Nắng nóng kéo dài, Nghệ An sông khô, hồ cạn
(Baonghean.vn) - Nắng nóng ngày qua khiến nguồn nước tại các sông, hồ, đập đang dần cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu hiện hữu…
Mực nước sông xuống thấp
Cuối tháng 5/2023, trong cái nắng gay gắt gần 40 độ C, vợ chồng anh Hoàng Văn Bắc đứng tần ngần trước khoảng sân của gia đình, nơi chứa khoảng 30 bì lúa vừa mới thu hoạch vụ xuân, đã được phơi phong khô ráo và đóng bì chuẩn bị cất vào góc nhà. Anh Bắc chỉ tay vào thành phẩm lao động sau 1 mùa cày cấy cho biết, “Vợ chồng gieo trồng hơn 9 sào lúa vụ xuân này, nhưng thu hoạch chỉ hơn 6 tạ. Tính tiền công thuê máy cày, máy gặt, rồi tiền thuê bơm nước, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì xem như vụ này không ăn thua”.
Nghệ An thắng lớn vụ xuân, tuy nhiên cá biệt một số nơi vẫn gặp hạn, năng suất thấp. Ảnh: Q.A |
Hỏi nguyên do, vợ anh Bắc, chị Vi Thị Xuyến cho biết, hơn 4.500 mét vuông đất ruộng của gia đình anh chị tại vùng đồng Cồn Hươu của xã Đại Đồng năm nay gặp hạn nặng, cả vụ lúa hầu như không có nước. Cộng với trời cũng hầu như không mưa nên lúa xơ xác, còi cọc, mất mùa.
Chị Xuyến cho biết thêm, nhà chị ở ngay gần Trạm bơm Chợ Rạng, mương dẫn nước từ sông lên đồng ruộng chạy qua ngay trước cửa nhà nhưng nửa năm nay luôn trong tình trạng khô hạn, nứt nẻ. Bởi cũng chừng đó thời gian trạm bơm chưa hoạt động lần nào. Nguyên nhân do mực nước sông Lam liên tục xuống thấp, máy bơm không hoạt động được.
“Không chỉ mất mùa vụ lúa xuân, vụ hè thu kế tiếp khả năng gia đình tôi bỏ không làm, vì đã quá lịch thời vụ mà chưa có giọt nước nào được bơm lên ruộng. Cán bộ nông nghiệp đã thông báo cho người dân nhận giống lúa cho vụ hè thu nhưng chúng tôi chưa nhận” – anh Bắc cho biết.
Mực nước sông Lam tại Trạm bơm Chợ Rạng, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương đã xuống dưới mức nước có thể bơm hút. Ảnh: Hoài Thu |
Cán bộ UBND xã Đại Đồng cho biết, vùng đồng Cồn Hươu là nơi tập trung ruộng lúa nước của các xóm Trường Sơn, Thanh Sơn, Nghĩa Trung. Vụ lúa xuân vùng đồng này gặp hạn nặng nên hầu như mất mùa. Mặc dù UBND xã cũng đã nỗ lực huy động máy bơm hút nước từ kênh dẫn thuỷ lợi về vùng đồng này, nhưng do lượng nước ít nên không cải thiện được tình hình. Nhiều hộ dân cũng tự thuê máy bơm hút nước từ sông lên, nhưng do khoảng cách xa, lượng nước sông liên tục xuống thấp nên cũng không hiệu quả.
Ông Lê Ngọc Hiếu - Trạm Trưởng trạm bơm chợ Rạng cho biết, vì nước sông xuống thấp, cách đầu vòi hút nước của trạm bơm hơn nửa mét nên phải nối dài thêm đường ống. “Song tính khả thi không cao. Vì các đường ống hút nước của trạm bơm đã được nối 2 lần, hiện chiều dài đường ống hút nước đã vượt quá mức kỹ thuật cho phép hơn 1m. Dù vậy, chúng tôi vẫn thử vì bà con đang cần gấp nước tưới cho gieo cấy vụ hè thu".
Cán bộ Trạm bơm Chợ Rạng nỗ lực nối đường ống hút nước. Ảnh: Hoài Thu |
Đến ngày 30/5, sau nỗ lực nối đường ống nước, cán bộ Trạm bơm Chợ Rạng cho biết, “kế hoạch thất bại vì đường ống quá dài, quá tải với công suất hút nước của máy”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lịch gieo cấy vụ hè thu ở Đại Đồng đã chậm 1 tuần vì không có nước.
Tại huyện Hưng Nguyên, mực nước tại sông Đào, sông Hoàng Cần, kênh Nhà Lê… đều đang cạn dần do không có mưa trong thời gian dài. Bà con nông dân như “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ không có nước để làm đất, gieo cấy đúng lịch thời vụ.
Nhánh sông Đào trên địa bàn huyện Hưng Nguyên cạn kiệt. Ảnh: Q.A |
Bà Nguyễn Thị Yến – Cán bộ Nông nghiệp xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cho biết: Toàn xã có hơn 300ha lúa thì có đến 200ha lúa phụ thuộc nguồn nước tại kênh Nhà Lê đi qua địa bàn, tuy nhiên, những ngày qua, mực nước tại kênh xuống thấp khiến việc bơm nước phục vụ người dân làm đất không thể triển khai đồng loạt, do đó, việc chậm tiến độ gieo cấy hoàn toàn có thể xảy ra nếu trời tiếp tục không có mưa…”.
Hồ, đập khô cạn
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ dao động từ 40 - 42 độ C khiến mực nước tại nhiều hồ đập ngày càng xuống thấp. Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ đập, trong đó có 102 hồ do doanh nghiệp quản lý. Đến nay, có 26 hồ có dung tích <50% (cùng kỳ năm 2022 có 12 hồ). Đối với 959 hồ đập do địa phương quản lý hiện không có hồ nào đầy nước, có 568 hồ có dung tích từ 40 -70% và 15 hồ có dung tích từ 20 – 30%. Nếu thời gian tới tiếp tục nắng kéo dài trúng vào cao điểm bơm nước cung cấp cho cày bừa, gieo cấy vụ hè thu thì mực nước tại các hồ đập sẽ còn giảm mạnh, không thể duy trì cho các đợt tưới tiếp theo.
Đập Nậu, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc khô cạn, người dân có thể đi lại trên lòng hồ. Ảnh: Q.A |
Toàn huyện Nghi Lộc có 42 hồ đập, trong đó xã Nghi Văn có đến 19 hồ đập lớn nhỏ, chiếm gần 50% số hồ toàn huyện. Điều đáng nói, đây lại là địa phương có diện tích lúa lớn bậc nhất trên địa bàn huyện với 530ha, nguồn nước sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào hồ đập do không có sông ngòi. Theo ghi nhận, hiện mực nước tại các hồ đập trên địa bàn xã đang ở mức rất thấp.
Đơn cử như tại đập Gà, đập Giếng Tợi, đập Nậu… mực nước đã xuống hơn 50%, có hồ mực nước chỉ dao động khoảng vài chục centimet, người dân có thể qua lại giữa lòng hồ dễ dàng. Cảnh tượng lòng hồ nứt nẻ không khó gặp giữa tiết trời nắng nóng.
Đập Giếng Tợi, huyện Nghi Lộc nứt nẻ giữa lòng hồ. Ảnh: Q.A |
Ông Ngô Văn Thắng, cán bộ nông nghiệp xã Nghi Văn cho biết: Đặc thù của các hồ đập là lượng nước tích trữ phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Trong khi thời gian qua, nắng gay gắt, mưa rất ít, nước bốc hơi nhanh, dự kiến trong thời gian tới tiếp tục không có mưa thì lượng nước ở các hồ đập còn lại sẽ nằm ở mực nước chết, hàng trăm ha lúa hè thu dự kiến không thể gieo cấy đúng thời vụ.
Tương tự xã Nghi Văn, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn cũng phụ thuộc nước sản xuất hoàn toàn từ hồ đập do không có mạng lưới sông ngòi chảy qua. Ông Nguyễn Văn Xuân – Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết: Toàn xã có 15 hồ đập, trong đó có 1 hồ lớn là Tràng Đen, hiện mực nước đã xuống dưới 50%, do đó, rất khó có thể cung cấp đủ nước sản xuất cho vụ hè thu, cũng vì thế mà diện tích lúa Hè thu của xã cơ cấu khoảng 95ha, với tâm thế ăn chắc, số còn lại phải chuyển đổi cây trồng để chống hạn”.
Nguồn nước cạn kiệt, kênh mương khô hạn nên không thể triển khai sản xuất vụ hè thu đúng tiến độ. Ảnh: Q.A |
Tại huyện Hưng Nguyên có 7 hồ đập, trong đó có 2 hồ lớn và 5 hồ nhỏ, nằm chủ yếu ở 2 xã Hưng Yên Bắc và Hưng Yên Nam. Thời điểm này, mực nước tại các hồ đập cũng đang ở mức rất thấp và dự kiến chỉ đủ cho 1 - 2 lần cấp nước nữa, không thể cung cấp đủ cho sản xuất vụ hè thu nếu trời không mưa.
Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết: Nguồn nước cung cấp tại các hồ đập hoàn toàn từ nước mưa, không có nguồn bổ sung nào khác. Do đó, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài thì mực nước tại các hồ đập sẽ càng xuống thấp. Do đó, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, tính toán để những vùng nguy cơ khô hạn cao cần chuyển đổi cây trồng chống hạn vụ hè thu. Đồng thời, những hồ đập do địa phương quản lý đã hư hỏng, xuống cấp cần trích nguồn ngân sách, nguồn thuỷ lợi phí để tiến hành tu bổ, sẵn sàng tích nước khi có mưa, đảm bảo sản xuất.
Vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, các hồ đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp. Dự kiến toàn tỉnh có đến trên 6.500 ha có nguy cơ hạn, thiếu nước.