Cây đu đủ nhiều công dụng, nhưng có thể trị ung thư không?

Linh Giao 15/05/2023 19:21

Theo kinh nghiệm dân gian, một số bài thuốc từ cây đu đủ có công dụng sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán, trị ho...

Lá và hoa đu đủ dùng để chữa bệnh

Theo Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, quả đu đủ có nhiều giá trị dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Quả chín có chứa các tiền vitamin A như: β-caroten, lycopen, lutein, zeaxanthin và vitamin A, E, B5, B6, acid folic…

Các bộ phận lá, hoa, hạt, rễ của cây đu đủ đều được sử dụng làm thuốc. Trong kinh nghiệm dân gian, lá đu đủ dùng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Nước hãm từ rễ dùng trong điều trị bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc. Chất carpain từ lá đu đủ có tác dụng làm chậm nhịp tim.

Chất mủ trắng của đu đủ chứa một loại enzyme là papain. Papain có khả năng thủy giải protein, được sử dụng để làm mềm thịt, làm chất khử trùng để băng vết thương, dùng khi khó tiêu, nấm ngoài da, bệnh vảy nến, ung thư, trung hòa một số độc tố và toxalbumin.

Đu đủ là loại quả quen thuộc với người Việt Nam. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc của Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, người dân thường dùng nhựa đu đủ làm thuốc trị giun như giun kim, giun đũa, sán lợn.

Hạt đu đủ có khả năng kháng khuẩn mạnh. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường dùng chữa ho, viêm ống phổi, mất tiếng. Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận.

"Có thể thấy, theo kinh nghiệm dân gian, đu đủ là một loại thực phẩm, đồng thời là dược liệu đa chức năng", Tiến sĩ Triết chia sẻ.

Thực hư tin đồn hoa đu đủ đực chữa ung thư

Thời gian qua, trên mạng xã hội và người dân truyền miệng thông tin lá và hoa đu đủ (đặc biệt là hoa đu đủ đực) giống như “thần dược” chữa nhiều loại ung thư. Tiến sĩ Triết khẳng định, các tài liệu ghi nhận trước đây đều không đề cập đến tác dụng điều trị ung thư của lá và hoa đu đủ.

Tra cứu rất nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, ông nhận thấy, hầu như các nghiên cứu về ung thư trên 2 bộ phận lá và hoa đu đủ đều là các thử nghiệm in vitro trên các dòng tế bào ung thư được nuôi cấy bên ngoài cơ thể sống, chưa có nhiều nghiên cứu trên cơ thể động vật. Đặc biệt, không thấy các nghiên cứu trên người (nghiên cứu lâm sàng).

Một số nghiên cứu của tác giả nước ngoài cũng cho thấy lá đu đủ có tác dụng ức chế trung bình trên một số dòng tế bào ung thư nuôi cấy in vitro và kiến nghị cần phải có những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định.

Tiến sĩ Triết nhận định, chưa đủ cơ sở khoa học cho thấy sử dụng lá và hoa đu đủ đực có thể phòng và điều trị ung thư.

Mới đây, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng cho biết, các phương pháp dân gian truyền miệng như uống lá đu đủ, lá thuốc... hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có ích cho người bệnh ung thư.

"Chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư không điều trị ngay mà nghe theo lời hướng dẫn trên mạng. Họ uống lá này thuốc kia và không hiệu quả. Đến khi quay lại viện, ung thư đã ở giai đoạn quá muộn, khó kiểm soát", bác sĩ Thịnh nói.

Lưu ý khi sử dụng lá và hoa đu đủ

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết cho biết, hiện nay, độc tính của lá và hoa đu đủ chưa được đánh giá đầy đủ. Người dân sử dụng lá và hoa đu đủ như trà uống cần phải chú ý liều lượng, khoảng 4-12g/ngày trong một khoảng thời gian nhất định, không uống thay nước.

Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng với đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai và người bị loét dạ dày. Khi sử dụng lá và hoa đu đủ cho mục đích điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh, cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền để có cách sử dụng phù hợp.

Linh Giao