Những đồ dùng không để trong xe ô tô những ngày nắng
Những ngày nắng nóng, khi để xe ngoài trời nhiệt độ nhiều vị trí có thể tăng cao lên 70 độ C, tác động ngoại cảnh có thể biến những vật dụng vô hại trở thành tác nhân gây cháy, nổ.
Theo một số nghiên cứu đã cho thấy, nếu nhiệt độ ngoài trời ở khoảng 35 độ C thì trong khoảng 20 phút, nhiệt độ tương ứng trong cabin xe có thể lên đến 50 độ C (khi không bật điều hoà).
Sau 40 phút, nhiệt độ cabin có thể đạt mức 60 - 70 độ C, điều này có thể vô tình trở thành tác nhân gây hại. Để hạn chế những sự cố không mong muốn, chủ xe cần lưu ý những đồ vật không nên để trong xe ô tô ngày nắng nóng cũng như vị trí đỗ ô tô sau đây:
Ảnh minh họa: KT |
Các loại bình xịt
Các loại bình phun như nước hoa, xịt khoáng, khử mùi, keo tóc,... đều có dạng nén nên sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Chất đẩy bên trong các bình xịt rất dễ cháy và khi vỏ bình nóng lên, áp suất bên trong tăng cao, có thể làm nổ/vỡ bình, giải phóng các chất đẩy dễ cháy, có nguy cơ dẫn tới hỏa hoạn nếu gần tia lửa.
Bật lửa
Bật lửa có thể gây nổ nếu nhiệt độ trong xe quá cao. Ảnh minh họa: KT |
Chúng ta có thể nghĩ rằng bật lửa là vật vô hại khi không sử dụng, nhưng trong một số điều kiện nhất định, nó có thể trở thành nguồn gây cháy nguy hiểm. Trong những ngày nắng nóng mùa hè, nhiệt độ bên trong xe tăng cao nhanh chóng có thể khiến chất lỏng bên trong bật lửa giãn nở, dẫn tới bung vỡ vỏ chứa, gây rò rỉ chất dễ cháy, thậm chí có thể gây nổ.
Bình cứu hỏa
Đây là vật thực sự cần thiết trên ô tô, nhưng nếu để bên trong xe đóng kín cửa dưới trời nắng thì lại có nguy cơ phát nổ, có thể gây sát thương. Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp bình cứu hỏa phát nổ khi để trong xe dưới nhiệt độ cao, gây lo lắng cho người sử dụng.
Đồ điện tử gia dụng
Các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại và sạc dự phòng,... đều được làm bằng kim loại, dẫn nhiệt nhanh. Nhiệt độ cao sẽ làm các vi mạch điện tử, điện trở nóng lên bất thường, từ đó làm giảm tuổi thọ hoặc nặng hơn là có thể hỏng ngay.
Ngoài ra, các thiết bị này đều chứa pin lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt độ. Khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, như ở trong xe ô tô đóng kín cửa đỗ dưới trời nắng, pin có thể nóng chảy, dẫn tới nguy cơ cháy nổ.
Với thời tiết nắng nóng, để các đồ điện tử như sạc dự phòng trong ô tô cũng là một yếu tố có thể gây ra những hậu quả khó lường. |
Chai nước, kính mắt cũng có thể gây cháy xe
Vào mùa hè nóng bức, hầu như trên xe ô tô của ai cũng có sẵn ít nhất một chai nước tinh khiết hoặc nước khoáng, để có thể hạ nhiệt cơ thể khi phải đi ngoài đường lâu. Và vị trí mà người lái thường để chai nước chính là ô giữa hai ghế trước, vì thuận tay. Thói quen tưởng như vô hại này, trên thực tế, lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Chai nhựa, hoặc thủy tinh thường có thiết kế dạng trụ tròn, chứa nước ở bên trong sẽ tạo thành một thấu kính lồi. Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, vai trò thấu kính hội tụ của chai nước sẽ "phát huy".
Nếu thời gian chiếu đủ lâu và ánh nắng đủ mạnh, các tia nắng hội tụ tại một điểm có thể đốt cháy các bề mặt nội thất như bọc ghế hoặc thảm sàn..., từ đó thậm chí có thể gây cháy xe. Nguy cơ với kính mắt cũng tương tự.
Giải pháp chung cho các trường hợp trên nếu bắt buộc phải để trên xe là cất những đồ dễ cháy trong bao, túi, hoặc balô, và để ở những vị trí không hứng ánh nắng trực tiếp từ cửa kính. Nếu không thực sự cần thiết, đừng để chúng trên xe, hãy cất ở nhà để đảm bảo an toàn.
Khi trời nắng, hãy cố gắng tìm chỗ có mái che hoặc bóng râm để đỗ ô tô. Trong trường hợp buộc phải đỗ ô tô dưới trời nắng, hãy chống nóng cho xe bằng cách sử dụng các tấm chắn nắng rất dễ tìm mua, với giá chỉ từ vài chục cho tới vài trăm ngàn đồng.
Thức ăn, thuốc
Một số chủ xe có thói quen mang thực phẩm lên xe ô tô, tuy nhiên với thời tiết nắng nóng, nhiều loại thực phẩm dễ hư hỏng, ôi thiu hoặc thậm chí là biến chất chỉ sau thời gian ngắn để trong xe. Điều này vô tính sẽ khiến chiếc xe của bạn bị ám mùi. Do đó, các chủ xe cần hạn chế điều này.
Cùng với thức ăn, thuốc cũng là đồ mà chúng ta cần hạn chế để trên ô tô ngày nắng nóng vì thuốc thường được khuyến cáo nên để ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hay nên để trong môi trường nhiệt độ dưới 25 độ C là tốt nhất... Vì vậy, nếu để các loại thuốc trong ô tô vào những ngày nắng nóng sẽ khiến thuốc bị mất tác dụng hoặc thậm chí là có hại./.