Đại biểu Quốc hội nói về tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức

Lê Sơn 01/06/2023 06:28

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: tại sao từ trước đến nay không xuất hiện cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh mà đến nay mới xuất hiện. Không những thế, nó còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận.

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách những tháng cuối năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nhất là trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu cũng chỉ ra những một số hạn chế nhất định cần sớm được khắc phục. "Tôi đặc biệt quan tâm đến một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước", đại biểu nói.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Phân tích hiện tượng này, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, có 2 nhóm cán bộ gồm: Nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng và nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu cho rằng, về nhóm cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không và khi nhận diện được thì xử lý thế nào. Đại biểu cho rằng, ngay trong thời điểm "dầu sôi, lửa bỏng" thế này thì giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay, đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu cán bộ tốt.

Nhưng về lâu dài, đại biểu Quốc hội đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Từ một góc nhìn khác, đại biểu nêu quan điểm về nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên, là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.

"Họ lo sợ vì các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất", đại biểu nói.

Bên cạnh đó, số cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.

Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì mạnh dạn phân quyền cho địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Đại biểu Lê Hữu Trí (tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, không giải quyết công việc hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đại biểu, tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi đã góp phần gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trên thực tiễn, thiếu đồng bộ, xung đột pháp luật, nhằm tháo gỡ kịp thời các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã gây ách tắc, điểm nghẽn hiện nay trên nhiều lĩnh vực. Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những cả trước mắt và cả lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Nhân dân đang trông đợi những việc cần làm, phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị

31/05/2023

Lê Sơn