Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai quy định về phòng, chống rửa tiền
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Văn bản số 3478/UBND-KT ngày 8/5/2023 gửi các ban, sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về phòng, chống rửa tiền.
Theo đó, sau khi nhận được Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2023, UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức nghiên cứu, quán triệt và phổ biến, triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND tỉnh.
Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Cơ quan được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai quy định về phòng, chống rửa tiền quốc gia và quốc tế. Ảnh: Internet |
Trước đó, theo Nghị định số 19/2023/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều khoản của Luật Phòng chống rửa tiền bao gồm: nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu nhập, xử lý và phân tích thông tin phòng chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước; căn cứ nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo trì hoãn giao dịch.
Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
+ Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền: Việc đánh giá rủi ro về rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo các tiêu chí, phương pháp được pháp luật quy định, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền phải xác định được mức độ rủi ro về rửa tiền của quốc gia; đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện sau đánh giá, cập nhật chính sách, chiến lược về phòng, chống rửa tiền tương ứng trong từng thời kỳ.
Thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ việc đánh giá rủi ro về rửa tiền được thu thập từ cơ sở dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo, tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
(Trích Nghị định số 19/2023/NĐ-CP)
+ Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền gồm: Tiêu chí nguy cơ rửa tiền, tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền và tiêu chí hậu quả rửa tiền của quốc gia và ngành, lĩnh vực. Tiêu chí nguy cơ rửa tiền bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tiêu chí nguy cơ rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực, cụ thể như: nguy cơ rửa tiền từ từng tội phạm nguồn trong nước và xuyên quốc gia; tiền từ từng ngành, lĩnh vực trong nước và xuyên quốc gia.
Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an hoặc đơn vị được Bộ trưởng Bộ Công an phân công khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động tội phạm, bao gồm giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sử hữu, hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đề nghị đối tượng báo cáo thực hiện hoãn giao dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các Luật có liên quan. Khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch tại quy định này, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký (28/4/2023). Các Nghị định khác gồm 116/2013/NĐ-CP và Nghị định 87/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền hết hiệu lực. Quy định về mức giá trị giao dịch theo điểm b, khoản 1 và khoản 4, điều 6 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 01/12/2023.