Giáo dục

Người thầy giáo già và câu chuyện đi tìm 'hình' của Bác

Mỹ Hà 19/05/2023 15:52

(Baonghean.vn) - Bức ảnh chân dung là món quà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho Trường THCS Nam Liên (Trường THCS Kim Liên ngày nay) vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1969. Đó cũng là món quà cuối cùng trước khi Người đi xa...

Qua thời gian, món quà đặc biệt này đã bị thất lạc, để lại tiếc nuối đối với các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường. Thầy giáo Hoàng Nguyên - nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường đã cất công tìm lại.

Món quà của Bác

Ngày sinh nhật Bác năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với giáo viên và học sinh Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn), khi nhà trường vừa tổ chức buổi lễ nhận lại kỷ vật là bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Bác tặng cho nhà trường cách đây hơn 50 năm. Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo giáo viên và học sinh, cùng với nhiều thế hệ giáo viên đã từng công tác tại trường nay đã nghỉ hưu khiến không khí thực sự ấm áp và chân tình.

Trường THCS Kim Liên tổ chức Lễ đón nhận bức ảnh chân dung Bác Hồ. Ảnh: NTCC

Xem lại bức ảnh chân dung cũ đen trắng của Bác, đọc dòng chữ viết tay của Người với nội dung: “Bác mong các cô giáo, thầy giáo dạy thật tốt. Các cháu học trò học thật tốt”, bao nhiêu ký ức tươi sáng lại ùa về. Đây là món quà được Bác Hồ tặng cho nhà trường đúng vào dịp sinh nhật Bác (19/5/1969).

Trong bức điện gửi kèm với tấm ảnh có nội dung: Tập thể cô giáo, thầy giáo và học trò trường cấp II, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tập thể giáo viên Nam Liên 4 năm liền được công nhận tổ lao động xã hội chủ nghĩa, Trường Nam Liên có nhiều học trò giỏi được Bác Hồ khen.

Thầy giáo Hoàng Nguyên (thứ 2 từ trái sang) và các thế hệ giáo viên Trường THCS Kim Liên trong buổi lễ đón nhận bức ảnh. Ảnh: NTCC

Đón nhận món quà đặc biệt này, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên xúc động nói: Được nhận lại bức ảnh khôi phục chân dung kèm bút tích của chính Bác Hồ tặng nhà trường vào dịp kỷ niệm sinh nhật Người là món quà vô giá đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh.

Đây cũng là vinh dự, tự hào to lớn đối với ngôi trường đóng ngay trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ vật này sẽ được nhà trường lưu giữ, trân trọng để giáo dục truyền thống cho học sinh. Không chỉ vậy, các thế hệ cô giáo, thầy giáo, học sinh nhà trường sẽ thực hiện lời Bác dạy, cố gắng dạy tốt, học tập tốt hơn nữa.

Tâm huyết của thầy giáo già trên quê Bác

Trong buổi lễ trao tặng lại bức ảnh, thầy giáo Hoàng Nguyên - nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường là một trong những người vui mừng nhất. Ông cũng là người đã chứng kiến cả quá trình hơn nửa thập kỷ lưu lạc của bức ảnh.

Bức ảnh chân dung Bác Hồ tặng Trường cấp 2 Nam Liên và dòng chữ: "Bác mong các cô giáo, thầy giáo giậy thật tốt, các cháu học trò học thật tốt".

Ngồi giữa sân trường đầy nắng, với cờ hoa rợp trời chào mừng Ngày sinh nhật Bác, thầy giáo Hoàng Nguyên bùi ngùi nhớ lại hình ảnh ngày nhà trường được đón nhận bức ảnh này. Do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, quá trình vận chuyển bị lưu lạc, nên khi nhà trường nhận được bức ảnh quý giá ấy, cũng đúng vào thời điểm nghe tin Bác đi xa. Bức ảnh chân dung Bác vốn là món quà quý, sau đó được nhà trường sử dụng trong buổi lễ truy điệu Người. Buổi lễ được tổ chức với quy mô nhỏ gọn, ngoài Ban Giám hiệu nhà trường chỉ có thêm khoảng 10 học sinh là con cháu của dòng họ Nguyễn Sinh cùng tham dự.

Thầy giáo Hoàng Nguyên cũng kể rằng, sau buổi lễ đặc biệt đó, bức ảnh được nhà trường treo trang trọng trên văn phòng và ông vẫn thường xuyên trực tiếp chỉnh trang, lau chùi sạch sẽ. Trong nhiều buổi lễ chào cờ, bức ảnh được nhà trường sử dụng để thực hiện các nghi thức đầu tuần và nhắc nhở học sinh về truyền thống tự hào của nhà trường. Trong những năm ông đang công tác, bức ảnh vẫn được giữ nguyên. Thời gian duy nhất nhà trường tạm xa bức ảnh là khi có cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh vào để xác minh lại bức chân dung và xin đưa về bảo tàng 2 tháng để làm hồ sơ lưu kỷ vật.

Bức điện gửi kèm bức ảnh Bác Hồ tặng Trường Cấp II Nam Liên (Nam Đàn) vào ngày 19/5/1969.

Bức chân dung Bác Hồ bị thất lạc lúc nào cũng không ai nhớ chính xác, bởi lẽ sau này, Trường THCS Nam Liên được sáp nhập, đổi tên thành Trường THCS Kim Liên và chuyển về địa điểm mới - nơi trường đóng chân hiện nay. Nhiều giáo viên cũng nói rằng, có thể bức ảnh đã bị mất trong khi nhà trường tháo dỡ trường cũ để xây dựng trường mới. Là một giáo viên đã gắn bó rất lâu với nhà trường, là người trực tiếp nhận bức ảnh này từ UBND tỉnh, thầy giáo Hoàng Nguyên thực sự vô cùng tiếc nuối.

Bức ảnh gắn với một giai đoạn phát triển của nhà trường nhưng sau này khi không còn bức ảnh nữa, không mấy giáo viên, học sinh và người dân trong xã biết được trước đây trường mình, quê hương mình đã được Bác gửi tặng chân dung của Người với lời trăn trối và niềm mong ước đối với quê hương...

Ở trường cũng không còn những nghi thức, những nề nếp mà các thế hệ giáo viên cấp 2 Nam Liên và Trường phổ thông cơ sở Kim Liên đã dày công xây dựng để nhắc nhở giáo viên và học sinh học tập, làm theo lời Bác...

Thầy giáo Hoàng Nguyên

Trong suy nghĩ của thầy giáo Hoàng Nguyên, việc để mất bức chân dung Bác tặng là “một tổn thất lớn” và mong ước lớn nhất của ông cùng những thế hệ giáo viên cũ của trường đó là “nhanh chóng xác minh, khôi phục, khẳng định sự tồn tại của sự kiện này”...

Dù đã về hưu hơn 30 năm nhưng thầy giáo Hoàng Nguyên vẫn trăn trở với việc tìm lại bức chân dung cũ về Bác Hồ. Ảnh: Mỹ Hà

Với mong muốn tìm lại bức chân dung cũ về Bác Hồ, từ giữa những năm 2000, thầy giáo Hoàng Nguyên đã nhiều lần đề xuất nguyện vọng lên Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo xã Kim Liên. Tuy nhiên, vì thời gian đã quá lâu, những người công tác cùng thời với ông thưa vắng dần nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Trong quá trình đi tìm lại “hình” của Bác, ông được các cán bộ ở Khu Di tích Kim Liên gợi ý nên liên lạc lại với Bảo tàng Hồ Chí Minh, bởi trong quá khứ, các cán bộ bảo tàng đã từng tìm đến nhà trường để lưu lại kỷ vật. Do đó, năm 2017, thầy giáo Hoàng Nguyên đã gửi bức thư đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để đề đạt nguyện vọng của mình.

Thời gian đó, thầy giáo Hoàng Nguyên cũng đã có cơ hội trực tiếp được gặp cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên, câu trả lời từ phía Bảo tàng là “không lưu giữ bức ảnh này”. Sau đó, qua lá thư ông trình bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh một lần nữa tìm lại trong kho để tiến hành xác minh, đối chiếu với các tư liệu, ảnh hiện có. Nhờ vậy, đã tìm thấy một tài liệu bản thảo đánh máy và 2 trang bản thảo viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh có liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh của Người cho Trường Cấp II Nam Liên vào năm 1969.

Tìm lại bức ảnh cũ là nguyện vọng và mong muốn của nhiều thế hệ giáo viên Trường THCS Kim Liên. Ảnh: NTCC

Khó khăn lúc bấy giờ, đó là dù có tư liệu nhưng ở bảo tàng lại không lưu lại bức ảnh nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người lựa chọn để tặng và điều này cũng không đề cập trong tư liệu. Để giúp nhà trường sớm tìm lại bức chân dung của Bác, bảo tàng đã gửi kèm lá thư phúc đáp là 4 bức ảnh chân dung của Người để xác minh.

Kể lại điều này, thầy giáo Hoàng Nguyên nói thêm: Vừa nhận được các bức ảnh từ bảo tàng tôi đã nhận ra ngay bức ảnh Bác Hồ đã tặng nhà trường ngày nào, bởi khi đó tôi là người trực tiếp tiếp nhận và gìn giữ khi đang công tác tại nhà trường. Tôi cũng đã gặp gỡ một số giáo viên và học sinh cũ để họ nhớ lại bức ảnh nào và hầu hết đã chọn bức ảnh có Ký hiệu A169/A - Q2.

Để có được bức ảnh hoàn thiện cuối cùng, sau này, thầy giáo Nguyễn Vương Linh - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên (nay là Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Chánh Kỷ) đã xin Bảo tàng Kim Liên bức ảnh gốc về Bác để phục chế lại.

Căn cứ những tư liệu cũ của Bảo tàng, thầy cũng đã nhờ những người bạn của mình ghép lại những dòng chữ của Bác gửi cho Trường cấp II Nam Liên trước đây theo đúng như bản gốc vốn có. Quá trình phục dựng cũng gặp nhiều khó khăn vì các tư liệu cũ đã từ rất lâu, nhiều chữ đã mờ, nhòa và phải rất vất vả mới xử lý lại được đúng như nguyên bản cũ.

Trọn đời noi gương Bác

Thầy giáo Hoàng Nguyên sinh năm 1932, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trước khi là một giáo viên, ông từng gia nhập quân đội, học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và tham gia chiến đấu chống Pháp. Một ngày đầu tháng 5/1954, ông tham gia các trận đánh lớn ở chiến trường Liên khu 5, bị thương trong trận Núi Sầm - Phú Yên và bị địch bắt. Di chứng để lại là một chiếc chân phải đã bị mất vĩnh viễn.

Trong thời gian ông bị tù đày, vì không nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã gửi giấy về địa phương và xã đã làm lễ truy điệu. Đến tháng 8/1954, Pháp trao trả thầy về vùng tự do Liên khu 5 và thầy được tập kết ra Bắc, đưa về Trại Thương binh A33 đóng tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc).

Thầy giáo Hoàng Nguyên và thầy giáo Nguyễn Vương Linh trao đổi trong quá trình phục chế lại bức chân dung của Bác Hồ. Ảnh: Mỹ Hà

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, sau này, dù là thương binh nặng nhưng ông xác định con đường học tập và được cống hiến trong ngành Giáo dục. Bằng nghị lực và tinh thần vượt khó, ông đã tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, tốt nghiệp Khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Vinh. Trong quá trình công tác, ông đã từng dạy Trường Cấp 1 Hưng Thủy - Vinh, Trường Bổ túc công nông Nghệ Tĩnh và từ năm 1965, ông chuyển về dạy tại Trường Cấp 2 Nam Liên (Nam Đàn) cho đến ngày nghỉ hưu. Mảnh đất quê Bác nhiều ân tình này cũng đã níu chân ông lại và ông xem đây là quê nhà thứ 2 của mình. Hiện, gia đình thầy giáo Hoàng Nguyên đang sống tại Làng Sen, xã Kim Liên.

Kể về quá trình công tác của mình, thầy Nguyên luôn khiêm tốn, bởi theo thầy đã là một thầy giáo thì ai cũng phải tận tâm, tận tụy, hết mình với học trò, với mái trường của mình. Nhưng đằng sau những lời kể rất đỗi bình dị đó là biết bao nghị lực, cố gắng của người thầy giáo thương binh luôn vững tâm niệm làm người có ích, làm một người “tàn nhưng không phế”. Vì vậy, trong quá trình công tác, ông có 4 sáng kiến được phổ biến trong tỉnh và toàn quốc, có 3 đồ dùng giảng dạy tự làm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp loại tốt. Những thành tích của ông cũng đã góp phần vào thành tích chung của Trường THCS Nam Liên và giúp trường được nhận Thư khen của Bác Hồ vì “đã phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”.

Học sinh Trường THCS Kim Liên trong buổi lễ nhận lại bức chân dung của Bác Hồ. Ảnh: NTCC

Thầy giáo Hoàng Nguyên cũng đã từng được tặng đến 22 Bằng khen và Huân, Huy chương, trong đó, có Huân chương chống Mỹ, Huân chương Lao động. Năm 1977, thầy được nhận phần thưởng tại “Hội nghị thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc”. Vinh dự lớn lao hơn cả khi năm 1988, thầy vinh dự là một trong những nhà giáo đầu tiên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Hiện nay, ở tuổi ngoài 90, người thầy giáo già với đôi nạng gỗ vẫn cần mẫn với việc làng, việc nước, vẫn đau đáu với sự nghiệp trồng người. Trong hành trình vất vả nhưng rất đỗi vinh quang đó, ông luôn vững một niềm tin son sắt vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu để làm một người có ích, một thầy giáo tốt như lời căn dặn của Người.

Mỹ Hà