Chi cục Kiểm lâm Nghệ An: 50 năm - những mốc son lịch sử

Phạm Văn Thái (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) 17/05/2023 08:09

(Baonghean.vn) - Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Kiểm lâm Nghệ An đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Qua các thế hệ đã góp phần làm nên truyền thống với nhiều thành tích đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ phát triển vốn rừng Nghệ An.

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với người dân địa phương tuần rừng. Ảnh: Văn Trường

Biến chuyển về bộ máy

Ngày 11/9/1972, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng đã ký Sắc lệnh số 14/LCT công bố Pháp lệnh quy định về việc bảo vệ rừng, do Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6/9/1972. Tại Điều 16, 17 Pháp lệnh quy định: “Tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gọi là Kiểm lâm nhân dân”. Đến ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP Quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân; từ đó lực lượng Kiểm lâm Việt Nam ra đời và phát triển.

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An được thành lập ngày 3/2/1974. Từ buổi đầu mới thành lập, có 535 cán bộ, công nhân viên. Đến thời kỳ nhập tỉnh năm 1976, tăng lên 820 cán bộ, công nhân viên. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Kiểm lâm Nghệ Tĩnh đã tuyển chọn 109 cán bộ, kiểm lâm viên tốt nhất chi viện cho các tỉnh phía Nam để xây dựng lực lượng Kiểm lâm.

Lực lượng Kiểm lâm không quản ngại nguy hiểm dập lửa rừng ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Văn Trường

Năm 2008, Chi cục đã bàn giao 3 đơn vị trực thuộc: Vườn Quốc gia Pù Mát về UBND tỉnh, Khu BTTN Pù Huống về Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên và môi trường rừng về Chi cục Bảo vệ thực vật.

Bước vào đầu năm 2001, để đáp ứng với yêu cầu cấp bách của công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn mới, Kiểm lâm Nghệ An đã xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức đưa kiểm lâm về địa bàn xã”.

Năm 2016, thực hiện đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và PTNT, được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 05/01/2016, về thành lập Chi cục Kiểm lâm, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm, bộ máy tổ chức của Chi cục Kiểm lâm gồm: Ban lãnh đạo Chi cục; 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ; 3 Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa, cháy rừng; 21 Hạt Kiểm lâm cấp huyện.

Đến năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/2021/QĐ-UBND ngày 13/08/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 05/01/2016. Trong đó, sáp nhập và thành lập các Hạt Kiểm lâm liên huyện, giảm Hạt kiểm lâm cấp huyện từ 21 xuống còn 17. Từ đây, nhiệm vụ của Chi cục Kiểm lâm được tổng hợp cả nhiệm vụ của Chi cục Lâm nghiệp cũ, như các nhiệm vụ về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thẩm định các công trình lâm sinh, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về lâm nghiệp, các cơ chế chính sách về lâm nghiệp...

Hiện tại, lực lượng Kiểm lâm Nghệ An có 328 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 27 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 197 cán bộ có trình độ đại học, với các ngành: Lâm sinh, Quản lý bảo vệ rừng, Luật, Kinh tế, Tin học, Ngoại ngữ. Được tổ chức thành 17 đơn vị công tác thuộc các huyện, thị xã, thành phố có Hạt Kiểm lâm cấp huyện, 3 Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, làm nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền địa phương về quản lý bảo vệ rừng.

Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, được trang bị khá đầy đủ, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên độ che phủ của rừng từ 42% năm 2001 lên 58,36% vào năm 2022.

Lực lượng Kiểm lâm Nghệ An phối hợp với các ngành giao đất giao rừng. Ảnh: Văn Trường

Những năm qua, ngành Lâm nghiệp thực hiện tốt giao đất, giao rừng, nhờ đó hạn chế nạn phát rừng làm rẫy và gây cháy rừng. Tạo điều kiện cho các chủ rừng, chủ hộ gia đình có cơ sở vật chất, tiền vốn, sức lao động đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại vườn rừng hiệu quả.

Giữ sắc xanh cho những cánh rừng

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 962.000ha đất có rừng. Để giữ được rừng, lực lượng Kiểm lâm phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường chốt chặn ở các địa bàn trọng điểm để bảo vệ rừng. Không quản rừng sâu, núi cao, không quản khó khăn gian khổ và những nguy hiểm, lực lượng kiểm lâm đã có mặt ở các địa bàn phức tạp để bảo vệ rừng.

Trong chiến lược bảo vệ rừng, Kiểm lâm Nghệ An rất quan tâm đến việc xây dựng các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, vừa đảm bảo giữ nguyên được vốn rừng, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động: Nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, tham quan du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn tích cực tham gia quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án PAM 2780, 4126, 4304, Chương trình 327, Dự án lâm nghiệp EU, Dự án bảo vệ rừng và lưu vực sông ĐANIDA, Chương trình 661, 135, trồng rừng Việt Đức... Và các dự án, chương trình đang tiếp diễn hiện nay như: Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy, dự án giao đất, cho thuê rừng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và đất rừng, dự án VFBC...

Lực lượng Kiểm lâm Nghệ An trong một chuyến tuần tra ở Kỳ Sơn, Ảnh: Văn Trường

Hàng năm, Kiểm lâm Nghệ An đã tham mưu cho UBND các cấp, ban hành các văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, xây dựng phương án PCCCR. Xây dựng Đề án tổng quan 10 năm về PCCCR, nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học, công nghệ, phương tiện, dụng cụ tiên tiến trong công tác PCCCR. Chỉ đạo các địa phương, chủ rừng tổ chức lực lượng, triển khai phương án, xây dựng các công trình PCCCR trên diện tích rừng quản lý, điều động lực lượng hỗ trợ, ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Trong thực thi nhiệm vụ và tổ chức xây dựng lực lượng, Kiểm lâm Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu các đề tài khoa học. Như nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học BT, ong mắt đỏ… trong phòng trừ sâu róm thông; Ứng dụng công nghệ cao GIS trong theo dõi diễn biến rừng, quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; Đoán đọc ảnh viễn thám để xác định diện tích rừng bị thiệt hại; ứng dụng chữ ký số, các bộ thủ tục hành chính theo TCVN ISO 9001:2015.

Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp tốt giữa các lực lượng Công an, Quân đội, các ngành trong khối nội chính, chính quyền địa phương và nhân dân nên đạt hiệu quả cao. Trong 50 năm qua, Kiểm lâm Nghệ An đã phát hiện và xử lý hơn 173.000 vụ vi phạm lâm luật, đề nghị khởi tố hình sự hơn 500 vụ, với hàng trăm bị can; Tịch thu hơn 140.000m3 gỗ các loại, hàng ngàn tấn lâm đặc sản các loại. Thực hiện thu phạt, nộp ngân sách tỉnh hơn 760 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện Công ước CITES về bảo vệ động vật hoang dã, Kiểm lâm Nghệ An đã thu giữ hơn 125 tấn động vật rừng các loại, thả về rừng nhiều cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm. Rất nhiều tụ điểm, điểm nóng về chặt phá, khai thác rừng, mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép bị tấn công triệt phá. Trong cuộc chiến chống lâm tặc có 2 chiến sĩ Kiểm lâm Nghệ An đã hy sinh, 19 cán bộ, chiến sĩ khác bị thương tật. Các tổ chức cơ sở Đảng của lực lượng Kiểm lâm luôn được cấp trên xếp loại Trong sạch vững mạnh và Vững mạnh tiêu biểu.

Trong suốt quá trình 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm Nghệ An đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, hàng trăm lượt đơn vị tập thể, cán bộ và chiến sĩ được tặng Cờ thưởng luân lưu, Bằng khen từ cấp tỉnh đến Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Huy hiệu “Vì sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng”; Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005).

Rừng nguyên liệu gỗ lớn ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Có 5 đơn vị cơ sở và 6 cán bộ thuộc lực lượng Kiểm lâm Nghệ An được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 16 đơn vị được công nhận là Đơn vị đạt chuẩn văn hóa xuất sắc. Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (năm 2020).

Trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm Nghệ An tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc; bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác rừng trái phép; xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng hiệu quả; nâng cao độ che phủ rừng.

Cán bộ, công chức Kiểm lâm Nghệ An quyết tâm tiếp tục giữ vững mối đoàn kết, đồng lòng xây dựng lực lượng thành một tập thể trong sạch, vững mạnh vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin “Những chiến sĩ gác kho vàng xanh trên quê hương Bác Hồ vĩ đại”.

Nghệ An chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng đầu mùa nắng nóng

05/04/2023

Nghệ An: Sẽ tổ chức giải trình về tình hình thực hiện giao đất, giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

24/03/2023

Phạm Văn Thái (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An)