước và vươn tầm quốc tế. Cùng với đó, tăng cường tích lũy nền kinh tế để có nguồn lực phát triển công nghiệp, trong đó, có 3 yếu tố then chốt là tích lũy vốn đầu tư, đất đai và vốn công nghệ. Và cuối cùng là xây dựng phát triển nguồn lực về con người. Đây là giải pháp cơ bản nhất, quan trọng nhất và khó nhất. Để có công nghiệp phát triển thì 10-15 năm có thể làm được nhưng để có con người công nghiệp (có tư duy công nghiệp, trình độ kỹ thuật công nghiệp, kỹ năng công nghiệp và văn hóa công nghiệp) thì phải lâu dài, khó hơn nhiều.

Nguồn nhân lực có 3 lực lượng cơ bản là đội ngũ doanh nhân, lao động kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề thì cần nhất là tạo dựng môi trường công nghiệp để phát triển nhân lực công nghiệp. Cuối cùng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị điều hành của bộ máy chính quyền nhà nước...

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An

Thu Huyền