Thái Lan bỏ phiếu bầu 500 ghế tại Hạ viện, chuẩn bị khởi động cuộc đua tranh chức thủ tướng

Hoàng Bách 14/05/2023 15:50

(Baonghean.vn) - Khi cử tri Thái Lan đã quyết định xong các vị trí trong Hạ viện, cuộc đua tranh chức Thủ tướng của nước này sẽ bắt đầu.

Một cử tri tại quận Vadhana, Bangkok trong cuộc tổng tuyển cử của Thái Lan hôm 14/5. Ảnh: CNA

Theo CNA, cuộc tổng tuyển cử đã chính thức bắt đầu tại Thái Lan hôm 14/5, qua đó chọn ra các nghị viện mới trong Hạ viện để thành lập chính phủ kế nhiệm.

Khoảng 52 triệu người dân đủ điều kiện đi bỏ phiếu trên khắp đất nước Thái Lan và các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 17h cùng ngày. Được biết, đã có hơn 2 triệu người đi bầu cử sớm hôm 7/5 vừa rồi.

Tổng cộng có 500 thành viên Hạ viện sẽ được bầu ra trong ngày bỏ phiếu 14/5, trong đó 400 người được lựa chọn trong các cuộc bầu cử ở các khu vực, 100 người còn lại được bầu ra từ các danh sách đề cử của các đảng. Đây là hình thức đại diện theo tỷ lệ, trong đó nhiều ứng viên được bầu từ danh sách do các đảng tương ứng của họ chuẩn bị, dựa trên tổng số phiếu mà đảng đó nhận được.

Với hình thức bầu cử theo khu vực, 4.710 ứng cử viên đang cạnh tranh trong số 400 ghế. Ở hình thức còn lại, gần 1.900 ứng viên từ 67 đảng tham gia với hy vọng giành được 100 ghế.

Mỗi cử tri Thái Lan sẽ nhận được 2 phiếu bầu - một cho khu vực bầu cử và một cho danh sách các đảng.

Một điểm bầu cử ở Thủ đô Bangkok. Ảnh: CNA

“Chọn người có thể tin tưởng”

Tại Thủ đô Bangkok, cử tri đã bắt đầu đi bầu cử sau khi các phòng phiếu mở cửa lúc 8h sáng. Trong số đó, cử tri 18 tuổi Natchanon Prasansri - người chuẩn bị trở thành sinh viên đại học, và lần đầu thực hiện nghĩa vụ bầu cử chia sẻ bên ngoài điểm bỏ phiếu ở quận Vadhana: “Đây là cuộc bầu cử rất quan trọng vì đó là tương lai và quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi phải lựa chọn những người mình có thể tin tưởng và những người chúng tôi thích vì nhiều đảng có rất nhiều chính sách. Nó sẽ là yếu tố quyết định đường hướng của đất nước”.

Natchanon cho rằng, chính phủ kế nhiệm tại Thái Lan cần khẩn trương giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm ô nhiễm không khí và giao thông công cộng. Thanh niên này nói với hãng tin CNA: “Tôi hiếm khi ra khỏi nhà vì ô nhiễm. Số lượng xe buýt không đủ và đôi lúc người ta phải đợi xe hàng giờ đồng hồ”.

Sự thay đổi là điều mà nhiều người dân Thái Lan mong muốn chứng kiến sau cuộc bầu cử ngày 14/5 này. Đơn cử, cử tri Nattawoot Chulikit, 45 tuổi, điều hành kinh doanh trực tuyến, tin rằng người dân nước này nên có quyền bày tỏ quan điểm tự do hơn. Ông nói: “Tôi hy vọng nhìn thấy sự thay đổi trong nhiều thứ. Các vấn đề cấp bách nhất mà tôi muốn được giải quyết là quyền tự do bày tỏ, đói nghèo và các cơ hội kinh doanh”.

Còn với cử tri 79 tuổi Yupin Macleod, điều quan trọng là phải bỏ phiếu cho những người có tầm nhìn tươi sáng cho đất nước: “Chúng tôi muốn người tốt điều hành đất nước, muốn cá nhân mới mẻ nào đó với một tầm nhìn tốt. Nếu chúng tôi có một thế hệ mới thiếu vắng tầm nhìn tốt, thì sẽ rất nguy hiểm”.

Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt đi bầu cử. Ảnh: CNA

Có 6.327 đơn vị bầu cử tại thủ đô của Thái Lan. Theo thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt, tất cả hòm phiếu đã tới điểm bầu cử trước 6h05 sáng 14/5 và chính quyền Thành phố Bangkok đã sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình bầu cử.

Trước khi bỏ lá phiếu của mình, ông phát biểu: “Hôm nay là cơ hội tốt để chúng ta thực hiện quyền của mình và giúp bảo đảm rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra minh bạch. Hãy cùng đi bầu cử nào!”.

Tại tỉnh Songkhla ở phía Nam, cử tri cũng có mặt từ sớm để thực hiện quyền của mình. Tại một điểm bỏ phiếu ở huyện Hat Yai, cử tri Prani Sumritpon cùng chồng xuất hiện lúc 6h45. Nông dân 81 tuổi này nói rằng, bà đã tham gia bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử và mong muốn chứng kiến nhiều sự cải thiện sau cuộc bầu cử lần này. Người chồng 71 tuổi của bà, ông Khajit Premjaichon cũng nói: “Tôi hy vọng nền kinh tế sẽ tốt lên và giá cả hàng hoá sẽ không quá đắt như hiện nay. Tôi muốn một chính phủ không có tham nhũng vì như thế đất nước sẽ tốt đẹp hơn”.

Các cử tri Khajit Premjaichon và Prani Sumritpon tại điểm bầu cử ở Hat Yai, Thái Lan hôm 14/5. Ảnh: CNA

Với những cử tri lần đầu đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử ngày 14/5 của Thái Lan là thời khắc thú vị để họ tham gia vào định hình tương lai đất nước. Cử tri 21 tuổi Afsamawatee Laengaenae đến từ nói với CNA: “Tôi muốn một thủ tướng có khả năng lãnh đạo tốt, không tham nhũng và dám sửa đổi một số điều luật”.

Ở cùng điểm bỏ phiếu, cử tri 20 tuổi lần đầu đi bầu Thanittha See-Hoo cũng chia sẻ: “Tôi muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Tôi muốn một chính phủ dân chủ, một chính phủ mới có thể cải thiện giao thông công cộng, chất lượng cuộc sống và hệ thống giáo dục cho người trẻ”.

Quy trình bầu Thủ tướng Thái Lan như thế nào?

Khi 500 ghế trong Hạ viện đã có chủ, cuộc đua tranh chức thủ tướng sẽ khởi động. Lần này, 62 ứng viên đến từ 43 đảng sẽ tham gia chạy đua vào văn phòng cao nhất của đất nước Thái Lan.

Theo hiến pháp hiện hành của nước này, mỗi đảng chính trị có thể đề cử tối đa 3 ứng viên cho chức thủ tướng. Tuy nhiên, chỉ những đảng có tối thiểu 25 thành viên được bầu vào Hạ viện mới có thể đề cử thủ tướng.

Trong cuộc bầu cử trước đó vào năm 2019, có 5 đảng đáp ứng yêu cầu này, gồm Pheu Thai (Vì nước Thái), Palang Pracharat, Dân chủ, Bhumjaithai và Future Forward (Tương lai phía trước), trong đó có đảng hiện đã giải tán.

Gương mặt được đề cử phải được sự ủng hộ của ít nhất 50 thành viên Hạ viện, hoặc không ít hơn 1/10 tổng số thành viên Hạ viện, trước khi cuộc bỏ phiếu chọn ra thủ tướng diễn ra. Quá trình này có sự tham gia của 250 thành viên Thượng viện và toàn bộ Hạ viện.

Thủ tướng tương lai phải có được sự chấp thuận của hơn một nửa trong tổng số đại biểu của lưỡng viện. Điều này đồng nghĩa, một ứng viên có thể giành tối thiểu 376 phiếu bầu - dù là từ lưỡng viện hay chỉ từ 500 thành viên Hạ viện - thì sẽ giành được chức thủ tướng.

Tại cuộc bỏ phiếu gần nhất năm 2019, đảng Pheu Thai đã giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện (136 ghế) nhưng không thể có đủ sự ủng hộ để thành lập liên minh điều hành đất nước.

Palang Pracharat, đảng khi đó dưới sự lãnh đạo của ông Prayut Chan-o-cha và giành được 115 ghế trong cuộc bầu cử, sau đó đã hợp tác với các đảng khác để bảo đảm thế đa số trong Hạ viện, từ đó lãnh đạo chính phủ.

Một cử tri thực hiện nghĩa vụ bầu cử tại Hat Yai, Thái Lan. Ảnh: CNA

Gương mặt các ứng viên hàng đầu

Theo cuộc thăm dò cuối cùng trước khi diễn ra cuộc bầu cử do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển quốc gia (NIDA) tiến hành, ứng viên thủ tướng được lòng dân nhất là Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, là lãnh đạo và cũng là ứng viên duy nhất của Đảng Move Forward (Tiến lên). Trong vài tháng qua, tỷ lệ ủng hộ ông này đã tăng nhanh. Đơn cử, trong cuộc thăm dò của NIDA công bố hôm 3/5, có 35,44% trong tổng số 2.500 người được hỏi trên khắp Thái Lan ủng hộ ông trở thành thủ tướng tiếp theo của nước này.

Xếp thứ hai với 29,20% là ứng viên Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, xuất thân từ đảng Pheu Thai. Bà là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Người cô của Paetongtarn Shinawatra - Yingluck Shinawatra, cũng là cựu Thủ tướng Thái Lan. Chính phủ của bà Yingluck đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014 do tướng quân đội khi đó là ông Prayut Chan-o-cha lãnh đạo.

Vị trí thứ ba trong cuộc thăm dò thuộc về đương kim Thủ tướng Prayut, người đã tại nhiệm 8 năm, với 14,84%. Vị cựu tướng lĩnh 69 tuổi hiện tranh cử dưới ngọn cờ một đảng mới - đảng United Thai Nation.

Xếp thứ tư với 6,76% là Srettha Thavisin, 60 tuổi, một ông trùm bất động sản và là một ứng cử viên thủ tướng khác của đảng Pheu Thai.

Cũng theo cuộc thăm dò nói trên, các đảng nhận được sự ủng hộ nhiều nhất lần lượt là Pheu Thai, Move Forward, United Thai Nation, Democrat và Bhumjaithai.

Khi nào có kết quả bầu cử?

Theo Uỷ ban Bầu cử của Thái Lan (ECT), kết quả chưa chính thức của cuộc bầu cử sẽ có sau 6h30 tối 14/5. Phiếu bầu sẽ được kiểm tại các điểm bỏ phiếu trước khi chuyển kết quả chưa chính thức về cơ sở dữ liệu của ECT.

Dân chúng có thể giám sát quá trình kiểm phiếu tại các điểm bầu cử. Họ cũng có thể theo dõi các kết quả chưa chính thức trên các kênh tin tức. ECT đặt mục tiêu công bố kết quả chưa chính thức từ tất cả khu vực bầu cử trước 11h đêm 14/5.

Hoàng Bách